Kính thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Tôi đồng tình với quyết định sẽ thông qua dự án luật tại kỳ họp này, để hoàn thiện tôi xin đóng góp một số nội dung sau:
Thứ nhất, về các ngành nghề ưu tiên đầu tư phát triển tại đảo Phú Quốc, Phục lục 3 kèm theo dự thảo luật này nêu 3 nhóm ngành nghề ưu tiên. Tôi đồng tình với chính sách ưu tiên với những ngành nghề đó, tuy nhiên với Phú Quốc ngoài 3 ngành nghề trên nơi đây còn được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với gần 3.000 ha, đây là khu vực đất đa phần là sở hữu của người dân. Thiết nghĩ phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt tạo điểm nhấn phát triển kinh tế vùng nhưng phải đảm bảo quyền lợi đời sống người dân trên đảo. Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc tại Kiên Giang. Nếu ngành nghề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đưa vào ngành nghề ưu tiên người dân sẽ mạnh dạn đầu tư và trực tiếp hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi này. Vì chính sách này không phải nhằm thu hút nhà đầu tư mà tạo điều kiện để dân đảo trực tiếp tiếp cận chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tôi
đề nghị bổ sung Phụ lục 3 có ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.
Phú Quốc được Bộ Chính trị chọn làm điểm tổ chức mô hình đặc khu với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và làm việc. Như vậy, về lâu dài nơi này là nơi giao lưu trao đổi tài chính với quy mô lớn, đây là cơ hội lớn để đầu tư phát triển dịch vụ này. Ý tưởng này được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đề xuất ngay từ đầu khi xây dựng dự án nhưng chưa được chấp nhận. Mới đây Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đến làm việc tại Kiên Giang và nhắc đến ý tưởng này. Nếu Quốc hội có quyết định đưa nội dung này vào luật tạo điều kiện cho Phú Quốc cơ hội xây dựng trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng tầm quốc tế đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư và là cơ hội để phát triển kinh tế đất nước. Tôi đề nghị thêm 1 ngành ưu tiên vào Phụ lục 3 đó là dịch vụ tài chính ngân hàng. Tôi thống nhất với ý kiến đại biểu Hoa đoàn Nam Định nêu là cần có khoảng mở để nói về ngành nghề ưu tiên tại 3 đặc khu này để quá trình thực hiện thuận lợi hơn.
Thứ hai, về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tại Điều 45. Theo dự thảo luật quy định việc này cụ thể rõ ràng trên tinh thần tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tạo động lực cho nhà đầu tư trong khai thác, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, nhưng đảm bảo nguồn thu ngân sách cho các đặc khu. Tuy nhiên, đối với Phú Quốc hiện nay đang thực hiện chính sách ưu đãi theo Nghị định 35 ưu đãi cho khu kinh tế đối với một số dự án và ngành nghề ưu tiên như dự thảo luật quy định. Nếu thực hiện theo quy định của dự thảo luật này thì các dự án nêu trên sẽ áp dụng như thế nào, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định điều khoản chuyển tiếp về chính sách miễn thuê đất trên mặt nước đối với các dự án tại Phú Quốc đang thực hiện theo Nghị định 35 mà không phải là ngành nghề ưu tiên như trong dự thảo.
Thứ ba, về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân đặc khu, Ủy ban nhân dân đặc khu. Dự thảo luật có nêu: Cơ cấu, tổ chức của Ủy ban nhân dân đặc khu gồm Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch. Vấn đề này tôi đã phát biểu tại kỳ họp thứ 4, tôi không đồng tình với quy định cứng về số lượng cấp phó của Ủy ban nhân dân đặc khu, vì quy định như dự thảo tôi cho rằng không có cơ chế tự chủ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu, cũng chưa tạo ra chính sách vượt trội, linh hoạt cho người đứng đầu. Trong khi nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân đặc khu đang thay đổi mới mẻ, nặng nề, bước đầu cần phải có bộ máy mạnh mẽ để hoàn thiện nhiệm vụ. Tôi thiết nghĩ, dù có tăng hay giảm cấp phó so với quy định của dự thảo thì cũng không có tác động tiêu cực gì ảnh hưởng đến chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước, mà đây tạo ra một cơ chế linh động cho người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Cách làm này cũng là cách làm thận trọng từng bước trong thử nghiệm tinh gọn bộ máy mà nghị quyết của Đảng đã nêu.
Trong giai đoạn đầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu có thể quyết định cấp phó nhiều hơn theo quy định của dự thảo, đến một giai đoạn ổn định thì sẽ thu hẹp số lượng lại. Tôi thiết nghĩ số lượng cấp phó của các Ủy ban nhân dân đặc khu không nhất thiết phải giống nhau, đó mới là sự quyết định linh hoạt của nhà tổ chức. Tôi đề nghị dự thảo luật không nên quy định cứng về số lượng cấp phó mà nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định trên tổng số biên chế của mình.
Thứ tư, về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu tại Điều 68 và 69. Tại hai điều này đã quy định chi tiết, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu và các nhiệm vụ này quy định thực hiện hết sức công khai, minh bạch, tránh lạm quyền của người đứng đầu, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức và nhân dân giám sát.
Tuy nhiên, tại khoản 13 của hai điều này quy định trước khi quyết định một số nhiệm vụ quan trọng thuộc thẩm quyền thì Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải lấy ý kiến các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà đầu tư chiến lược. Quy định như thế tôi cho rằng chưa khoa học, chưa vượt trội, chưa có cơ chế chủ động cho người đứng đầu. Tôi có cảm giác chưa tin tưởng vào hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta, về cơ chế giám sát, cơ chế kiểm soát, thanh tra của nhà nước ta đối với vị đứng đầu Ủy ban nhân dân đặc khu. Liệu người đứng đầu đặc khu đi hết một vòng để xin ý kiến các thành viên nêu trên thì có còn thời gian đủ cơ hội để thực hiện vấn đề đó hay không. Nếu xin ý kiến vấn đề mà còn có nhiều ý kiến khác nhau thì sẽ quyết định như thế nào, tôi đề nghị luật cần phải cởi trói, phải tháo gỡ những khó khăn cho nơi này và để người đứng đầu các đặc khu thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đúng như chủ trương đột phá của Đảng về xây dựng đặc khu. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.