Kì quan thế giới thứ tám: Con ngườ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sống hạnh phúc thật giản đơn (Trang 45 - 48)

Khi tiếp xúc với sinh viên, tôi thường yêu cầu các em cho biết về những kì quan của thế giới. Có thể nói các em luôn luôn mang lại những câu trả lời thú vị.

Các em thường nhắc đến những công trình vĩ đại của nhân loại như Kim tự tháp Ai Cập, Vạn Lí Trường Thành Trung Quốc, đền Taj Mahal Ấn Độ… bảy kì quan thế giới cổ đại cũng như hiện đại, kể cả những kì quan chưa được công nhận thường được nhắc đến nhiều nhất. Có lẽ do ảnh hưởng của việc xếp loại bảy kì quan thế giới cổ đại, hầu hết các sinh viên đều cố gắng nêu được bảy kì quan là các công trình kiến trúc.

Một điều khiến tôi rất vui là trong những câu trả lời, cũng có nhiều em đã đưa thêm một kì quan thế giới phù hợp với tư duy của tôi – con người. Mỗi khi bạn nào nêu lên đúng kì quan thứ tám này, tôi đều dành cho bạn ấy một phần thưởng – những quyển sách quý.

Trong những buổi nói chuyện ấy, tôi cũng không bao giờ quên đặt vấn đề với các sinh viên của mình là tôi sẵn sàng tặng một triệu đô la cho bất kì người nào nếu tìm thấy một bạn khác có hình dáng và tính cách giống hệt bạn vừa phát biểu. Tôi tuyên bố như thế vì khẳng định chắc chắn rằng mỗi chúng ta là duy nhất, là độc nhất vô nhị. Không ai giống ta. Không ai hay và thú vị như ta. Vì quả thật, con người chính là một kì quan. Mỗi chúng ta đều là một kì quan của thế giới. Vậy mà không phải ai cũng biết.

Mỗi chúng ta đều là một kì quan riêng, rất riêng. Kì quan này được hình thành ngay từ khi chúng ta sinh ra và thay đổi dần trong quá trình tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Kì quan được trưởng thành dần và nếu biết tu tập, sẽ dần đi đến sự hoàn thiện.

Mỗi chúng ta có một thế mạnh riêng. Không ai là không có sở trường của mình. Chỉ có điều ta có nhận ra hay không, có biết hay không. Chỉ cần nhận ra những điểm hay, điểm tốt của chính mình, ta sẽ thấy hạnh phúc, thấy cuộc đời thật đẹp, sẽ thấy được ý nghĩa và sự kì diệu của cuộc sống.

Thỉnh thoảng tôi đến thăm nghệ sỹ ghi ta Văn Vượng và chuyện trò cùng ông. Có lẽ “nhờ” bị mù mà Văn Vượng đã tìm thấy “điểm mạnh” chết người: Năng khiếu chơi ghi ta. Ông chơi hay vô cùng. Tôi bị mê hoặc mỗi khi nghe

ông chơi bài Người Hà Nội. Nghe ông đánh đàn mà tôi như cảm nhận được cả một dàn nhạc đang biểu diễn trước mặt. Kì quan thế giới Văn Vượng đã biết dùng cây đàn sáu dây để thu phục lòng người.

Tôi yêu quý em Hồng Công, cô gái viết truyện khi đang chạy thận nhân tạo. Em đã sống và cống hiến hết mình đến khi ngừng thở. Tôi cũng trộm nghĩ, nếu không bị bệnh hiểm nghèo, có thể em sẽ chẳng viết được hai tác phẩm bất hủ Khát vọng sống để yêu và Ở trọ trần gian.

Tôi hay đến nhà cậu em họ tên là Tùng chơi. Chỉ sau khi em bị mất trắng, bị tai nạn em mới hiểu giá trị cao quý của cuộc đời, sự nhiệm màu của cuộc sống. Chỉ sau sự cố này, Tùng mới tìm hiểu và cảm thông sâu sắc với những hoàn cảnh, những số phận kém may mắn. Tôi mừng vì Tùng đã biết mình là một kì quan thế giới và đang hết mình mang lại những gì tốt đẹp nhất cho những người xung quanh và cả xã hội.

Tôi thích ngồi hàn huyên với một bạn phóng viên còn rất trẻ. Em có một tấm lòng bao dung với cách sống giản dị. Em luôn cho tiền người ăn xin, bất kể lúc đó trong túi có bao nhiêu tiền và bất kể đó là người ăn xin thật hay

“rởm”. Cách bố thí thường ngày và không phân biệt làm tôi thấy ngưỡng mộ và học theo.

Mỗi chúng ta đều rất đặc biệt. Việc còn lại là nên hiểu mình. “Không hiểu mình thì u mê trước vạn vật” – thánh nhân dạy như vậy. Mỗi chúng ta cần dành những phút giây để khai phá tiềm năng vô hạn trong chính ta – kì quan thế giới thứ tám, để cống hiến được nhiều hơn và để có hạnh phúc lớn hơn. Ta dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu thế giới xung quanh, để khám phá vũ trụ, bầu trời, đại dương nhưng chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian, công sức và trí tuệ để khám phá chính mình – kì quan thế giới thứ tám.

Vì là kì quan thế giới nên chúng ta không thể không quý trọng chính mình. Vì là kì quan nên ta cần biết vượt qua chính mình, biết sống thật với mình, biết không ngờ vực mình, biết tận tụy và ước mơ, biết sẻ chia và đồng cảm, biết rung động và hài lòng, biết cảm nhận bình yên và cống hiến. Mỗi chúng ta đều có cái riêng của mình. Mỗi chúng ta cần học tập và tu dưỡng để hoàn thiện mình hơn, bất kể mình làm công việc gì, sống ở đâu, trong điều kiện, hoàn cảnh nào. Chúng ta nên tự thay đổi để mang lại cho mình cũng như những người xung quanh thật nhiều niềm vui.

Kì quan thế giới – con người khác hẳn các kì quan thế giới khác: Chúng ta biết suy nghĩ, biết nhìn gần nhìn xa, có đầu óc sáng tạo. Mỗi chúng ta luôn

tìm cách suy ngẫm về bản thân và mối quan hệ với những người xung quanh. Mỗi chúng ta – kì quan thế giới luôn biết “sửa” mình để biến chính mình thành một kì quan thế giới vĩ đại hơn.

Con người chúng ta thường có tính nhỏ nhen, hay ghen ghét, đố kị. Chúng ta dễ làm những việc xấu và đi theo hướng không tốt, theo cám dỗ của cuộc đời. Mỗi chúng ta – kì quan thế giới nên tu sửa mình mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây để chiến thắng từng tật xấu rất nhỏ của mình. Chúng ta cũng cần tôi luyện để luôn dám đối diện với chính mình.

Thế giới thời cổ đại hay hiện đại đều có bảy kì quan. Những kì quan này rồi cũng sẽ bị hủy diệt theo thời gian, theo quy luật sinh diệt của vũ trụ. Dù có ở thời nào: Xưa, nay hay mãi mãi sau này thì kì quan thứ tám – con người cũng không bị mất đi. Hãy biết trân trọng chính mình, trân trọng sự sống và sự kì diệu của thân tâm ta. Khi gõ đến đây, tự nhiên trong não tôi hiện lên câu nói ưa thích: “Điều vĩ đại chính là sự giản dị. Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng”. Hình như điều này thể hiện rõ sự kì diệu của mỗi chúng ta – kì quan thế giới thứ tám của thế giới.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sống hạnh phúc thật giản đơn (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)