Kính thưa Quốc hội.
Tôi xin tham gia một số ý kiến về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh như sau: Thứ nhất, về tên luật và phạm vi điều chỉnh tôi nhất trí như dự thảo là Luật khám bệnh, chữa bệnh và đồng ý về phạm vi điều chỉnh như Tờ trình của Chính phủ là không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, người
tàn tật, vì các đối tượng này đã được quy định tại các văn bản qui phạm pháp luật khác.
Thứ hai, về chính sách của Nhà nước trong khám, chữa bệnh, khi tiếp xúc với cử tri nhất là cử tri ngành y tế công tác tại tuyến cơ sở vùng sâu, vùng xa chúng tôi thường nghe họ phàn nàn về chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế hiện nay bất cập không phù hợp, không bù đắp được công sức lao động bỏ ra và không thể tái tạo sức lao động trong khi nhiệm vụ của họ khá nặng nề, nhất là những khi phải trực đêm với những ca bệnh nặng. Do đó chúng tôi đề nghị ngoài quy định về việc tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân cả nước nói chung, Nhà nước cần phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên cho những nơi có vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Thực hiện giao nhiệm vụ luân phiên 3 năm hay 5 năm và có chính sách thoả đáng cho người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi có điều kiện kinh tế - xã hội ít khó khăn đến nơi có điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn hơn là cần thiết, để giúp cho cán bộ y tế các địa phương, các cơ sở học tập và trao đổi kinh nghiệp chuyên môn lẫn nhau, để thực hiện tốt hơn công tác khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời hạn chế gây áp lực lớn cho khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên.
Chúng tôi đề nghị Nhà nước phải có chế độ phụ cấp thu hút, phụ cấp các ưu đãi cho cán bộ y tế để tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, phục vụ lâu dài trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, giảm tình trạng chân trong, chân ngoài, hạn chế cán bộ y tế cơ sở công sang làm ở cơ sở tư. Để chính sách của Nhà nước về khám bệnh và chữa bệnh được thực hiện thuận lợi, dễ đi vào cuộc sống, chúng tôi đề nghị các chính sách phải được Chính phủ quy định hết sức cụ thể, tránh chung chung khó thực hiện, tránh thực hiện không đúng và không đầy đủ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và người hành nghề.
Thứ ba, về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam, ngoài quy định các tiêu chuẩn về văn bằng chuyên môn, thời gian thực hành và năng lực chuyên môn, có đủ sức khoẻ hành nghề, đề nghị bổ sung thêm các tiêu chuẩn "có đạo đức nghề nghiệp" vì đây là tiêu chuẩn vô cùng quan trọng với người hành nghề mà các đại biểu đã phân tích ở trên.
Về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế chúng tôi cũng nhất trí quy định trong dự thảo là phải cấp chứng chỉ hành nghề cho tất cả cán bộ y tế công và tư, bởi chứng chỉ hành nghề công nhận người hành nghề y đã có đủ các điều kiện về chuyên môn, về giữ gìn y đức nghề nghiệp, đồng thời còn thể hiện sự bình đẳng giữa người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân là như nhau, không phân biệt. Hơn nữa khi chúng ta đã tham gia Tổ chức thương mại thế giới và ký kết hiệp định khung với các nước trong khu vực, các nước đã thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề khám bệnh. Ở Việt Nam, nếu có điều kiện thuận lợi chúng ta cũng có cán bộ y tế của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, học hỏi thêm những kinh nghiệm thì cớ gì chúng ta không cấp chứng chỉ cho họ, như vậy sẽ có ích cho cả trước mắt và lâu dài. Đành rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề
cho khoảng trên 250 nghìn cán bộ y tế trong điều kiện hiện nay sẽ rất khó khăn trong quá trình tổ chức và thực hiện. Việc thi và lộ trình cấp chứng chỉ mỗi năm là bao nhiêu là phù hợp do ngành y tế tham mưu, tuy nhiên cũng cần xem xét kỹ lưỡng tránh tiêu cực và lợi dụng.
Thứ tư, về việc cấp và đổi giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh, chúng tôi cũng đồng ý là cấp cho các cơ sở cả công và tư, và nên lấy tên là giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở khám, chữa bệnh thì phù hợp hơn. Tuy nhiên đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước quy định 5 năm một lần xin cấp phép lại có phù hợp hay không. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm. Nhiều ý kiến của các đại biểu trước tôi đã phân tích vấn đề này.
Năm, về công chức, viên chức y tế hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân. Tôi nhất trí với dự thảo luật quy định là chỉ cấm công chức, viên chức tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành bệnh viện tư nhân như giải trình của Chính phủ. Như vậy cho phép họ làm thêm ngoài giờ để tận dụng chất xám, kinh nghiệm, đồng thời họ phát huy được năng lực chuyên môn của mình để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tốt hơn vì nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đồng thời giúp cho cán bộ y tế có điều kiện tăng thu nhập cho gia đình, họ yên tâm công tác, hạn chế việc chuyển dịch cán bộ từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân.
Chúng tôi xin nói thêm là không phải tất cả cán bộ y tế đều có thể thực hiện hợp đồng làm việc ở các cơ sở tư nhân mà chỉ là những cán bộ có tay nghề cao, có kinh nghiệm, những bác sĩ có thương hiệu thì mới có thể thực hiện được hợp đồng với các cơ sở tư nhân. Chúng tôi nghĩ rằng như vậy đôi bên cùng có lợi, thầy thuốc có tăng thêm thu nhập, đồng thời nhân dân, xã hội được chăm sóc tốt hơn. Như vậy tôi nghĩ nên tạo điều kiện cho họ làm thêm ngoài giờ.
Như ý kiến các đại biểu nêu cần có quy định quản lý thế nào cho tốt để tất cả cán bộ y tế của chúng ta vừa đảm bảo giờ giấc, nâng cao được trách nhiệm y đức trong hành nghề của mình.
Ngoài các nội dung trên chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có thể bổ sung thêm một số điều hoặc thiết kế thêm chương, mục, quy định thêm về công tác thông tin tuyên truyền, vận động giải thích Luật khám bệnh, chữa bệnh, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên để nâng cao nhận thức về ý thức tự chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe của mình. Thường xuyên đi kiểm tra khám, chữa bệnh theo định kỳ và nhận biết sớm dấu hiệu không bình thường về sức khỏe để có biện pháp chữa trị kịp thời. Ngoài ra dự luật cần làm rõ việc phân cấp quản lý Nhà nước giữa cơ quan Trung ương quản lý đối với ngành và chính quyền các cấp ở địa phương. Trong dự thảo luật cần quy định thêm các nguyên tắc chung về khen thưởng và xử lý vi phạm. Là cá nhân cơ sở khám, chữa bệnh có thành tích trong khám, chữa bệnh thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước, còn cá nhân, cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm phát luật về công tác khám, chữa bệnh thì bị
xử lý vi phạm theo pháp luật. Trên đây là một số ý kiến chúng tôi xin được tham gia vào dự án luật. Xin cảm ơn Quốc hội.