DỰ BÁO ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 (Trang 40 - 42)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Đảng và Nhà nước

Đến năm 2020, các cơ quan đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều hình thành nền hành chính điện tử:

- Hệ thống thư điện tử của tỉnh sẽ tích hợp hệ thống thư điện tử quốc gia, khi đó tất cả các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp và sử dụng hộp thư điện tử trong công việc.

- Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối Ủy ban nhân dân tỉnh với Sở, ngành, huyện sẽ được mở rộng đến tất cả các đơn vị cấp xã và liên thông với hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của các địa phương khác và Chính phủ phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành.

- Phần mềm quản lý văn bản và điều hành liên thông của tỉnh sẽ được tích hợp, chia sẻ với hệ thống Quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc. Đồng thời sẽ được tích hợp các cơ sở dữ liệu tương ứng, phục vụ việc quản lý, điều hành tác nghiệp trong nội bộ và liên thông giữa các cơ quan, đơn vị.

- Phần mềm ứng dụng chuyên ngành của các Sở, ngành và phần mềm quản lý phục vụ công việc của khối Ủy ban nhân dân các cấp sẽ được phát triển theo hướng liên thông, tương tác với nhau và với các hệ thống thông tin quốc gia liên quan.

- Các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành đều được tích hợp tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, chia sẻ với các hệ thống cơ sở dữ liệu theo ngành dọc và cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan. Các hệ thống thông tin có thể chia sẻ và sử dụng các cơ sở dữ liệu trong hầu hết các lĩnh vực liên quan.

- Cổng thông tin điện tử của các đơn vị Sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố sẽ được nâng cấp, tích hợp lên Cổng giao tiếp điện tử của tỉnh, cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 (có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ) và mức độ 4 (có thể trả kết quả và thanh toán trực tuyến) đáp ứng nhu cầu trao đổi, giao tiếp, khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp.

- Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được hoàn thiện theo hướng liên thông, kết nối từ cấp huyện đến xã, triển khai mở rộng đến các Sở, ngành tỉnh và cung cấp công khai, minh bạch tình trạng xử lý hồ sơ hành chính, hướng dẫn thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

- Hệ thống chữ ký số và chứng thực chữ ký số sẽ được triển khai sử dụng mạnh mẽ, mọi công dân đều được cấp chứng minh thư nhân dân và hộ chiếu điện tử, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu công dân điện tử.

- Phần mềm mã nguồn mở sẽ được ứng dụng và phát triển mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị Đảng và Nhà nước thay cho việc sử dụng các hệ điều hành và các ứng dụng nguồn đóng, giúp triển khai, sử dụng linh hoạt, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu vi phạm bản quyền, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, góp phần nâng cao tính chủ động và làm chủ công nghệ, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống văn hóa xã hội Trong giáo dục và đào tạo

Đến năm 2020: Đảm bảo 100% các trường học từ trung học phổ thông đến tiểu học đều được trang bị từ 1 - 3 phòng máy tính, với số máy tính đáp ứng yêu cầu tối thiểu (trong đó, tại các trường trung học phổ thông trung bình có khoảng 25 - 30 máy tính/phòng); trang bị máy chủ, các phần mềm mã nguồn mở hỗ trợ các môn học phục vụ cho việc dạy và học; hơn 80% số môn học được ứng dụng công nghệ thông tin; 100% các trường trung học phổ thông và trên 70% các trường trung học cơ sở, tiểu học đều xây dựng website thành phần.

Hình thành các trường học thông minh, các trung tâm học liệu, thư viện điện tử toàn tỉnh và kết nối với nguồn tài liệu trong nước, nước ngoài nhằm phục vụ nhu cầu học tập và làm việc của các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp, cán bộ giáo viên, giảng viên, sinh viên, học sinh và người dân trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống mạng thông tin giáo dục của tỉnh được phát triển và hoàn thiện, giúp học sinh, sinh viên có thể tự ôn tập, học tập; cập nhật hệ thống thông tin phục vụ quản lý giáo dục trên mạng.

Trong các đơn vị y tế

Đến năm 2020, 100% các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều được trang bị máy tính, kết nối Internet; trang bị các phần mềm hỗ trợ quản lý và nghiệp vụ y khoa tiên tiến; hoàn chỉnh hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện trong toàn tỉnh.

Hình thành và phát triển Mạng thông tin y tế phục vụ nhu cầu tra cứu, cập nhật thông tin, trao đổi và nghiên cứu của người dân cũng như cán bộ ngành y tế. Nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ y tế.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Đến năm 2020, khối doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh sẽ đạt được: 100% các doanh nghiệp kết nối Internet và sử dụng hộp thư điện tử; 90% các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiết lập được website riêng phục vụ quảng bá sản phẩm, thương hiệu và giao dịch trao đổi thông tin đơn giản; 80 - 90% các doanh nghiệp sử dụng các phần mềm quản lý tổng thể nguồn lực doanh nghiệp phục vụ quản lý và sản xuất kinh doanh.

Trong đó, đạt 100% doanh nghiệp vận tải công cộng, nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch có quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh xây dựng website nhằm quảng bá, kinh doanh và xúc tiến du lịch; sử dụng các phần mềm quản lý tổng thể nguồn lực doanh nghiệp với đầy đủ các chức năng như: quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý các tour du lịch, quản lý và chăm sóc khách hàng...

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 (Trang 40 - 42)

w