Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin đóng góp một số vấn đề cụ thể về Luật khám bệnh, chữa bệnh. Thứ nhất, về tên gọi của luật thì Luật khám bệnh, chữa bệnh hay Luật hành nghề y, theo tôi vấn đề này cử tri không quan tâm lắm và cử tri quan tâm là vấn đề khi luật này có hiệu lực thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng cho cả 2 đối tượng. Đối tượng thứ nhất là người dân thường xuyên đến khám và điều trị bệnh, mong đợi chất lượng khám bệnh và trị bệnh sẽ được nâng lên và cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho điều trị bệnh sẽ được tốt hơn.
Đối tượng thứ hai là đội ngũ y, bác sỹ là người điều trị bệnh luôn mong đợi có được một bộ luật quy định rõ ràng hơn về cơ chế, chính sách cụ thể hơn, thỏa đáng để họ an tâm làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, một đạo luật ra đời, tôi thấy cũng phải trên cơ sở nhu cầu bức xúc của xã hội, chính vì vậy, tôi cũng thống nhất tên gọi là Luật khám bệnh, chữa bệnh và cũng thống nhất với Báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội là phải bổ sung một số điều cần thiết phù hợp với Luật khám bệnh, chữa bệnh đặc biệt là cần nêu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của người khám bệnh, chữa bệnh, cũng như nghĩa vụ quyền lợi của người bệnh.
Thứ hai, tôi xin đóng góp một số điều cụ thể, ở Chương II quyền và nghĩa vụ của người bệnh, ở Điều 14 nói là nghĩa vụ của người bệnh. Ở Khoản 1 tôn trọng người hành nghề và nhân viên y tế khác. Ở Khoản 2 nói là không được có hành vi vi phạm đối với danh dự, nhân phẩm hành hung người hành nghề và nhân viên y tế. Tôi thấy ghi trong câu này như vậy là chưa đủ mà chỉ giải thích Khoản 1 mà thôi. Chính vì vậy tôi xin viết lại Khoản 2 này: mọi hành vi vi phạm đến danh dự, nhân phẩm thân thể của người khám bệnh, chữa bệnh và nhân viên y tế sẽ được xử lý theo pháp luật. Tôi đề nghị luật cũng cần có quy định rõ hơn về chế độ ưu đãi đối với những người khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt đối với những người ở khoa bảo hiểm y tế vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, những ngày nghỉ lễ tết ở những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục được tình trạng hiện nay bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến các cơ sở y tế để khám và điều trị vào những ngày nghỉ đó, kể cả bệnh nhân cấp cứu, bác sỹ chỉ kê thuốc cho bệnh nhân tự ra ngoài mua thuốc tự điều trị mà không thanh toán lại được tiền với lý do không có người trực để cấp thuốc bảo hiểm y tế vào trong những ngày nghỉ vì không có chế độ bồi dưỡng. Vấn đề này cử tri có bảo hiểm y tế trong cả nước rất bất bình, phàn nàn. Chúng ta thấy bệnh nhân có bảo hiểm y tế trong cả nước ngày càng đông, ở Điều 48 về nâng cao chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều này rất cần thiết đối với bệnh nhân, nhưng tôi nghiên cứu dự thảo luật chưa thấy những quy định nào nhằm nâng cao chất lượng đối với cơ sở khám bệnh và chữa bệnh.
Chính vì vậy tôi đề nghị Điều 48, 49 của dự thảo luật nên có quy định thêm cụ thể, rõ ràng hơn về nâng cao chất lượng, về tổ chức bộ máy, tay nghề y đức của người khám, chữa bệnh hay là trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hay phương tiện vận chuyển bệnh nhân hay thiết bị cấp cứu v.v...Ở Điều 74 xác định mức bồi thường thiệt hại do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra rủi ro trong khám bệnh, chữa bệnh, trong dự thảo luật ghi đó là bồi thường thiệt hại về sức khỏe tinh thần, tính mạng do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra rủi ro trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Vấn đề này tôi xin bỏ ba từ về dân sự, chỉ ghi là " thực hiện theo quy định của pháp luật "chính như thế là đủ, bởi lẽ mỗi sai sót về chuyên môn, kỹ thuật gây ra rủi ro không giống nhau, có những lỗi vi phạm được giải quyết theo pháp luật dân sự nhưng có những lỗi do thiếu trách nhiệm dẫn đến nguy hiểm tính mạng như chết người thì không thể giải quyết theo Luật dân sự.
Ý kiến cuối cùng tôi xin góp vào dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Điều 11 quy định mức mua bảo hiểm trách nhiệm đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tối thiểu là 5 triệu đồng/một người/năm. Điều 12 quy định kinh phí mua bảo hiểm do ngân sách Nhà nước cấp, vấn đề này tôi xin có hai ý kiến như sau:
Thứ nhất, luật đã quy định mua bảo hiểm trách nhiệm thì phải gắn với trách nhiệm cá nhân của mỗi người khám bệnh và chữa bệnh, dù ít hay nhiều đó là cũng phải đóng góp số tiền với tỷ lệ phần trăm nào đó và mua bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp. Còn tỷ lệ phần trăm cá nhân đóng góp bao nhiêu thì do Chính phủ quy định.
Thứ hai, nếu phí bảo hiểm trách nhiệm rủi ro 100% là của ngân sách Nhà nước chi thì tôi đề nghị đó là luật không nên quy định người khám bệnh, chữa bệnh phải mua bảo hiểm trách nhiệm rủi ro mà Nhà nước mỗi năm trích ngân sách thành lập quĩ rủi ro, bồi thường thiệt hại rủi ro cho ngành y tế. Nếu trong năm chi không hết thì cũng còn tiền này của Nhà nước, không phải tốn kém thủ tục rườm rà thông qua một doanh nghiệp bảo hiểm mà các lực lượng bảo hiểm, lực lượng khám bệnh, chữa bệnh của ngành y tế trong cả nước rất lớn và bảo hiểm mỗi một người 5 triệu. Cho nên một năm tôi thấy số tiền này nó không phải là nhỏ. Mặt khác trong nghị định tôi thấy còn một số điều cũng còn bất cập mâu thuẫn với dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh thì tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.