– Pháp luật là yếu tố thượng tầng xã hội, kinh tế thuộc về yếu tố của cơ sở hạ tầng.
– Pháp luật sinh ra trên cơ sở hạ tầng và bị quy định bởi cơ sở hạ tầng của pháp luật. Cơ sở hạ tầng là nguyên nhân trực tiếp quyết định sự ra đời của pháp luật. Trong mối quan hệ với kinh tế, pháp luật phụ thuộc vào kinh tế; mặt khác, pháp luật lại có sự tác động trở lại một cách mạnh mẽ với kinh tế.
– Quan hệ xã hội không chỉ là nguyên nhân trực tiếp quyết định sự ra đời của pháp luật mà còn quyết định toàn bộ nội dung, hình thức, cơ cấu và sự phát triển của nó.
Sự lệ thuộc của pháp luật vào kinh tế thể hiện ở những mặt chủ yếu sau: Cơ cấu nền kinh tế, hệ thống kinh tế quyết định thành phần cơ cấu của các ngành luật.
Tính chất nội dung của các quan hệ kinh tế, của cơ chế kinh tế quyết định tính chất, nội dung của các quan hệ pháp luật, tính chất phương pháp điều chỉnh của pháp luật.
Chế độ kinh tế, thành phần kinh tế tác động quyết định đến sự hình thành, tồn tại của các cơ quan, tổ chức và thể chế pháp lý phương thức hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và thủ tục pháp lý.
Sự tác động ngược trở lại của pháp luật đối với kinh tế:
Tác động tích cực: Nếu pháp luật ban hành phù hợp với các quy luật kinh tế – xã hội thì nó tác động tích cực đến sự phát triển đến các quá trình kinh tế cũng như cơ cấu của nền kinh tế.
Khi pháp luật thể hiện phù hợp với nền kinh tế,p háp luật thể hiện ý chí giai cấp thống trị là lực lượng tiến bộ trong xã hội, phản ánh đúng trình độ kinh tế dẫn tới nền kinh tế phát triển, pháp luật tạo hành lang tốt cho kinh tế phát triển.
Ví dụ: Khi pháp luật thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước tạo điều kiện giải phóng mọi năng lực sản xuất xã hội…
Tác động tiêu cực: Khi pháp luật không phù hợp với quy luật phát triển kinh tế – xã hội được ban hành do ý chí chủ quan của con người thì nó sẽ kìm hãm toàn bộ nền kinh tế hoặc một bộ phận nền kinh tế (cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bằng các mệnh lệnh, quy định hành chính đối với các hoạt động kinh tế, đã làm nền kinh tế trì trệ dẫn đến khủng hoảng).
Trong bước quá độ chuyển từ cơ chế kinh tế này sang cơ chế kinh tế khác, các quan hệ kinh tế cũ chưa hoàn toàn mất đi, quan hệ kinh tế mới đang hình thành và phát triển nhưng chưa ổn định thì pháp luật có thể tác động kích thích phát triển nền kinh tế ở những mặt, lĩnh vực này nhưng lại kìm hãm sự phát triển nền kinh tế ở những mặt, lĩnh vực khác.
Ví dụ: Pháp luật của xã hội phong kiến trong thời kỳ cuối lạc hậu không phù hợp với việc phát triển nền kinh tế công nghiệp ở nước ta hiện nay.