Như đã phân tích ở trên, hiện nay hệ thống tiêu chí đánh giá nhân sự đang được áp dụng ở UBND Huyện gồm 6 tiêu chí đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tiêu chí chưa được cụ thể hóa để có thể phản ánh được kết quả theo vị trí làm việc (đặc biệt là tiêu chí số 4 về tiến độ và kết quả làm việc). Vào tháng 8/2917, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng các tiêu chí chi tiết để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, trong đó phải tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện hệ thống tiêu chí đánh giá nhân sự. Để hoàn thiện được hệ thống tiêu chí đánh giá nhân sự, UBND huyện cần:
- Xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, mang tính định lượng, trong đó tỷ lệ hoàn thành khối lượng, tiến độ và hiệu quả công việc, kết quả thực hiện chiếm tỷ lệ chính trong thước đo đánh giá nhân sự. Nghĩa là vẫn áp dụng hệ thống 6 tiêu chí theo điều 56, Luật Cán bộ công chức nhưng các tiêu chí phản ánh kết quả công việc nên chiếm tổng trọng số ít nhất 70% trong tổng số các tiêu chí. 6 tiêu chí nên được phân loại thành 2 nhóm tiêu chí còn lại là "kết quả thực hiện công việc" (đóng vai trò trọng tâm) và "chấp hành quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; chính sách, pháp luật của Nhà nước".
- Việc xây dựng thang điểm cho mỗi tiêu chí cần căn cứ vào những yếu tố sau: Khả năng lượng hóa với mỗi tiêu chí; Mức độ đầy đủ thông tin về người được đánh giá; Trình độ vận dụng tiêu chí của chủ thể tham gia đánh giá; Khả năng áp dụng với mỗi chủ thể đánh giá; Mức độ trang thiết bị áp dụng trong đánh giá.
- Để xây dựng được các tiêu chí phản ánh “kết quả thực hiện công việc” của các vị trí làm việc, cần thí điểm thực hiện “Phân tích công việc”. Đây là một công tác quan trọng trong quản trị nhân sự, hiện nay vẫn chưa được thực hiện phổ biến ở các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Để thực hiện phân tích công việc tốt, cần có sự ủng hộ và chỉ đạo từ lãnh đạo UBND, sự hợp tác từ toàn bộ đội ngũ nhân sự và sự tư vấn của các chuyên gia quản trị nhân sự.