Huy động vốn đã góp phần phát triển khá toàn diện các lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 115 - 119)

- Quy đổi từ ngày công 62.377 10.865 11.203 8.815 30.883 lao động

3.3.1.3. Huy động vốn đã góp phần phát triển khá toàn diện các lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh

thuộc kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 09 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, mức độ đạt các tiêu chí NTM của Bắc Ninh tăng lên rõ rệt, cụ thể: từ bình quân 8,84 tiêu chí/xã năm 2010 đến hết 30/7/2019 đã đạt 18,85 tiêu chí/xã; có 89/97 xã (chiếm 91,75%) và 4 huyện (Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ, Gia Bình) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; thành phố Bắc Ninh có 3/3 xã đạt chuẩn NTM và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I. Hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng phục vụ nhân dân, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%; tỷ lệ người nghèo nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86,7%; tỷ lệ trường học và trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100% [75].

Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020 đã được ban hành nhằm phù hợp hơn với điều kiện thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện, nhất là nhóm tiêu chí áp dụng linh hoạt. Trên 1.000 công trình kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch, chợ nông thôn…) làm thay đổi cơ bản cảnh quan, môi trường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn.

* Về hệ thống thủy lợi, đê điều:

Hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đảm bảo tưới, tiêu chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân với 97/97 xã hoàn thành tiêu chí Thủy lợi, đạt 100% tổng số xã (tăng 19,75% so với năm 2010 và tăng 34,72% so với năm 2015). Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang quản lý, khai thác hiệu quả 584 trạm bơm cục bộ (322 trạm bơm chuyên tưới, 45 trạm bơm chuyên tiêu và 217 trạm bơm tưới tiêu kết hợp); 4.562 tuyến kênh mương cấp 3 và nội đồng với tổng

chiều dài 3.192km (3.225 tuyến kênh tưới với chiều dài là 1.959km, 1.337 tuyến kênh tiêu với chiều dài là 1.233km), trong đó đã kiên cố hóa được 1.686km kênh mương cấp 3 và nội đồng (bằng 52,82% tổng chiều dài các tuyến), số còn lại là kênh đất thường xuyên được tu sửa, nạo vét khơi thông dòng chảy,… Các địa phương đã triển khai, thực hiện tốt phong trào nạo vét các trục kênh chính nội đồng. Đầu tư bê tông hoá mặt đê để vừa chống lũ, vừa làm đường giao thông, tạo điều kiện cho các xã, phường ven đê phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay hệ thống đê trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được cứng hóa [76].

* Về giao thông nông thôn:

Có 95/97 xã hoàn thành tiêu chí Giao thông nông thôn, đạt 97,94% tổng số xã (tăng 13,57 lần so với năm 2010 và tăng 75,93% so với năm 2015). Giao thông nông thôn được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ liên kết từ các tuyến đường giao thông nông thôn đến đường tỉnh lộ, đường quốc lộ và liên kết với các tỉnh lân cận cũng như khu vực. Giai đoạn 2011-2019, tỉnh đã xây mới 997km đường giao thông (64km đường tỉnh; 176km đường huyện; 184km đường xã; 575km đường trục thôn, đường ngõ, xóm, nội đồng); cải tạo, nâng cấp 683km đường giao thông (159km đường tỉnh; 149km đường huyện; 129km đường xã; 246km đường trục thôn, đường ngõ, xóm, nội đồng); nhiều tuyến đường nông thôn không chỉ được nâng cấp bề mặt, mà còn có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông,... Đến nay, 100% các tuyến đường đến UBND các xã được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; 100% các tuyến đường liên thôn, đường trục thôn được đầu tư xây dựng kiên cố hoá đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn từ loại A trở lên, đảm bảo giao thông thông suốt từ huyện đến các xã, thôn; 100% đường trục chính nội đồng, đường

ngõ, xóm được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm và không lầy lội vào mùa mưa. Qua đó, đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, phát triển sản xuất, giao thương của người dân trong tỉnh, đưa kinh tế của các địa phương từng bước phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn [76].

* Về hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao:

Mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại. Giai đoạn 2011-2019, tỉnh đã nâng cấp 110 trạm y tế tại các xã, phường, thị trấn. Đến hết năm 2018, 100% các trạm y tế được kiên cố hóa; 100% các

trạm y tế đủ khả năng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng được nâng lên; năm 2011, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chung toàn tỉnh là 57,5%, (trong đó khu vực nông thôn là 43,6%), đến 30/6/2019, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt 91,3% (tính theo số liệu sơ bộ điều tra dân số 01/4/2019). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi liên tục giảm, đến 30/6/2019 còn 12,4% (theo kết quả cân đo tại cộng đồng) [75].

Cơ sở vật chất trường học các cấp được đầu tư theo hướng hiện đại. Ở nhiều địa phương, trường học không chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản về dạy học, mà đã chú trọng đến bổ sung trang thiết bị để giúp nâng cao thể lực, kỹ năng cho học sinh. Hết năm 2019, 100% phòng học các cấp được kiên cố hóa; 371/371 trường học các cấp tại 97/97 xã đạt chuẩn Quốc gia,…[76]. Kết quả này giúp Bắc Ninh luôn là điểm sáng trong top đầu cả nước về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, xã ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 97/97 xã có nhà văn hóa xã, trong đó có 75 nhà văn hóa xã đạt chuẩn; 618 nhà văn hóa thôn, khu phố; 489 khu thể thao thôn, khu phố … Hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao tại các xã, thôn được trang bị đầy đủ các thiết chế văn hóa, qua đó giúp hình thành và duy trì hoạt động đều đặn hàng ngàn câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thể thao (bơi, bóng bàn, bóng chuyền hơi,…), thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và tạo thành phong trào văn nghệ, thể thao rộng khắp, vừa nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của người dân [75].

