Nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Luận án Phạm Thị Thương (Trang 47 - 52)

Các bộ phận nhân lực nêu trên của nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với quan điểm, phân loại của Tổ chức Lao động quốc tế về các nhóm nhân lực nằm trong khái niệm "có tay nghề cao": nhóm chính 1: các nhà lập pháp, quan chức cấp cao và quản lý; nhóm chính 2: các chuyên gia; nhóm chính 3: kỹ thuật viên và các chuyên gia phụ, trong đó cũng bao gồm các nhà nghiên cứu.

2.1.2.2. Nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay hiện nay

Quan niệm nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay, cần tiếp cận những vấn đề chung về nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời thống nhất về nhận thức ở một số điểm sau:

Thứ nhất, thuật ngữ "chất lượng cao" và "trình độ cao" có những điểm tương đồng song không hoàn toàn đồng nhất. Nói đến trình độ cao chủ yếu nói đến yếu tố học vấn, bằng cấp được đào tạo của nguồn nhân lực. Trình độ học vấn dù có vai trò rất quan trọng, song mới chỉ là một yếu tố cấu thành chất lượng của nguồn nhân lực; còn chất lượng cao là nói đến tổng thể các yếu tố chính trị, đạo đức, trình độ tri thức, năng lực chuyên môn, sức khỏe.

Thứ hai, cần xem xét nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt trên cả hai mặt định tính và định lượng để xác định tiêu chí chung và tiêu chí cụ thể của lực lượng này. Về định tính, đó là quan niệm dựa trên thước đo chung về cơ cấu, số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện lao động đặc thù của ngành đường sắt, nếu những tiêu chí đánh giá chưa được lượng hóa đầy đủ thì dựa vào cách tiếp cận này sẽ rất khó trong việc đánh giá, phân loại nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đường sắt. Về mặt định lượng, dựa vào cấu trúc của các yếu tố, với các nội dung cụ thể để đánh giá mức độ cao hay thấp của chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tường minh: tâm lực (phẩm chất đạo đức nghề nghiệp), trí lực (trình độ học vấn, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học), sức khỏe và kết quả công việc được đảm nhiệm; gắn với mỗi lực lượng, phân theo nhóm mà tác giả luận án xác định nghiên cứu là: đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; đội ngũ doanh nhân; đội ngũ công nhân lành nghề.

Từ cách tiếp cận trên, có thể quan niệm: Nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt là một bộ phận thuộc nguồn nhân lực của ngành và là một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, bao gồm những người có phẩm chất tốt, được đào tạo ở trình độ cao, có sức khỏe tốt, có kỹ năng nghề nghiệp và tinh thông nghiệp vụ, được sử dụng để thực hiện các công việc đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao trong các lĩnh vực hoạt động của ngành đường sắt.

Quan niệm trên cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt là những người thuộc đội ngũ lao động trong ngành. Tuy nhiên, không phải tất cả người lao động của ngành đường sắt đều là nhân lực chất lượng cao, mà phải là những người tiêu biểu và thể hiện ở các dấu hiệu, đặc trưng cơ bản sau:

Về phẩm chất, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là lực lượng lao động có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp, có thái độ tích cực và có

kỷ luật cao trong lao động. Bản lĩnh chính trị của nguồn nhân lực thể hiện ở lập trường tư tưởng kiên định, có ý chí và tình cảm vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì nhân dân và vì sự phát triển của ngành đường sắt. Đạo đức của nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt thể hiện ở đức tính cần, kiệm, liêm chính, trung thực, ý thức kỷ luật tự giác và nghiêm minh. Nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đường sắt có thái độ sống, lao động để cống hiến tài năng, công sức, có trách nhiệm cao trong công việc được đảm nhiệm vì sự phát triển chung của xã hội, của ngành; có khả năng hòa hợp với cộng đồng, đấu tranh với các tệ nạn xã hội để xây dựng lối sống lành mạnh. Phẩm chất của nguồn nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là cội nguồn sức mạnh, là cái gốc để họ vượt qua thử thách, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là tiêu chí mang lại tính chất nền tảng, là nội dung quan trọng trong quá trình đánh giá, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, có 96% ý kiến được hỏi đã trả lời là nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Đường sắt phải tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có khả năng nghiên cứu khoa học, sáng chế và dạy nghề tốt [Phụ lục 10].

Về tri thức (học vấn, tin học, ngoại ngữ...) Đây là tiêu chí không thể coi nhẹ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đường sắt, nếu không có kiến thức văn hóa tương ứng, không có kiến thức nghề nghiệp, chuyên môn giỏi và có khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức, kinh nghiệm thì không thể đạt hiệu quả trong quá trình lao động, công việc được đảm nhiệm. Sự tích lũy tri thức tạo nên năng lực, hiệu quả lao động của một cá nhân được hiểu là sự thông minh, là óc phán đoán hay nói cách khác là sự nhạy cảm, sự khôn ngoan, sáng tạo và thích nghi với hoạt động nghề nghiệp; xử lý có hiệu quả với các tình huống nghề nghiệp đặt ra...

