Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về hóa đơn giá trị gia tăng
Thực trạng tạo, phát hành, sử dụng và quản lý hóa đơn GTGT cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của loại ấn chỉ này. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào ghi nhận trị giá ngang tiền của hóa đơn GTGT. Vì vậy, việc ghi nhận và công bố giá trị pháp lý đặc biệt của hóa đơn GTGT trong văn bản có giá trị pháp lý là cách duy nhất trả hóa đơn nói chung và hóa đơn GTGT nói riêng về đúng vị trí của chúng. Đề xuất giải pháp này xuất phát từ những lý do cơ bản sau:
Những thất thoát tiền thuế của Ngân sách nhà nước do hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn GTGT gây ra là vô cùng lớn. Hóa đơn GTGT được ví như tiền nhưng “mệnh giá” vô hạn. Thực tế, qua tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế đã truy thu số tiền thuế thất thoát thông qua khấu trừ, hoàn thuế là con số không nhỏ.
Văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất ghi nhận sự xuất hiện hóa đơn GTGT là Luật thuế GTGT và các văn bản pháp luật quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP hay Thông tư số 10/2014/TT-BTC cũng chưa có bất cứ điều khoản nào khẳng định giá trị pháp lý ngang tiền của hóa đơn nói chung và hóa đơn GTGT nói riêng. Việc ghi nhận này là rất cần thiết và là cơ sở quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp được in hóa đơn. Ngoài việc phải gánh chịu hậu quả pháp lý như các hóa đơn thông thường khác, hóa đơn GTGT còn phải gánh chịu hậu quả pháp lý của những ấn chỉ đặc biệt có mệnh giá ngang tiền khi có sự vi phạm.
chưa nghiêm khắc khiến đối tượng nộp thuế chấp nhận nộp phạt thay vì tuân thủ các quy định pháp luật về hóa đơn GTGT. Có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi về mức phạt tiền cho các hành vi phạm hành chính trong các quy định. Mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi in, đặt in hóa đơn giả quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng với các hành vi vi phạm này mức phạt tiền cao nhất hiện nay quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2014/TT-BTC là 50 triệu đồng. Có ý kiến cho rằng việc giảm mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm này là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, thực tế đã chứng minh việc sử dụng hóa đơn giả đã gây thất thoát số tiền thuế gấp nhiều lần số tiền phạt cho Ngân sách nhà nước. Nhưng, cũng có quan điểm rằng: mức phạt cao thì tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm chưa hẳn đã cao. Dù mức phạt cao hay thấp cũng cần xây dựng “ngưỡng” để hậu quả pháp lý phải gánh chịu tương xứng với hành vi vi phạm đã gây ra do tính chất đặc biệt của hóa đơn GTGT.
Bên cạnh việc đưa ra giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về hóa đơn GTGT, Nhà nước cần có biện pháp kinh tế khuyến khích người tiêu dùng nhận hóa đơn GTGT sau khi mua hàng hóa, dịch vụ. Hành vi nhận hóa đơn GTGT sau khi mua hàng diễn ra phổ biến ở các nước phát triển đã trở thành thói quen. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen này. Nguyên nhân chủ yếu là lợi ích giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – người tiêu dùng chưa được xác định đúng hướng. Người tiêu dùng là người nộp thuế GTGT song việc lấy hóa đơn GTGT không mang lại lợi ích nào nên không tham gia mạnh mẽ vào quy trình kiểm soát hoạt động kinh tế phát sinh. Việc sử dụng các biện pháp kinh tế trong điều kiện người tiêu dùng chưa có ý thức, thói quen lấy hóa đơn GTGT sau khi mua hàng là giải pháp hoàn thiện pháp luật hóa đơn GTGT mang tính khả thi.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Luật thuế Giá trị gia tăng
Trong mối quan hệ biện chứng, để hoàn thiện pháp luật hóa đơn GTGT trước hết cần sửa đổi, bổ sung luật thuế GTGT trên tinh thần của Quyết định số 732/QĐ-TTg theo các hướng sau:
Phương pháp khấu trừ thuế có nhiều ưu điểm, khoa học và tạo hiệu quả sẽ trở thành phương pháp tính thuế GTGT duy nhất trong tương lai. Phương pháp này không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của hóa đơn GTGT. Nhưng để tiến tới áp dụng duy phương pháp tính thuế này doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện nhất định về: chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ
Thứ ba, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế
Bám sát mục tiêu, những nội dung cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 tại Quyết định 732/QĐ-TTg để nghiên cứu sửa đổi về: thời gian khai thuế, nộp thuế để giảm tần suất kê khai, nộp thuế, chi phí của người nộp thuế, mở rộng diện doanh nghiệp đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế điện tử, qua mạng internet. Nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký khai thuế của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hành chính thuế.