Kết quả đạt các tiêu chí hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế như sau: 92/97 xã hoàn thành tiêu chí Trường học, đạt 94,85% tổng số xã (tăng 70,37% so với năm 2010 và tăng 61,4% so với năm 2015); 97/97 xã đạt tiêu chí Y tế (tăng 8,82 lần so với năm 2010 và tăng 40,58% so với năm 2015); 97/97 xã hoàn thành tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (tăng 5,39 lần với năm 2010 và tăng 49,23% so với năm 2015) [75].

* Hệ thống điện, thông tin liên lạc:

Ngành điện đã đầu tư trên 2.400 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo đường dây tải điện, hệ thống trạm biến áp trung gian, trạm hạ thế đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, từng bước đáp ứng nhu cầu điện cho đời sống và sản xuất của nông dân, nông thôn. Tính đến nay các xã trong tỉnh có 1.288 trạm biến áp, bình quân 1 xã có 13,3 trạm,

một thôn có 2,2 trạm; có 3.220 tuyến đường dây đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh với chất lượng ổn định. Toàn tỉnh có 97/97 xã (100% tổng số xã) đạt tiêu chí điện nông thôn, tăng 12 xã so với năm 2010 [76] .

Mạng lưới thông tin văn hóa phát triển mạnh, bưu chính viễn thông tăng trưởng khá cao. Hệ thống bưu chính viễn thông được quan tâm phát triển, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho nông dân. Mạng lưới bưu chính viễn thông và cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp tục được tăng cường, hoạt động ổn định, thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhu cầu của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Có 97/97 xã hoàn thành tiêu chí hạ tầng Thông tin và Truyền thông (tăng 27,63% so với năm 2010) [76].

* Hệ thống chợ nông thôn:

Từ năm 2011 đến nay đã đầu tư xây mới 9 chợ, nâng cấp, cải tạo 22 chợ nông thôn. Kết quả có 97/97 xã hoàn thành tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tăng 76,36% so với năm 2010 và tăng 8,99% so với năm 2015. Nhìn chung mạng lưới chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo theo định hướng quy hoạch góp phần quan trọng vào việc phục vụ đời sống nhân dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, giải quyết được nhiều việc làm. Tuy nhiên nhiều chợ nông thôn cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác xã hội hóa chợ nông thôn còn gặp nhiều khó khăn [76].

*Hạ tầng nước sạch, vệ sinh, môi trường:

Tỉnh đã đầu tư xây dựng 550 điểm tập kết rác thải tại các thôn; hỗ trợ 6.091 xe đẩy tay gom rác cho các địa phương; 100% các thôn đã thành lập tổ vệ sinh môi trường với tổng số là 826 tổ (khu vực nông thôn có 635 tổ), mỗi tổ từ 3-5 người để thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt. Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết về các khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện được 08 đơn vị có chức năng thực hiện với tổng số xe chuyên dụng là 31 chiếc, đảm bảo 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom triệt để. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn xã Lâm

Thao (huyện Lương Tài), xã Liên Bão (huyện Tiên Du); mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn khu vực nông thôn tại xã Cao Đức (huyện Gia Bình), khu vực đô thị tại phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) [76].

Đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 03 nhà máy tập trung và 10 lò đốt chất thải sinh hoạt với tổng công suất thiết kế là 686 tấn/ngày đêm. Ngày 29/5/2019, Bắc Ninh đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng (huyện Quế Võ) với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng; dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau khoảng 15 tháng xây dựng, tiếp nhận xử lý 500 tấn rác/ngày đêm, với tổng công suất phát điện lên tới 11,7MWh góp phần đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của tỉnh và các địa phương lân cận. Hỗ trợ đầu tư xây dựng khoảng 22.000 bể biogas cho các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại; hỗ trợ các địa phương xây dựng bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên các cánh đồng,… [76]. Tập trung đầu tư và đưa vào vận hành có hiệu quả 02 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất là 61.000 m3/ngày đêm; vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải làng nghề giấy Phong Khê giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm; hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm 400 m3/ngày đêm. Đầu tư xây dựng 01 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại xã An Bình (huyện Thuận Thành), 02 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt cho xã Tân Chi (huyện Tiên Du) và 01 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt thôn Viêm Xá (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) với công suất 200 m3/ngày đêm/hệ thống. Triển khai lắp đặt 13 trạm quan trắc nước mặt tự động tại các sông, kênh, mương và 17 trạm quan trắc môi trường không khí tự động trên địa bàn [76].

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai mạnh mẽ và đạt được kết quả cao. Đến 30/6/2019, tỷ lệ dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,52% (trong đó, 67,49% hộ được sử dụng nước sạch); tỷ lệ người nghèo nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,6%. Tỷ lệ trường học và trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100% [76].

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 115 - 119)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w