Trí tuệ được thể hiện trước hết thông qua con đường đào tạo gắn với trình độ học vấn, nó vừa là cơ sở, vừa là tiêu chí xác nhận chất lượng của nguồn nhân lực. Trình độ học vấn của nguồn nhân lực biểu hiện trình độ dân trí của một quốc gia, thông qua các chỉ số, như số lượng người biết chữ, mù chữ, số lượng người đi học đúng độ tuổi. Trình độ học vấn và chuyên môn của nguồn nhân lực thường được phân loại theo cấp học, bậc học, thể hiện qua trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực và được đo bằng kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng thực hành về một chuyên môn nào đó trong quá trình lao động.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật được phân thành các bậc: chưa được đào tạo, tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trên đại học, các bậc nghề được đào tạo. Nó thể hiện trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực và có thể thông qua các chỉ tiêu so sánh như: tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao so với lực lượng lao động đang làm việc đã qua cùng cấp đào tạo.

Về năng lực, kỹ năng, chuyên môn giỏi. Kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến hoạt động áp dụng kiến thức vào lao động và khả năng giải quyết công việc; cho phép thực hiện thành công trong hoạt động tổ chức, lập kế hoạch, quản lý nhóm làm việc. Kỹ năng cũng có thể gọi là năng lực và được thể hiện thông qua hành động nghề nghiệp thực tế thuần thục, đạt hiệu quả cao. Kỹ năng mang tính cụ thể, dễ quan sát trong hành động và thường có được thông qua trải nghiệm thực tế, đúc rút thành kinh nghiệm của mỗi cá nhân trong giải quyết có hiệu quả mà thực tiễn nảy sinh. Kỹ năng có thể được dạy, được thực hành, tập luyện trong quá trình học tập và suy nghĩ về cách thức để làm việc tốt hơn. Kỹ năng làm việc là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công trong sự nghiệp của cá nhân người lao động và tác động trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của từng cơ quan, doanh nghiệp. Nguồn nhân lực chất lượng cao so với nguồn nhân lực khác ở kỹ năng mềm của người lao động. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, gồm 9 kỹ

năng là: tư duy sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, thái độ làm việc, kỹ năng ứng dụng thuật, kỹ năng tính toán, viết... Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, có 99% ý kiến được hỏi đã cho rằng là nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Đường sắt thì phải có năng lực xử lý các tình huống nghề nghiệp tốt [Phụ lục 10.5].

Kỹ năng của con người còn giúp tạo nên tính năng động xã hội, của nguồn nhân lực, thể hiện ở khả năng thích ứng và phát triển, sự nhạy bén; khả năng tiếp nhận và làm chủ những kỹ thuật, công nghệ mới; khả năng áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn để tạo ra các sản phẩm có giá trị cho xã hội; khả năng nắm bắt được các vận hội, thời cơ; ý thức tự chủ và quyết đoán cao; năng lực hoạch định các giải pháp kinh tế và thực hiện phát triển kinh tế.

Về thể lực, thể lực thể hiện tình trạng sức khỏe của nguồn nhân lực. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định sức khỏe là một trạng thái của một con người, có sức khóe về thể chất, sức khỏe tinh thần. Mọi người lao động, dù lao động chân tay hay lao động trí óc đều cần có thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để chuyển tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, biến tri thức thành sức mạnh vật chất. Tình trạng sức khoẻ được phản ánh bằng một hệ thống các chỉ tiêu cơ bản về sức khoẻ như: chiều cao, cân nặng, tuổi thọ, các chỉ tiêu về tình hình bệnh tật, các chỉ tiêu về cơ sở vật chất và các điều kiện về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ. Hơn nữa, thể lực còn là sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, niềm tin và ý chí, khả năng vận động của trí lực trong những điều kiện khác nhau, đáp ứng quá trình sản xuất liên tục, kéo dài. Có các thông số nhân chủng học đáp ứng được các hệ thống thiết bị công nghệ được sản xuất phổ biến và trao đổi trên thị trường khu vực và thế giới, luôn tỉnh táo và sảng khoái tinh thần. Do đó, phương pháp tiếp cận tiến bộ đối với khái niệm sức khỏe phải là tiếp cận định lượng sức khỏe là tổng các công suất dự trữ ở các

hệ thống chức năng cơ bản của mỗi con người. Kết quả điều tra xã hội học đã cho thấy, có 75% ý kiến được hỏi đã cho rằng là nguồn nhân lực chất lượng cao phải có sức khỏe tốt [Phụ lục 10].

Một phần của tài liệu Luận án Phạm Thị Thương (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w