Việt Nam hiện nay
Vị thế, vai trò của tầng lớp doanh nhân ở nước ta gắn với sự nghiệp chung của đất nước. Trong thư gửi giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giữ gìn lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng... Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượn" [56, tr.53].
Doanh nhân ở nước ta là những người quản lý doanh nghiệp trong kinh doanh (từ sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ) ở các thành phần kinh tế. Doanh nhân có vị trí quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Doanh nhân ngành Đường sắt Việt Nam có thể hiểu là đội ngũ những người đảm nhiệm hoạt động quản lý kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh trong doanh nghiệp của ngành đường sắt. Gồm những người tham gia một công đoạn trong điều hành nghiệp vụ kinh doanh, sản xuất trong Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hiện nay.
Về số lượng, cơ cấu, đội ngũ doanh nhân trong ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay, có mặt ở 24 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trong đó có 15 Công ty tham gia quản lý đường sắt; 05 Công ty thông tin tín hiệu đường sắt; 01 Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt; 01 Công ty In đường sắt; 01 Công ty In Đường sắt Sài Gòn; 01 Công ty Xe lửa Dĩ An. Đội ngũ doanh nhân của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là lực lượng quan trọng trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành đường sắt, thể hiện ở sự đóng góp ngày càng tăng thuộc
nhiều lĩnh vực và công đoạn cụ thể. Có thể thấy, những năm qua đội ngũ doanh nhân Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đặc biệt các doanh nhân ở các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cũng tăng về số lượng.
Về chất lượng của đội ngũ doanh nhân trong ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay, tham gia trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng có nhiều tiến bộ về tính chuyên nghiệp; sự liên kết hợp tác; bước đầu có chiến lược kinh doanh lâu dài; năng lực tài chính dần dần được khẳng định; tri thức công nghệ và kinh nghiệm về thương trường ngày càng được nâng cao. Để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hiện nay, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của ngành, Tổng Công ty đã phê duyệt đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành đường sắt trong đó có việc phát triển đội ngũ doanh nhân Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Mục tiêu chung của đề án là xây dựng đội ngũ doanh nhân hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, ngày càng lớn mạnh có năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Đội ngũ doanh nhân ngành đường sắt được theo học các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp, đào tạo theo chương trình ngành giao thông vận tải, tăng cường khả năng kinh doanh và các kiến thức chuyên đề về quản lý doanh nghiệp và các khóa đào tạo khác.
Một trong các mục tiêu của công tác tái cơ cấu ngành đường sắt hiện nay là giảm những người không có năng lực, đạo đức kém và tuyển những nguồn nhân lực mới tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn phải thường xuyên đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn cho các doanh nhân để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Những năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, công ty đã tiến hành nhiều chương trình, kế hoạch đào tạo và đào tạo lại. Cụ thể, từ năm 2011- 2015, Tổng Công
ty đã tổ chức đào tạo được 5 lớp cho 220 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, 132 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, năm 2016 - 2018, đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực kinh doanh cho các trưởng phòng kinh doanh các chi nhánh vận tải, các cán bộ kinh doanh của công ty.
Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, nhất là các tổ chức đường sắt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân ngành đường sắt tại các cơ sở đào tạo trong ngành, thực hiện các hình thức bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên kinh doanh. Tổng Công ty cũng đã có những hợp tác chiến lược với Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải để có được nguồn đầu vào tốt để bảo đảm chất lượng đầu ra, sát với nhu cầu thực tế của thị trường.
Với vai trò ngày càng tăng của đội ngũ doanh nhân ngành đường sắt, trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, việc phát triển đội ngũ doanh nhân ngành đường sắt nói riêng và đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành đường sắt. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân cùng với các bộ phận khác của nguồn nhân lực chất lượng cao là phải có nhận thức đúng về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân nước ta.
Những vấn đề bêu trên phù hợp với yêu cầu nêu trong Nghị quyết của Đảng về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh:
"Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, có trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và đảm bảo độc lập, tự chủ của nền kinh tế"[2].
Nguyên nhân khách quan tác động đến phát triển đội ngũ doanh nhân ngành Đường sắt Việt Nam, những năm qua, là do Đảng, Nhà nước ta đã có đánh giá đúng vai trò quan trọng, là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đổi mới cơ chế để tạo sân chơi bình đẳng và quyền chủ động tham gia sản xuất, kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân cũng như đội ngũ doanh nhân.
Nguyên nhân chủ quan, Bộ Giao thông vận tải, ngành đường sắt đã thấy rõ vai trò của đội ngũ doanh nhân trong ngành của mình, nên đã chủ động đào tạo, mở rộng những chuyên ngành để có những doanh nhân trẻ. Đồng thời, đã biết thu hút những doanh nhân có khả năng kinh doanh, sản xuất của xã hội vào ngành để liên kết cùng phát triển và cùng có lợi. Đội ngũ doanh nhân ngành Đường sắt Việt Nam trong những năm qua đã tích cực làm chủ bản thân, nâng cao tri thức nghề nghiệp, năng lực sản xuất, kinh doanh, tài chính và pháp luật. Họ đã biết tăng cường mối quan hệ liên kết, gắn kết, phối hợp cùng có lợi với các lực lượng, các đơn vị của ngành dưới sự lãnh đạo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải.