Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:
Trước hết, Luật khám bệnh, chữa bệnh mà chúng ta dự định đưa ra là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, qua suốt dự thảo luật tôi nghiên cứu thấy rằng có một điều như một số đại biểu đoàn khác phát biểu, đó là ta không nêu vấn đề y đức trong văn bản luật này. Nghiên cứu toàn bộ điều khoản đưa ra tôi phát hiện được có một chỗ ở Khoản 4, Điều 3 nói về nguyên tắc có đạo đức nghề nghiệp trong khám, chữa bệnh, như vậy tôi thấy vấn đề y đức là vấn đề cực kỳ quan trọng cần phải đưa ra một vài điều để nói lên trách nhiệm của người thực hiện công việc khám bệnh, chữa bệnh. Ở Việt Nam chúng ta có mấy danh y nổi tiếng là Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh, như vậy những vị tổ sư ngành y rất quan tâm về y đức và chính chúng ta cũng đã giáo dục cho cán bộ ngành y. Chúng tôi đề nghị thứ nhất là nên bổ sung thêm điều nói về y đức, trên cơ sở đó giáo dục cho người làm công việc này.
Chúng tôi xin tham gia vào phần bố cục của dự thảo luật, khi đọc xuyên suốt dự thảo chúng tôi thấy rằng cách bố trí này cũng chưa được hợp lý lắm. Chúng tôi đề nghị là Ban soạn thảo nên xem lại để mà cơ cấu bố cục. Chúng ta phải tách hẳn những điều nào đó mà nói về công việc khám bệnh thì công việc khám bệnh là mình phải khái quát định nghĩa rõ ràng. Khám bệnh thì có khám trực tiếp bằng
cách hỏi, vấn, xét nghiệm cận lâm sàng và dùng những kĩ thuật hiện đại v v...Ai sẽ là người khám bệnh? Chúng ta biết rằng phải là bác sĩ, phải là y sĩ và phải là lương y chứ không thể nào là kĩ thuật viên khám bệnh được, hay là điều dưỡng viên khám bệnh được, hay người y tá, cho nên chúng tôi đề nghị khâu khám bệnh, đoạn đó phải tách ra một mục và chúng ta phải soạn thẳng cái đó ra. Cần nói rõ quy trình và những giới hạn được phép khi mà thực hiện khâu khám bệnh để tránh trường hợp là có những cơ sở tư nhân hoặc thậm chí ở bệnh viện người ta lạm dụng việc xét nghiệm cận lâm sàng và người đi khám bệnh phải tốn nhiều tiền, nhưng khi xem lại thì có những cái xét nghiệm không cần thiết lắm. Cho nên chúng tôi đề nghị là định nghĩa lại khám bệnh và cấp cứu lại cho cụ thể.
Một mục thứ hai trong vấn đề chữa bệnh thì chúng tôi cũng đề nghị chữa bệnh là một cách thức có thể áp dụng phương tiện kĩ thuật, có thể là thuốc men, có thể là phương pháp khác, mà hiện nay có thể giúp khắc phục và chữa được bệnh. Và phương pháp hiện đại, phương pháp đông y, phương pháp khác thì đó là những phương pháp dùng để chữa bệnh. Chúng tôi đề nghị phải tách cho rõ ra.
Xin tham gia một số điều cụ thể thì ở Điều 9, chúng tôi thấy Điều 9 quy định người bệnh được quyền quyết định vấn đề khám, chữa bệnh liên quan đến bản thân mình, tất nhiên được quyền quyết định, trong thực tế ngành y có cho phép người ta quyết định hay không nghề khám, chữa bệnh này. Khi bệnh nhân nhập viện thì được bác sĩ chữa bệnh, tôi cũng chưa thấy hoặc là ít trường hợp nào mà bác sĩ nói là bệnh của anh tôi sẽ chữa theo phương pháp này, phương pháp kia rồi khám theo cách này, cách kia, anh quyết cái nào? Tôi hỏi bệnh nhân người ta có kiến thức nào để người ta quyết hay không, hay người ta quyết sai mình khám chữa không đúng, nếu ở đây có nói là ở Khoản 1, Điều 9 có nói là phải cung cấp thông tin cho người ta hiểu, việc này trong thực tế tôi hỏi trong ngành y có làm việc này hay không, tôi đề nghị phải thực tế hơn, chứ còn quy định này sau này không khả thi thì nó cũng không hay. Trong Điều 11 người bệnh nhân, trong trường hợp lại được quyền từ chối khi người ta chuyển đưa mình lên tuyến bệnh viện khác, từ chối thì bắt buộc người ta làm cam kết. Việc này rõ ràng mình đưa vấn đề đó ra thì mình bắt người bệnh chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình, việc này khi người ta từ chối thì mình lại nói từ chối thì anh phải làm cam kết. Cho nên chúng tôi nghĩ quyền hạn và các anh đổ trách nhiệm cho bệnh nhân, cần phải xem lại.
Vấn đề thứ ba, Điều 20 nói về người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài bây giờ trở về với tư cách cá nhân, không theo đoàn để khám bệnh hoạt động ngành này. Tôi thấy quy định ở Điều 20 có một số chỗ chúng ta sợ là lỏng lẻo bởi vì người ta có thể xuất trình giấy hành nghề và người ta cũng có làm đơn cam kết để về đây hành nghề người ta chịu trách nhiệm, nhưng trường hợp này tôi nghĩ cần phải xem xét lại quy trình sát hạch để xác định khả năng người đó có thể hành nghề ở Việt Nam hay không? Như vậy cũng phải thực hiện cho bình đẳng với những người thầy, người y bác sỹ ở Việt Nam. Khi nghiên cứu Điều 20 tôi thấy y bác sỹ của nước ngoài về Việt Nam dễ hơn, cho nên chúng tôi đề nghị xem lại.
Xin tham gia vấn đề thứ tư ở Điều 31 và Điều 50 khi xem hai điều này chúng tôi thấy cần phải chỉnh lại một để cho chặt chẽ, tôi đề nghị đọc lại như sau, cái tương tự ở Điều 31 và Điều 50 giống nhau: Tức là "được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình điều trị hoặc cấp cứu mà tiên lượng vượt quá khả năng, trái với phạm vi chuyên môn ngành nghề của mình, nhưng phải báo cáo người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến khám, chữa bệnh ở cơ sở khác, trong khi trường hợp này thì người bệnh phải thực hiện theo dõi chăm sóc điều trị". Tôi đề nghị sửa lại chữ "trong trường hợp này" thì sửa lại chữ "trong trường hợp cấp cứu" thì người hành nghề hay cơ sở mà khám, chữa bệnh là phải thực hiện theo dõi, chăm sóc điều trị người bệnh, chứ trong trường hợp này nói rõ là gì, tôi đề nghị cái đó là phải sửa lại. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.