Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và Dịch vụ du lịch phục vụ khách

Một phần của tài liệu 49_LeThiThuyLinh_VHL301 (Trang 43 - 45)

- Chùa Kim Trúc:

Chương 2: Thực trạng khai thác hoạt động du lịch ở làng nghề Bát Tràng

2.2.2.2 Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và Dịch vụ du lịch phục vụ khách

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho du lịch còn rất yếu kém. Tại đây chỉ có duy nhất cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nhưng dịch vụ phục vụ ăn uống chỉ có nhà hàng Lan Anh là có đủ khả năng phục vụ các đoàn khách du lịch và tối đa cũng chỉ phục vụ được khoảng 100 khách một lúc. Còn một số cửa hàng ăn uống khác như cửa hàng “Phở 139” thì chỉ phục vụ các khách lẻ và người dân trong làng. Bên cạnh đó chất lượng phục vụ và trình độ chuyên môn của nhân viên ở nhà hàng còn thấp. Rất ít nhà hàng và gần như không có nhà nghỉ, khách sạn. Nhưng quanh khu vực cổng chợ và bến xe, các hàng ăn uống bình dân, không có sự quản lí về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại mọc lên như nấm, tranh nhau chèo kéo du khách. Hệ thống các nhà hàng giải khát, quán cafe có trang bị internet, wifi phục vụ du khách hầu như chưa có hoặc chưa có định hướng phục vụ khách du lịch mà chỉ phục vụ nhu cầu bình dân của cư dân trong làng.

Hệ thống cơ sở lưu trú và các cơ sở phục vụ vui chơi giải trí thì chưa có. Nhiều khi khách muốn tham quan tìm hiểu sâu hơn, khám phá văn hóa làng nghề, mong muốn được lưu trú tại làng nghề thì Bát Tràng không thể đáp ứng được mà du khách phải quay trở về thành phố Hà Nội để lưu trú. Mặt khác, một số khách đến đây ngoài mục đích chính là tham quan, mua sắm, nghiên cứu tìm hiểu họ cũng có những nhu cầu khác về vui chơi giải trí nhưng Bát Tràng chưa hề có những cơ sở phục vụ nhu cầu này của khách.

Dịch vụ du lịch phục vụ khách tại Bát Tràng mới chỉ tập trung vào tổ chức hoạt động thăm quan một số xưởng làm gốm, thăm quan bảo tàng gốm, tham gia chương trình tập làm gốm, kết hợp với mua sắm đồ gốm thủ công làm quà lưu niệm… Các dịch vụ du lịch kèm theo ở Bát Tràng còn yếu kém, thiếu phong phú và không có tính độc đáo. Hầu như các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống tinh hoa của làng nghề gốm Bát Tràng, đội ngũ nghệ nhân, cũng như yếu tố cảnh quan vị trí lợi thế của một làng nghề cổ truyền ngay sát sông Hồng chưa được khai thác cho hoạt động du lịch.

Các điểm thăm quan, xưởng gốm, bảo tàng gốm chưa được chọn lọc và đầu tư một cách bài bản, khoa học để trở thành điểm du lịch có tính hấp dẫn và đặc sắc. Tại Làng nghề chưa chú trọng việc trưng bày sự hình thành và phát triển của làng nghề gốm tại các điểm thăm quan và bảo tàng thông qua việc phục dựng thành các bộ phim 3D, 4D với nhiều thứ tiếng để phục vụ du khách ; hoặc kết hợp với ngành khảo cổ học để phục dựng các lò gốm cổ để trở thành điểm thăm quan hấp dẫn du khách. Nội dung thuyết minh về làng gốm, xưởng gốm chưa được quan tâm để đưa vào chương trình phục vụ khách thăm quan. Chương trình giới thiệu xưởng gốm, đặc trưng đồ gốm, chương trình giao lưu với nghệ nhân chưa được chú trọng…

Rải rác cả làng có vài chục điểm “vuốt - nặn - vẽ” cho du khách thử sức làm gốm trên bàn xoay với giá vào cửa 10 ngàn đồng. Đi kèm với đó là tô tượng, vẽ lọ, vẽ bát – giá thành tuỳ thụôc vào vật phẩm mà khách lựa chọn. Giá cả khá phải chăng nhưng hình thức thì không mới mẻ lắm.

Thật không dễ nếu đi thẳng đến Bát Tràng để đăng ký một tour du lịch xe trâu bởi những chuyến du lịch này thường được các công ty bên Hà Nội đặt kín từ trước. Với mức giá khá "mềm", khoảng 150.000 - 200.000 đồng (ngày lễ, ngày nghỉ) cho một chuyến xe trâu dạo quanh Bát Tràng nên tour du lịch đặc biệt này lúc nào cũng đắt khách. Những chiếc xe trâu bằng gỗ tốt, đủ chỗ cho 10-12 người ngồi được thiết kế khá đẹp và có mái che.

Nếu so sánh với một vài loại phương tiện du lịch đặc sắc khác như xe ngựa ở Nha Trang, Đà Lạt, xe xích lô ở Hà Nội, Huế; xe lam ở đồng bằng sông Cửu Long... thì xe trâu có nhiều điểm thú vị riêng, đặc biệt đối với du khách nước ngoài. Một du khách Nhật Bản cho biết: "Đi xe trâu rất thong dong, cứ như mình đang thả bộ vậy”. Theo một tour du lịch xe trâu, du khách chỉ phải trả tiền trọn gói một lần và thoải mái vào các xưởng gốm, các nhà cổ, nhà trưng bày, chợ... khi khách muốn dừng lại ở đâu, chủ xe sẽ đứng chờ ở đó, bao lâu cũng được.

Dịch vụ bán hàng lưu niệm: Ở đây chưa có dịch vụ đóng gói vận chuyển hàng lưu niệm cho khách ra nước ngoài. Hình thức thanh toán tiền, đổi tiền, sử dụng thanh toán bằng thẻ visa tại các cửa hàng ở Bát Tràng tương đối phát triển và thuận tiện cho khách.

Sự thiếu thốn và yếu kém về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch là điểm hạn chế lớn của Bát Tràng cần phải khắc phục ngay để thu hút và phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu 49_LeThiThuyLinh_VHL301 (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w