2.1. KHÁI QUÁT VỀ NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Việt Nam
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện cơ chế quản lý kinh tế và cơ chế quản lý tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, đồng thời nhằm góp phần thực hiện chủ trương phát huy nội lực, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV và Nghị quyết Trung ương VI lần thứ nhất khóa VIII, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/1999/NĐ-CP và Nghị định số 106/2004/NĐ-CP về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Theo đó, vốn cho đầu tư phát triển của Nhà nước được tập trung vào một đầu mối, giảm bao cấp, tăng cường hiệu quả đầu tư của vốn, nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư và tổ chức cho vay, tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Kết quả của quá trình thực thi chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ những năm 1990 mà kết quả nổi bật thể hiện từ những năm 2000 đến nay đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, phản ánh tính tất yếu của quá trình phát triển kinh tế xã hội khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Trên cơ sở đó, Quỹ hỗ trợ phát triển đã được thành lập theo Nghị định số 50/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 để huy động vốn trung và dài hạn, tiếp nhận và quản lý các nguồn vốn của Nhà nước dành cho tín dụng đầu tư phát triển để thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước. Việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển là một bước đi quan trọng trong việc đổi mới quản lý tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một mặt đã khắc phục được những khó khăn cơ bản về vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt trong điều kiện khả năng tích lũy của Ngân
44
sách nhà nước cho đầu tư phát triển có hạn; mặt khác, cùng với các chính sách thu hút đầu tư, đã trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong việc khai thác nguồn vốn trong xã hội để hỗ trợ phát triển các ngành, các vùng, các sản phẩm trọng điểm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và khai thác những tiềm năng lớn của đất nước cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trải qua hơn 5 năm hoạt động theo mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển, chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của những ngành kinh tế trọng điểm, những sản phẩm trọng điểm, những vùng miền, địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng nỗ lực để vượt qua thách thức trong thời kỳ đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển thì hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển đã bộc lộ nhiều hạn chế như: năng lực tổ chức điều hành; năng lực thẩm định, dự báo, đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế; hệ thống cơ chế chính sách về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, các cơ chế quản lý và điều hành của Nhà nước và của bản thân Quỹ hỗ trợ phát triển đã bộc lộ những tồn tại, vướng mắc làm cho vốn tài trợ của Quỹ có nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, với bối cảnh nước ta năm 2006 đang đàm phán gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, phải giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Trong khi đó, đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển hạ tầng cơ sở, thì việc khai thác tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triến sản xuất kinh doanh ở các vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn cần phải có sự hỗ trợ phù hợp của Chính phủ. Trước tình hình này, việc đổi mới chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đã trở thành việc cấp thiết và là tất yếu khách quan.
Ngày 19/05/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng phát triển Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là The Vietnam Development Bank, tên viết tắt là VDB) trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, theo đó:
45
+ Ngân hàng Phát triển Việt Nam có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, được tham gia hệ thống thanh toán với các ngân hàng và cung cấp dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Phát triển Việt Nam kế thừa mọi quyền lợi, trách nhiệm từ Quỹ Hỗ trợ phát triển.
+ Vốn Điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 10.000 tỷ đồng (từ nguồn vốn điều lệ kế thừa từ Quỹ hỗ trợ phát triển và vốn bổ sung của Nhà nước theo Quyết định Thủ tướng Chính phủ số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007).
+ Hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
+ Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
+ Thời hạn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 99 năm kể từ ngày Quyết định 108/2006/QĐ-TTg có hiệu lực.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước từ ngày 1/7/2006. Sự ra đời của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là một bước tiến quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội bởi các nguồn vốn của Nhà nước sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn, thông qua đảm bảo các nguyên tắc tín dụng cơ bản, nhờ đó, vốn sẽ được bảo toàn, quay vòng và sinh lời. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập đã đánh dấu sự ra đời của một trung gian tài chính có quy mô lớn ở Việt Nam. Bên cạnh những đặc điểm cơ bản của một trung gian tài chính giống như các tổ chức cùng loại khác, Ngân hàng Phát triển Việt Nam mang những đặc trưng nhất định, khác biệt so với các trung gian tài chính khác.
Thứ nhất, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được đặt dưới sự quản lý của Chính phủ. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động của Ngân hàng do Thủ tướng Chính phủ và Bộ tài chính ban hành. Trong khi đó, các trung gian tài chính còn lại trong nền kinh tế chịu sự kiểm soát về mặt pháp lý của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
46
Thứ hai, về các nghĩa vụ tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Ngân hàng được phép duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 0%, không phải tham gia Bảo hiểm tiền gửi và được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán. Phần lớn các trung gian tài chính khác đều không nhận được ưu đãi này.
Thứ ba, mục tiêu hoạt động cuối cùng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không phải là lợi nhuận mà là mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lợi nhuận là chỉ đóng vai trò là một trong những phương tiện để Ngân hàng đạt được mục tiêu hỗ trợ phát triển của mình. Trong khi đó, đa số các trung gian tài chính còn lại trong nền kinh tế đều có mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa lợi nhuận.
Thứ tƣ, đối với nguồn vốn hoạt động: Ngân hàng Phát triển Việt Nam có lợi thế về các nguồn vốn hoạt động so với các trung gian tài chính khác như vốn của ngân sách nhà nước cấp cho dự án theo kế hoạch hàng năm, vốn ODA được Chính phủ giao, được vay của Tiết kiệm bưu điện, Quỹ bảo hiểm xã hội, của các tổ chức tín dụng trong nước, vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, tổ chức và hiệp hội trong và ngoài nước, được Chính phủ bảo lãnh khi phát hành trái phiếu trong và ngoài nước.
Thứ năm, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay đối với các đối tượng khách hàng theo lãi suất, căn cứ vào lãi suất huy động vốn bình quân và chi phí quản lý của ngân hàng
Với phương châm hoạt động “An toàn – Hiệu quả - Hội nhập quốc tế -
Phát triển bền vững”, qua quá trình hơn chín năm xây dựng và trưởng thành Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã chứng tỏ vai trò của mình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước với một hệ thống các chi nhánh và các đơn vị trực thuộc trên cả nước.