Trong Đại Trí Độ Luận, quyển thứ 42, Ngài Long Thọ đã có nhiều ví dụ rất hay về chúng sinh và chư Phật. Ngài ví chúng sinh cũng giống như những con ruồi và ví các bậc giác ngộ như những đóa hoa sen.
Con ruồi thì ưa đậu nơi phân dơ. Tuy hoa sen có đó nhưng nó đâu màng tới. Vì sao vậy? Vì trí tuệ của con ruồi thấp kém, chỉ chấp nhận bãi phân là đối tượng của mình.
Chúng sinh trong cõi luân hồi cũng đều như vậy thôi. Chỉ ham mê nơi ái dục, tình yêu và ái nhiễm nơi thể xác nên mới chọn Ta Bà chứ không thích Tịnh Độ hoặc các cảnh giới giải thoát khác. Mặc dầu ai thấy bông sen cũng đều cho là đẹp – giống như thế giới của chư Phật và Bồ Tát vậy nhưng đâu phải chúng sinh nào cũng ưa thích giác ngộ. Vì lẽ tâm thức còn hạ liệt, trí tuệ chưa vun bồi, dẫu cho có bắt bỏ vào cảnh giới của hoa sen đi nữa, thì con ruồi kia vẫn chọn đống phân như thường. Điều ấy không mấy khó hiểu, vì lẽ chúng sinh chỉ thuận theo những gì mình ưa thích, mà chính những sự ưa thích ấy dẫn mình vào cõi đọa lạc; nhưng mấy ai hay biết bao giờ.
Đó là cõi người chứ cõi chư Thiên và các cõi trời khác trong 33 tầng trời cũng chỉ chừng ấy việc thôi. Có thế giới cao thượng hơn thì yêu nhau bằng tâm thức chứ không bằng thể xác; nhưng đồng thời cũng có những thế giới lạc hậu, dơ bẩn ở cõi Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh... Chúng vẫn yêu đương nhau và tiếp tục sinh ra những chúng sinh như thế để kế thừa.
Bồ Tát và Phật đã ra khỏi vòng luân hồi sinh tử nên không còn yêu riêng ai. Chỉ lấy chúng sinh làm đối tượng để mình cứu độ mà thôi. Vì vậy trong kinh có câu:
Ái bất nhiễm bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ.
Nếu người nào ái dục không còn nhiễm ô thì không sanh ở thế giới Ta Bà này nữa. Cũng thế ấy, người niệm Phật không chuyên tinh thì không thể nào vãng sanh về Tịnh Độ được.