Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin phát biểu 2 nội dung.
Thứ nhất, đất nước chúng ta đã và đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế. Chúng ta đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế cũng như khu vực, cộng với quá trình đổi mới của đất nước, do đó việc ban hành luật, sửa đổi, bổ sung luật là việc cần thiết. Nhưng ở đây chúng tôi thấy 2 vấn đề bất cập.
Một, luật của chúng ta sản xuất quá tải. Bây giờ trên cơ sở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đề xuất, trên cơ sở của các Bộ, ngành đề xuất, tôi thấy thậm chí một cá nhân đề xuất cũng đưa thành dự thảo luật, chương trình luật quá tải, mà luật phải có thời gian nghiên cứu sâu.
Hai, vừa qua chúng ta thấy, trong kỳ họp thứ 2, một số dự thảo luật đưa ra thảo luận rất lỏng lẻo. Cho nên tôi đề nghị nên chắt lọc những gì thật bức xúc đối với đời sống xã hội thì ưu tiên đưa vào luật, còn những cái gì còn lại chỉ nên là nghị định, hoặc pháp lệnh, chúng ta đừng luật hóa nhiều quá thì lạm phát luật.
Nghiên cứu chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tôi thấy một số luật không nên đưa vào, như Luật hòa giải cơ sở. Bây giờ dưới cơ sở có nhiều mô hình quần chúng, có tổ hòa giải ở cơ sở, cho nên thông qua tình làng nghĩa xóm, những xích mích trong gia đình, trong hộ này, hộ kia thì tổ hòa giải ở cơ sở và một số mô hình quần chúng ở cơ sở người ta đã giải quyết rất tốt. Có những trường hợp đáng lý đưa ra tòa hình sự, tòa dân sự, nhưng trên cơ sở những tổ hòa giải người ta làm rất tốt. Không nhất thiết phải làm Luật hòa giải ở cơ sở. Nên chăng chỉ cần hướng dẫn một văn bản nào của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay nghị định của Chính phủ. Quá trình tổ chức thực hiện một thời gian dài chúng ta tổng kết có nên tiếp tục thực hiện nghị định hay nâng lên thành pháp lệnh hoặc luật thì chúng ta tính.
Thứ hai, Luật Chủ tịch nước. Một vị Chủ tịch nước mà chi phối bởi một đạo luật, nên chăng chỉ cần quy chế gì đó thôi, ra Luật Chủ tịch nước, nay mai phải ra Luật Chủ tịch Quốc hội, sau đó ra Luật Thủ tướng Chính phủ, tôi không tán thành Luật Chủ tịch nước, một vị Chủ tịch nước mà chi phối bởi một đạo luật thì riêng ý kiến cá nhân, tôi đề xuất như vậy.
Luật tiền lương tối thiểu thì do quá trình biến đổi thị trường, giá cả Chính phủ quy định chứ không nên ra luật tiền lương tối thiểu. Có nên nhanh ra Luật tiền lương tối đa hoặc ra luật tiền lương trung bình, cái này tôi thấy chưa cần thiết hình thành luật. Có một số luật không trùng, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo, chúng ta đã có 3 luật là Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước và Luật biển, coi chừng không khéo nó trùng. Còn Luật biểu tình tôi thống nhất cao với ý kiến của đại biểu Phước ở thành phố Hồ Chí Minh, Hiến pháp chúng ta có, nhưng có
nên ra Luật biểu tình trong thời điểm này không? Viện dẫn của đại biểu Phước, tôi rất tán thành hoặc ở ta bây giờ xung quanh đường lưỡi bò thì một bộ phận quần chúng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xuống đường phản đối đường lưỡi bò. Đây là động cơ tốt, nhưng đằng sau nó là cái gì? Nếu chúng ta không vận động, không giải thích mà cứ để tụ tập đông thế này, đằng sau nó là cái gì, sâu xa là cái gì mà địch đã thò tay vô rồi, phải hiểu một cách sâu như vậy. Tôi thống nhất chưa nên ra Luật biểu tình trong thời điểm hiện nay.
Thứ hai, quá trình đưa luật vào cuộc sống thì rất chậm chạp, luật đã có hiệu lực rồi thì nghị định phải đi đôi, đi liền, nghị định có rồi, thông tư liên tịch đi song song, giờ luật ra rồi, có hiệu lực rồi, chờ nghị định, nghị định ra rồi chờ thông tư, là quãng thời gian rất dài luật mới đi vào cuộc sống. Đại hội Đảng của ta vào tháng 1, Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi rồi, tuổi Đảng tính từ ngày có quyết định kết nạp, đến nay nhiều Đảng viên lên hỏi: "Em năm nay 30 năm tuổi Đảng rồi mà sao chưa thấy có huy hiệu" Tôi chỉ biết giải thích: "Vui lòng chờ đợi, chờ chừng nào có hướng dẫn Ban tổ chức". Cuối cùng, tôi đề nghị nên ra luật, thực hiện luật. Tôi xin hết.