Địa ngục lườ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sống hạnh phúc thật giản đơn (Trang 120 - 123)

Hạnh phúc là khi chúng ta được lao động, được cống hiến cho đời, được phục vụ và phụng sự chúng sinh.

Có một thanh niên nọ suốt ngày làm lụng vất vả. Anh lao động suốt từ sáng đến tối, không ngừng tay. Anh luôn nhìn những người nhàn hạ, ít lao động và mơ ước được như họ. Nhất là anh thấy ghen tị với những cô cậu ăn chơi, phè phỡn, đàn đúm, tóc xanh mỏ đỏ, xe cộ lượn lờ, quán xá ngày đêm. Càng ngày anh càng thèm khát cuộc sống an nhàn không phải lao động.

Thế rồi, một ngày nọ thấy quá vất vả, anh quyết định tự vẫn – treo cổ mình lên xà nhà. Anh thà chết còn hơn phải làm việc và lao động vất vả.

Sau khi chết, Diêm Vương báo cho biết rằng anh phải đọa địa ngục. Tự sát, tức tự giết mạng sống của mình là tội rất nặng, nặng hơn cả tội cướp đi mạng sống của kẻ khác.

Rồi anh được dẫn đến một không gian khá đẹp, thư thái, bình an. Có cây xanh, nắng vàng. Có trăng thanh, gió mát. Có nước chảy, thông reo. Có chim ca, thú lượn. Việc duy nhất của anh và những người trong địa ngục này là KHÔNG LÀM GÌ CẢ.

Hàng ngày anh ta ngủ dậy được ăn sáng và chơi. Chơi rồi ăn trưa. Ăn trưa xong lại chơi cho đến giờ ăn tối. Xong bữa tối lại chơi đến khi đi ngủ. Anh không được quyền động chân động tay vào bất cứ việc gì – từ lau nhà đến rửa bát, từ làm cỏ ngoài vườn đến hái trái cây đã chín. Từ giặt quần áo đến nấu những món ăn mình thích. Chứ không nói đến chuyện đi làm ở nhà máy hay công sở, cơ quan và công trường. Bất cứ nhu cầu gì xuất hiện trong não, lập tức có ngay.

Anh thanh niên vô cùng thích thú và không ngờ lại có một địa ngục tuyệt vời như thế. Anh nghĩ chắc người ta xếp nhầm cho anh, chứ đây phải là cõi trời, là thiên đàng mới đúng. Anh nghĩ vậy và không dám hỏi, bởi sợ nếu bị phát hiện ra anh sẽ bị đưa đến loại địa ngục mà anh vẫn thường nghe kể khi còn sống: vạc dầu, lửa cháy, dao đâm, tùng xẻo, đói khát, lạnh cóng, lao động cực nhọc 24/24...

người này cho biết, địa ngục mà họ đang ở có tên là địa ngục LƯỜI. Người vừa nói tên địa ngục cho anh đang tìm cách tự sát vì chán đời quá. Anh càng không hiểu, tại sao ở địa ngục “Lười” sướng thế này mà anh ta còn muốn chết!

Nhưng sang đến tuần thứ ba anh ta bắt đầu chán. Chán vì anh ta không được làm bất cứ việc gì cả. Chân tay của anh thấy thừa. Thời gian bắt đầu thấy trôi quá chậm. Anh thấy lãng phí thời gian và nhớ lại những ngày anh lao động khi mình còn sống. Tuy vất vả nhưng mang lại bao điều kì thú, bao khám phá đặc biệt, bao trải nghiệm khó quên.

Sang đến tuần thứ tư thì anh thật sự thấy chán. Anh nhận ra cuộc sống ở nơi đây quá vô nghĩa – anh không làm gì có ích cho đời. Như vậy thì sống để làm gì! Mỗi ngày trôi đi chỉ là sự hưởng thụ. Mà kì lạ là anh muốn lau nhà, rửa bát, nhặt rau hay nấu ấm nước pha trà cũng không được. Chỉ cần tâm khởi mong muốn uống trà là có ấm trà sen, trà nhài ngay. Chỉ cần nghĩ đến món cháo nấm là có ngay tấp lự. Anh thấy vô lí và bất công. Anh thấy thời gian trôi đi chậm quá.

Anh bạn của chúng ta quyết định đến gặp người quản ngục và đề nghị được lao động. Nhưng người quản ngục nói rằng, đây là địa ngục “Lười”, dành cho những ai lười biếng, không muốn lao động và những ai ở đây không được quyền làm bất cứ việc gì.

Anh bạn van xin cho làm bất cứ điều gì chứ anh không thể chịu nổi nữa. Và rằng nếu sống không lao động thế này thà chết còn hơn. Anh cũng hỏi người quản ngục xem mình còn phải ở địa ngục “Lười” này bao lâu nữa. Người quản ngục giở sổ ra và cho biết anh phải chịu ở đây thêm 300 năm nữa. Anh bạn của chúng ta hoàn toàn thất vọng. Quá lâu.

Cuối cùng anh nghĩ ra ý định tự tử. Tuy nhiên, ở địa ngục này không ai được tự tử, mà nếu có ai tự sát thành công thì ngay sau đó 5 phút sẽ sống lại để tiếp tục sống trong địa ngục Lười. Thật thảm thương khi nhìn thấy anh bạn của chúng ta khóc lóc thảm thiết, van xin ngày đêm để mong được quay lại làm người, được lao động vất vả như xưa.

Bạn thấy đấy, chúng ta là người và có hạnh phúc vô biên khi được lao động, được cống hiến cho đời, được phục vụ người khác, phụng sự chúng sinh. Hạnh phúc này chỉ có ở loài người chúng ta. Bạn hãy tưởng tượng, nếu bạn bị đày xuống địa ngục “Lười” mà tôi vừa kể trên thì sẽ khổ như thế nào!

Viết đến đây, tôi nhớ đến hai cuốn sách hay nhất năm 2011 mà tôi đã đọc Phụng sự để dẫn đầuTrí óc, trái tim và khí phách. Hai cuốn sách được viết ra dành cho lãnh đạo các tập đoàn, các doanh nghiệp và các cơ quan, là kim chỉ nam cho tư duy lãnh đạo thế kỉ XXI. Nhưng hình như hai cuốn sách quý này không chỉ dành cho giới lãnh đạo mà là cho mỗi chúng sinh trên trái đất. Triết lí là ở chỗ, người lãnh đạo thực thụ, người muốn đưa cơ quan mình lên dẫn đầu phải là người phụng sự. Chính lao động không mệt mỏi, sự cống hiến bền bỉ, tinh thần chăm sóc người khác giúp chúng ta thực sự dẫn đầu. Dẫn đầu trong mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Và nếu biết phụng sự bằng tất cả trí óc, trái tim và khí phách, chúng ta nhất định không chỉ lãnh đạo được bản thân mình mà còn cả vũ trụ này.

Tôi như nghe thấy tiếng van xin của anh bạn đáng thương kia. Rằng thà anh ta bị giam cầm ở địa ngục với các loại hình tra tấn và bị đói, bị nóng, bị khát, bị lạnh còn hơn ở địa ngục “Lười”. Trong não tôi lúc này hiện ra câu nói: “Gian khổ là nấc thang thành công của người trí, cũng là vực thẳm của những kẻ hèn nhát và lười biếng”.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sống hạnh phúc thật giản đơn (Trang 120 - 123)