Thay đổi phương pháp khai, tính thuế, mức thuế theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế kinh doanh “dưới ngưỡng tính thuế GTGT” cũng là nội dung cần phải điều chỉnh khi hoàn thiện pháp luật hóa đơn GTGT. Bởi lẽ, người nộp thuế kinh doanh “dưới ngưỡng tính thuế GTGT” có số lượng đông đảo. Để đối tượng này duy trì khoản nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền thuế thì cơ quan thuế cần xây dựng phương pháp tính thuế khoa học, hiện đại mà giản đơn, tạo thuận lợi cho họ trong hoạt động quản lý của mình.
Luật Quản lý thuế hiện nay chưa vận dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu toàn ngành. Nhiều dữ liệu, thông tin cần thiết trong công tác quản lý của cơ quan thuế còn thiếu hụt, dạng kết xuất còn hạn chế, công cụ hữu hiệu trong việc nhận biết hóa đơn bất hợp pháp chưa có, đối chiếu xác minh hóa đơn vẫn theo cách truyền thống… Vì vậy, hoàn thiện quy định pháp luật về hóa đơn GTGT cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý và phải đảm bảo thống nhất, có tính liên kết cao.
Thực trạng sử dụng và công tác thanh tra, kiểm tra hóa đơn GTGT cho thấy các hành vi vi phạm diễn ra nhiều. Các hành vi gian lận thuế chủ yếu bằng việc sử dụng hóa đơn GTGT rất phức tạp, khó phát hiện do thủ đoạn ngày càng tinh vi thông qua khấu trừ, hoàn thuế. Nên việc nghiên cứu bổ sung thêm nhiệm vụ điều tra về thuế cho cơ quan thuế là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với rất nhiều luật nội dung khác trong quá trình triển khai và thực hiện.
Chế độ kế toán vô cùng quan trọng bởi sự ghi nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân đồng thời xác định nghĩa vụ thuế của các đối tượng này với nhà nước. Chế độ kế toán nếu được xây dựng, áp dụng và đảm bảo ghi chép đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế của người nộp thuế sẽ là công cụ đắc lực, tối quan trọng cho cơ quan thuế trong việc quản lý các đối tượng nộp thuế.
Một số đề xuất sửa đổi các quy định Luật Quản lý thuế trên đây hi vọng không chỉ có ý nghĩa đối với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về hóa đơn GTGT mà còn góp phần định hướng cho các quy định khác trong hệ thống pháp luật có liên quan khoa học, tiến bộ hơn.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung Luật thuế Xuất khẩu, nhập khẩu
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật thuế Xuất khẩu, nhập khẩu trong tương lai tưởng chừng không nhiều liên hệ tới việc hoàn thiện
pháp luật hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện thông qua việc sử dụng hóa đơn GTGT [5].
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự
Thực trạng pháp luật về hóa đơn GTGT cho thấy việc in ấn, mua bán hóa đơn giả (hóa đơn bất hợp pháp) diễn ra nhiều và hành vi sử dụng hóa đơn GTGT trong lập hồ sơ khống để được khấu trừ, hoàn thuế lặp đi lặp lại nhưng pháp luật chưa có chế tài nghiêm khắc. Hóa đơn GTGT có giá trị pháp lý ngang tiền và mệnh giá “vô hạn” nhưng không nhiều người biết được điều này. Do chưa được được đặt đúng địa vị pháp lý nên hành vi in, mua bán và sử dụng hóa đơn GTGT giả hoặc hóa đơn bất hợp pháp đã, đang tiếp diễn. Vì vậy, việc hình sự hóa các hành vi này trong Bộ luật Hình sự là việc làm cần thiết để có một chế tài nghiêm khắc có tính phòng ngừa và răn đe cao. Hậu quả mà các chủ thể phải gánh chịu sẽ tương ứng với số tiền trong hóa đơn do hành vi vi phạm về hóa đơn GTGT gây ra. Có thể nói những thiệt hại do việc sử dụng hóa đơn GTGT nhằm mục đích trụ lợi tương đương với hành vi in, sử dụng tiền giả bởi tính “ngang tiền” của loại hóa đơn này.
Bổ sung tội phạm về hành vi lập hồ sơ kê khai gian lận để làm tăng thuế GTGT được khấu trừ hoặc tăng thuế GTGT được hoàn. Đồng thời, bổ sung các hành vi cụ thể của bên bán và bên mua để làm rõ trách nhiệm của từng bên đối với hành vi này.
Để áp dụng một cách có hiệu quả các quy định pháp luật về hóa đơn GTGT, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật còn không ngừng hoàn thiện giải pháp đảm bảo thực hiện pháp luật hóa đơn GTGT.