Kính thưa Chủ tọa phiên họp, Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin có thêm 2 ý kiến về dự luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như sau: Khoản 3 Điều 69: "Để tận dụng được những thành tựu mới nhất trong việc xây dựng chính quyền hiện đại, quản trị thông minh tương tự như việc xây dựng các thành phố thông minh trên thế giới trong bối cảnh cách mang công nghiệp 4.0 đồng thời thực hiện được các yêu cầu rất cao về bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền đặc khu mà dự thảo luật đã ghi nhận. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu cần thiết về chính sách pháp luật, thủ tục hành chính về dân cư và các cơ sở dữ liệu có liên quan là rất cần thiết. Trong số các cơ sở dữ liệu cần được xây dựng và rất cần cho các nhà đầu tư, người dân ở các đặc khu, phải kể tới cơ sở dữ liệu của đặc khu về pháp luật, cơ sở dữ liệu của đặc khu về thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu của đặc khu về dân cư, nhà đầu tư.
Hiện nay, thẩm quyền được xây dựng, quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu về pháp luật thuộc về Bộ Tư pháp, theo khoản 1b Điều 22 Nghị định số 52 ngày 28/5/2015 của Chính phủ, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật xây dựng, quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu, thủ tục hành chính thuộc về văn phòng Chính phủ theo khoản 1b Điều 7 Nghị định số 92 ngày 07/8/2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về dân cư thuộc về Bộ Công an theo Nghị định số 90 ngày 18/8/2010 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chính quyền đặc khu chưa được trao thẩm quyền về các nội dung này, do đó tôi đề nghị Quốc hội nên bổ sung vào khoản 3 Điều 69 quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu, xây dựng, quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu của đặc khu về pháp luật, cơ sở dữ liệu của đặc khu về thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu của đặc khu về dân cư và nhà đầu tư, bảo đảm về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cơ sở dữ liệu của đặc khu về pháp luật, cơ sở dữ liệu của đặc khu về thủ tục hành
chính và cơ sở dữ liệu của đặc khu về dân cư và nhà đầu tư vận hành liên tục và ổn định. Việc bổ sung thẩm quyền này sẽ góp phần giúp cho chính quyền đặc khu thực hiện được trách nhiệm công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu, đồng thời giúp cho chính quyền đặc khu có cơ sở pháp lý ứng dụng những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào tổ chức và hoạt động của chính quyền. Thứ hai về khoản 7 Điều 69, "nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường". Với thẩm quyền được trao trong việc quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như quy định tại khoản 7a Điều 69 dự thảo luật, hoạt động, giao dịch đất đai ở đặc khu trong thời gian tới sẽ càng sôi động. Để đảm bảo sự an toàn, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiến hành các giao dịch về đất đai và bất động sản, đồng thời bảo đảm được quản lý nhà nước, việc thiết lập hệ thống đăng ký đất đai, bất động sản và các biến động liên quan đến đất đai, các bất động sản khác diễn ra trong địa bàn đặc biệt là rất cần thiết.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 01 ngày 06 tháng 1 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai khoản 4 Điều 2 thẩm quyền tiến hành các hoạt động đăng ký này thuộc về cấp tỉnh. Điều này rất không thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn đặc khu. Chính vì thế, tôi đề nghị bổ sung vào khoản 7 Điều 69 của dự thảo luật quy định cho phép: Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu được thành lập và duy trì hoạt động văn phòng đăng ký bất động sản để đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất. Xin hết.