B. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
1.2.1. Tình hình triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị tại Hà Nội
Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích lớn nhất cả nước từ khi tỉnh Hà Tây sáp nhập. Hà Nội nằm chếch về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây. Theo báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019, tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,37%, cao hơn các năm trước (năm 2016 là 7,15%; 2017 là 7,31%); trong đó ngành dịch vụ tăng 7,23%; công nghiệp-xây dựng tăng 8,23%; nông-lâm-thủy sản tăng 3,33%.
Đến nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội (sau khi mở rộng) có hơn 350 đồ án quy hoạch khu ĐTM, khu nhà ở được triển khai thiết kế. Trong đó riêng trên địa bàn Hà Nội (cũ) đã nghiên cứu lập quy hoạch trên 180 khu ĐTM và khu nhà ở với quỹ đất trên 2.500ha, trong đó có gần 80 khu đô thị và khu nhà ở đang được triển khai xây dựng. Các khu đô thị và khu nhà ở đã đem tới diện mạo mới cho Hà Nội: Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, khu đô thị Ciputra, đô thị Từ Liêm, đô thị mới Tây Hồ Tây, dự án đô thị Splendora – An Khánh,….
Hình 1.1: Tỷ lệ các loại dự án ĐTPTĐT tại Hà Nội
(Nguồn: Khảo sát từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng) Cùng với sự ra tăng của các khu đô thị, tốc độ xây dựng các dự án đầu tư phát triển tại Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ, số lượng dự án thống kê trên địa bàn Hà Nội lên tới hơn 500 dự án với tổng diện tích đất quy hoạch là trên 2.000 ha. Trong năm 2018, Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 71 siêu dự án với tổng số vốn gần 400.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Vingruop, BRG, T&T,… và các tập đoàn nước ngoài như Hitachi, Sumimoto đã nhận được chứng nhận đầu tư. Trong 71 dự án có 11 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng, 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 267.274 tỷ đồng. Các dự án này thuộc nhiều lĩnh vực như giao thông, môi trường, thương mại - dịch vụ - du lịch, thể theo, khu đô thị, giáo dục đào tạo và nhà ở. Phân chia theo tỷ lệ các loại dự án đầu tư phát triển đô thị thì các dự án nhà ở đang chiếm ưu thế (47%), các dự án công trình công nghiệp có tỷ lệ thấp nhất (7%).
Hình 1.2: Tốc độ phát triền của các dự án đầu tư phát triển đô thị
(Nguồn: Thu thập từ các web của các bộ ngành)
Hình trên đây thể hiện tốc độ phát triển của các dự án ĐTPTĐT từ năm 2016 đến năm 2018. Loại hình nhà ở có tốc độ phát triển đều và luôn ở mức cao. Các dự án công nghiệp có tốc độ phát triển thấp nhất. Tuy nhiên sự biến động mạnh nhất lại ở các dự án HTKT, năm 2016 chỉ có 50 dự án nhưng năm 2017, 2018 số lượng các dự án tăng gấp 3 lần.
Nguồn vốn đầu tư cho các dự án ĐTPTĐT tập trung từ hai nguồn là nguồn vốn tư nhân và vốn ngân sách nhà nước. Nguồn vốn tư nhân đang tập trung mạnh ở loại hình nhà ở, công trình công nghiệp. Nguồn vốn nhà nước hầu hết dành cho các dự án công trình công cộng và công trình HTKT. Tính đến hết năm 2018 công tác giải ngân toàn thành phố cơ bản đạt 83,32%. Các dự án đầu tư phát triển đô thị do tư nhân đầu tư có tiến độ giải ngân nhanh chóng, trong khi các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đạt mức thấp hơn. Một số dự án lớn giải ngân chậm hầu hết là các dự án HTKT đô thị như dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; dự án Hệ thống tiêu thoát nước phía Tây Hà Nội; dự án đường Vành đai 3,5....
Giao thông được coi là ''xương sống'' của sự phát triển đô thị. Theo kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội, đến năm 2050 Hà Nội sẽ triển khai và hoàn thành 393 dự án giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường
hàng không. Trong đó các dự án giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao nhất (81%, 317 dự án), các dự án đường sắt chiếm 11% (45 dự án), các dự án giao thông đường thủy chiếm 8% (30 dự án) và chỉ có 1 dự án giao thông đường hàng không.
Hình 1.3: Tỷ lệ các loại hình giao thông thực hiện trong thời gian 2016 - 2050
Nguồn: [37]