Nguyễn Văn Phúc Hà Tĩnh

Một phần của tài liệu BienBan17-11s (Trang 26 - 27)

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi xin được đánh giá cao và cơ bản tán thành Báo cáo dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội. Nếu các dự thảo nghị quyết, dự án luật sau khi được thảo luận ở tổ và được dự kiến tiếp thu, chỉnh lý như dự thảo nghị quyết này thì tôi nghĩ chất lượng, hiệu quả làm việc của Quốc hội được nâng lên một bước rõ rệt. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn cần phải tiếp tục hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội thông qua vì tầm quan trọng của hoạt động lập pháp và của chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Như quý vị đại biểu Quốc hội đã biết thì hoạt động lập pháp chiếm phần lớn chương trình nghị sự của Quốc hội chúng ta.

Tôi đề nghị trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ là xác định được mục tiêu trọng tâm ưu tiên đó là hoạt động lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII phải gắn với thực hiện cương lĩnh bổ sung phát triển, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, trong đó có đề cập tới tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng thì đây là những mục tiêu trọng tâm ưu tiên sẽ làm cơ sở cho Quốc hội xây dựng luật và pháp lệnh hàng năm. Bởi vì theo quan niệm của tôi thì để hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần phải có một bản Hiến pháp hiện đại và một hệ thống pháp luật hiện đại. Chúng tôi cũng đề nghị trong chương trình cần phải xác định tính chất định hướng hoặc tính chất khung của kế hoạch xây dựng pháp luật 5 năm và tính chất bắt buộc của kế hoạch hàng năm. Như vậy, chúng ta thông qua chương trình 5 năm, nhưng đối với hàng năm chúng ta có điều chỉnh hợp lý. Kể cả bổ sung những dự án luật mới ngoài chương trình 5 năm nếu như theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng chương trình hàng năm Quốc hội thông qua phải chặt chẽ hơn, mang tính bắt buộc cao hơn. Tôi đề nghị chia chương trình xây dựng pháp luật 5 năm làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2013, tức là cho đến khi chúng ta thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi). Giai đoạn 2 từ sau khi thông qua Hiến pháp (sửa đổi) cho đến hết nhiệm kỳ. Thông thường xây dựng pháp luật chúng ta phải căn cứ vào cả nội dung của Hiến pháp.

Trong dự kiến chương trình 5 năm Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tính đến mối quan hệ giữa lượng và chất. Tôi thấy trong chương trình chính thức đã bớt đi 15 dự án luật, về cơ bản tôi cũng tán thành tuy nhiên chỗ này chúng ta cũng phải phân tích, nếu theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hay về cơ bản trong xây dựng hệ thống pháp luật trong 5 năm tới tôi thấy chương trình như vậy còn ít. So sánh với các nước khác, có những nước mỗi năm họ thông qua hàng

trăm đạo luật đương nhiên mỗi luật của họ cũng có quy mô khác nhau. Nếu chúng ta cải cách đổi mới được quy trình làm luật thì số lượng như vậy vẫn còn ít, nếu cách làm như hiện nay thì số lượng ấy lại là nhiều mà số lượng nhiều thì chất lượng sẽ không cao. Chúng tôi đề nghị nếu cách làm vẫn khó khăn trong cải tiến đổi mới thì chúng ta phải tập trung nhiều về chất lượng hơn là nâng số lượng các dự án luật trong điều kiện hiện nay. Do đó tôi đề nghị trong dự thảo nghị quyết này cần phải bổ sung một số qui định có thể để cải tiến một bước về quy trình cách thức làm luật để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lập pháp. Trong nghị quyết cũng nên bổ sung giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp với Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu để đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp. Với đặc thù 70% đại biểu Quốc hội chúng ta là kiêm nhiệm và mỗi năm chúng ta họp hai kỳ họp, mỗi kỳ khoảng một tháng, đấy là một đặc thù trong hoạt động lập pháp của chúng ta.

Trong dự thảo nghị quyết, chúng tôi tán thành với các ý kiến đã phát biểu là chúng ta cũng phải coi trọng sáng kiến của các cá nhân đại biểu Quốc hội. Ví dụ như trường hợp đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng ở Nghệ An, tuy lần này dự án luật về nhà văn cũng được đưa vào tôi cũng tán thành. Tuy nhiên, phải coi đây là một trường hợp và đáng ghi nhận trong hoạt động trình kiến nghị về dự án luật của chúng ta. Vì lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy một đại biểu Quốc hội có sáng kiến về dự án luật như vậy.

Do đó Ủy ban thường vụ Quốc hội nên chỉ đạo Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội hỗ trợ các đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, tham gia ý kiến hoặc trình kiến nghị về các dự án luật, pháp lệnh, thậm chí tiến tới đại biểu có thể trình các dự án luật.

Về các nội dung cụ thể chúng tôi đã phát biểu tại tổ, chúng tôi chỉ đề nghị rà soát lại việc sắp xếp các dự án luật theo các lĩnh vực cho nó phù hợp. Đặc biệt đối với tái cơ cấu nền kinh tế, chúng tôi đề nghị trình một dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như kiến vị của anh Vân - đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã đề nghị. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan17-11s (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w