Nguyễn Hữu Quang Thanh Hoá

Một phần của tài liệu BienBan17-11s (Trang 41 - 42)

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Tôi xin đi thẳng vào một vấn đề tôi quan tâm, đấy là sự cần thiết phải ban hành Luật quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Nói nôm na bản chất chính là quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Trong chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ khóa XII đưa luật này rút xuống thành nội dung xây dựng nghị định. Tôi cho rằng cần nâng nội dung này lên thành luật bởi một số lý do sau đây.

Thứ nhất, về tầm quan trọng và quy mô của doanh nghiệp nhà nước. Theo báo cáo mới nhất, hiện nay tài sản nhà nước, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khoảng 683 nghìn tỷ trên tổng tài sản là 1.883 nghìn tỷ, tức là chiếm gần 1 nửa năng lực sản xuất của xã hội. Với một lượng tài sản lớn như vậy mà chúng ta có một văn bản mang tầm cao nhất để quản lý thì tôi cho rằng nó chưa hợp lý. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân mà trong thời gian vừa qua hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thấp. Theo báo cáo thấp hơn, tức là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng như tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thấp hơn các khối khác.

Vấn đề thứ hai, vấn đề thời sự. Hiện nay chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế trong đó 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp và trọng tâm của doanh nghiệp nhà nước. Nếu chúng ta có luật này thì nó sẽ phục vụ cho mục đích tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Bởi vì không thể bằng một Nghị quyết và bằng sự kêu gọi từ Quốc hội, từ Nghị quyết của Đảng đến Chính phủ, tập đoàn tổng công ty và các doanh nghiệp trong tập đoàn, tổng công ty tự tái cơ cấu mà nó có thể thay đổi được hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tham gia vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước. Theo cơ cấu, cơ chế quản lý tài chính hiện nay lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước được để lại để tái đầu tư phát triển.

Về khấu hao cơ bản để lại đối với những doanh nghiệp trước đây nhà nước đầu tư vốn cũng được để lại cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư phát triển. Có thể trong thời gian vừa qua mô hình này, cơ chế này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước phát triển, tuy nhiên hiện nay sự phát triển các doanh nghiệp nhà nước có thể không phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế chúng ta, có những loại hình doanh nghiệp, có những lĩnh vực nhà nước không cần đầu tư, có những lĩnh vực nhà nước phải tập trung đầu tư thì chúng ta không làm được. Những lĩnh vực nhà nước không cần đầu tư, các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư được và đầu tư hiệu quả hơn thì chúng ta không tạo điều kiện cho họ đầu tư.

Tôi cho rằng đây là một sự lãng phí và nếu chúng ta quản lý tốt hơn thì chúng ta có thể rút vốn, thoái vốn ở những lĩnh vực này để chúng ta tập trung cho nhiệm vụ quan trọng hơn và dành huy động nguồn lực xã hội để vào đầu tư ở những lĩnh vực họ có thể làm được. Tôi cho rằng theo báo cáo mới nhất, 6 tháng

đầu năm khối doanh nghiệp nhà nước lợi nhuận 76.000 tỷ đồng, năm nay cỡ khoảng 150.000 tỷ đồng. Theo cơ chế quản lý hiện nay là ít nhất 70% lợi nhuận đó được sử dụng để tái đầu tư, tức là 1 năm trên 100.000 tỷ đồng và gần tương đương toàn bộ ngân sách của nhà nước cho đầu tư công mà chúng ta không quản, tôi cho rằng đây cũng là một vấn đề sơ hở. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị để phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, chúng ta phải quản lý đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Thông qua việc quản lý đầu tư đó chúng ta giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp nhà nước.

Tôi có thể so sánh với các loại hình khác thì Đại hội đồng cổ đông giao cổ tức cho Ban điều hành trong 1 năm phải làm ra và phải trả cho các cổ đông cổ tức bao nhiêu. Ở đây nhà nước ta giao quyền cho các doanh nghiệp nhà nước nhưng nhà nước không thu về một đồng nào cả và cũng không giao là phải làm ra lợi nhuận bao nhiêu. Chính vì lập luận như vậy tôi đề nghị nên nâng Nghị định về quản lý đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước. Nếu chúng ta không làm việc này thì chúng tôi cho rằng chúng ta phải mất một nhiệm kỳ 5 năm nữa, chúng ta sẽ mất cơ hội để thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế. Xin cám ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan17-11s (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w