Tôi cứ nghĩ, thật may mắn khi không phải ước muốn nào của con người cũng đều biến thành sự thật. Nếu như ai ước cái gì cũng được cái đó thì có lẽ vũ trụ cũng không đủ chứa hết được. Tuy nhiên, nếu ước nhiều quá, cuối cùng ta cũng chỉ quay lại cái giản dị ban đầu mà thôi.
Có một người thợ chuyên tạc đá. Anh đẽo đá ngày đêm, tạo ra các bức tượng và tác phẩm nghệ thuật. Ngày nọ, đang đẽo đá anh thấy nhà vua và đoàn tùy tùng đi ngang qua. Anh thấy nhà vua sướng quá, được ngồi trên kiệu, có kẻ hầu người hạ. Đúng là sướng như vua! Thế rồi anh thợ đục đá mơ ước trở thành vua.
Ước gì được nấy, anh ngay lập tức biến thành vua. Anh được cho lên kiệu và khiêng đi khắp đó đây, không phải đi bộ. Tuy nhiên ngồi trên kiệu một lúc cũng mỏi. Hơn nữa mặt trời chiếu nắng làm anh ta nóng nực đến hết chịu nổi. Tự nhiên anh ta nghĩ, vua vẫn thua mặt trời. Phải là mặt trời mới chiếu sang đến được muôn phương, mới làm chủ được trái đất.
Ước gì được nấy. Anh thợ đá, giờ đã thành vua ngay lập tức biến thành mặt trời. Thế là anh ta thỏa sức chiếu sáng muôn nơi. Anh có thể làm người ta ấm lên, thậm chí nóng cháy da. Tuy nhiên, sau vài ngày chiếu sáng anh ta phát hiện ra những đám mây đã ngăn mất ánh sáng của mình. Hóa ra những đám mây còn có quyền lực hơn cả mặt trời, ngăn ánh sáng do mặt trời chiếu ra. Và anh ước muốn thành đám mây.
Ước sao được vậy. Mặt trời biến thành mây. Mây tha hồ bay lang thang khắp đó đây. Mây che mặt trời. Mây che mát cho đồng ruộng, phố phường. Tuy nhiên, bay rồi anh cũng gặp phải núi. Núi cao đã ngăn mây lại. Anh ta không thể bay tiếp được. Anh nghĩ, hóa ra núi còn có quyền lực hơn cả mây. Và thế là anh ta ước mong thành núi. Phải cao như núi, vững như núi, hùng vĩ như núi mới hơn được tất cả.
Mong ước – được nên. Mây biến thành núi. Từ đó, các đám mây bay qua đều bị núi chặn lại. Anh chàng rất hả hê. Tuy nhiên sau một thời gian, anh phát hiện ra các thợ đá bắt đầu đến phá núi. Họ xẻ núi lấy đá làm tượng, xây công trình. Anh ta vô cùng đau đớn khi bị thợ đá xẻ thịt mình không thương tiếc. Hóa ra mấy anh thợ đá bé xíu kia lại có quyền hơn cả núi. Và anh ta mơ ước trở thành anh thợ đá.
Núi biến thành anh thợ đá. Bây giờ anh thợ đá đã thật sự thỏa mãn, thật sự vui sướng và hạnh phúc. Hàng ngày anh cần cù làm việc, tạo ra
các tác phẩm nghệ thuật. Anh ăn những bữa ăn giản dị nhưng ấm cúng và đầy tình yêu thương. Anh hoàn toàn mãn nguyện và biết rằng dù có là mặt trời, là mây, là núi gì đi chăng nữa cũng không bằng là chính anh của bây giờ!
Tôi cũng vậy. Ngày nhỏ ở quê nhà tôi rất nghèo, phải ăn ngô, ăn khoai, ăn sắn, phải ăn dưa cà muối, canh mồng tơi, rồi rau lang luộc. Tôi ước mơ mau giàu có để có nhà tầng, được ăn gà, ăn thịt thoải mái. Thế rồi cũng đến lúc mình có nhà lầu, xe hơi, đồ ăn thức uống đầy tủ lạnh. Thỏa lòng ước mong bao nhiêu năm!
Tuy nhiên, thời bây giờ, không chỉ tôi mà bao doanh nhân, cũng như hầu hết người thành phố muốn ăn đặc sản. Đặc sản lại chính là những món ăn ngày xưa tôi “phải ăn”, “bị ăn”. Bây giờ ai cũng mong được ở trong những ngôi nhà ngói, có nhiều cây xanh, cánh đồng, dòng sông và rau sạch, trái cây. Giống như nơi tôi sống trong nghèo khó thời xưa!
Ước muốn của con người là vô tận. Nếu chúng ta biết sống thiểu dục, biết hài lòng với những gì mình đang có, ngay bây giờ, ngay ở đây, thì cuộc đời thật tuyệt diệu làm sao. Mong gì thì mong, ham muốn lớn đến mấy không biết nhưng rất có thể, chúng ta sẽ phát hiện ra điểm xuất phát ban đầu mới là tuyệt vời nhất. Tôi chợt nhớ đến một câu rất hay của Trịnh Công Sơn “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!”
Học Phật ta không chỉ học trong kinh, trong sách. Tu Phật cũng không chỉ là tụng kinh, niệm phật, ngồi thiền. Mỗi câu chuyện quanh ta là những bài học, là những bài pháp vô cùng vi diệu. Nếu chúng ta biết quan sát và ứng dụng vào cuộc sống, việc tu tập của chúng ta sẽ tiến bộ rất nhanh, rất đúng chánh pháp.