Tôi đến sân Mỹ Đình dự buổi giao lưu với Nick Vujicic, một thanh niên người Úc không tay, không chân đã vượt qua tất cả để làm được nhiều điều phi thường, để viết được đến ba cuốn sách.
Ngồi quanh tôi là các em sinh viên. Có lẽ tôi là người lớn tuổi nhất trong cả khán đài tầng năm của sân Mỹ Đình. Hôm nay, tôi nghe nói, có đến 20 ngàn người đến giao lưu với Nick.
Tôi đã học được nhiều từ Nick. Từ câu chuyện đời anh đến nghệ thuật thuyết trình. Từ cách anh cho khán giả đợi nhiều tiếng mới được gặp, đến cảnh anh giao lưu với những người cùng cảnh ngộ. Tôi cũng học từ hôm nay cách truyền thông cho một sự kiện, một nhân vật, những tấm lòng.
Cũng nhờ Nick vào Việt Nam mà tôi phát hiện ra những Nick khác người Việt. Ngay sáng ngày Nick diễn thuyết ở Mỹ Đình, tôi nhận được email và nhắn tin qua facebook nhờ kiếm giấy mời cho một cô bé sống ở Yên Bái cũng không tay, không chân, giống Nick.
Câu chuyện rằng, mẹ bé Linh Chi đang sống tại Yên Bái. Con gái chị năm nay tám tuổi và hiện đang là học sinh tiểu học. Khi sinh ra cháu chẳng có tay và cũng không có chân như các bé khác. Gia đình không bao giờ có thể
tưởng tượng được vào một ngày khi ba tuổi, cháu có thể đi được, nhưng không phải đi bằng đôi chân mà chỉ có thể “lết”.
Mẹ cháu kể về ngày cháu được đi học mẫu giáo. Một ngôi trường gần nhà đã dang rộng vòng tay đón cháu, cho cháu hoà nhập với cộng đồng, được học với các bạn bình thường. Và bây giờ trường tiểu học Nguyễn Thái Học, tỉnh Yên Bái, đã cho cháu viết được tên “Linh Chi”. Nhưng các bạn cùng lớp, cùng trường vẫn nhìn cháu với một ánh mắt là lạ và đôi khi còn gọi là “cụt tay, cụt chân”.
Mẹ của Linh Chi xem truyền hình, thấy giới thiệu về Nick và thấy sao mà giống con gái chị thế. Từ đó chị cảm thấy thôi thúc và tìm cách để cho cháu được một lần gặp Nick, để Linh Chi thấy nghị lực sống và vươn lên, không nên mặc cảm với số phận. Mẹ Linh Chi muốn các bạn nhỏ sẽ nhìn bé với ánh mắt thân thiện hơn, gần gũi hơn, không phải xa lánh như căn bệnh hủi ngày nào...
Linh Chi chính là một minh chứng cho chiến tranh. Ông nội cháu là một đại tá đã mang thân mình cống hiến cho đất nước, bao năm lăn lộn ở chiến trường vì miền Nam, vì Khe Sanh thân yêu và bố bé với căn bệnh dị ứng máu, còn cháu thì như vậy.
Cuối cùng, Linh Chi và mẹ đã gặp được Nick, được giao lưu. Và tôi thấy Linh Chi là một Nick của Việt Nam.
Một câu chuyện xúc động khác cũng diễn ra vào đêm đó ở Mỹ Đình là về cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Hồng. Hồng không có đôi tay linh hoạt, nhưng chị biết làm thơ và gửi tâm tư vào những bài thơ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chị làm ra đến 400 bài thơ. Không dùng tay được, chị dùng miệng… cầm bút. Để có thể cầm bút bằng miệng và viết được, chị đã gặp quá nhiều khó khăn. Chị Hồng cũng thường vẽ tranh. Những bức tranh đẹp và tràn đầy hi vọng.
Trong buổi giao lưu đêm nay, chị Hồng bày tỏ niềm vui khi được gặp Nick. Tất cả cùng nghe rõ tâm sự của chị:
MC Thùy Linh: Chị không được đến trường nhưng chị đã làm thơ và vẽ tranh, chị có thể chia sẻ điều gì đó?
Nguyễn Thị Hồng: Mình đã làm bằng tình yêu thương, tình yêu thương của gia đình và mọi người dành cho mình. Mình đã nghĩ mọi người viết được, sao mình không viết được. Và mình học viết. Mình thích làm thơ và hiện giờ giờ mình đã có 400 bài thơ.
MC Thùy Linh: Chị đã bao giờ tự hỏi tại sao số phận mình thế này?
Nguyễn Thị Hồng: Mình chưa bao giờ tự hỏi điều đó, có nhiều người giàu có, sung sướng, nhưng họ không vui vẻ.
Việt Nam ta cũng có nhiều Nick chứ ạ. Chúng ta có nhiều Hồng, Phú,
Nguyễn Ngọc Kí, Công Hùng, Duy Anh… nhiều lắm. Và có lẽ chúng ta cần mở lòng ra để giới thiệu những Nick củaViệt Nam.
Tự nhiên tôi muốn xuất bản ngay một cuốn sách về họ, những Nick người Việt, để chúng ta cùng học, để cùng sống có ích hơn.