2.1. Lịch sử hình thành và phát triển pháp luật hóa đơn giá trị gia tăng ở Việt Nam ở Việt Nam
Lịch sử hình thành và phát triển pháp luật hóa đơn GTGT ở Việt Nam trải qua các giai đoạn với nhiều dấu mốc quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được còn bộc lộ tồn tại, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, hệ thống các quy định về hóa đơn GTGT đang tiếp tục không ngừng hoàn thiện nhằm phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước về hóa đơn trong tương lai.
Trước khi luật thuế Giá trị gia tăng có hiệu lực
Lịch sử xuất hiện của hóa đơn GTGT được đánh dấu bằng sự ra đời của Luật Thuế GTGT. Tuy nhiên, nội dung và hình thức hóa đơn GTGT tuân thủ theo nội dung và hình thức cơ bản của hóa đơn.
Pháp lệnh Kế toán và Thống kê số 6-LCT/HĐNN8 ngày 20 tháng 5 năm 1988 của Hội đồng Nhà nước quy định chế độ Kế toán và Thống kê áp dụng trong nền kinh tế quốc dân cùng với một số văn bản hướng dẫn ra đời có hiệu lực và trở thành căn cứ pháp lý quan trọng để Nhà nước ban hành Quyết định số 54-TC/TCT và các văn bản hướng dẫn thi hành: Thông tư số 73/TC- TCT ngày 20 tháng 10 năm 1997 của Tổng Cục thuế hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường…
Hệ thống các văn bản về hóa đơn ra đời trong thời kỳ này mang những đặc điểm nhất định: Nhà nước giữ vai trò là chủ thể độc quyền trong việc tạo, phát hành hóa đơn; Về cơ bản, hình thức và nội dung hóa đơn đã đáp ứng được nhu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Việc quản lý, sử dụng hóa đơn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước và đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra của công tác quản lý về hóa đơn.
Sau khi luật thuế Giá trị gia tăng chính thức có hiệu lực đến nay
Giai đoạn này, pháp luật hóa đơn GTGT trải qua nhiều thăng trầm với một số dấu mốc đáng ghi nhận.
Luật thuế GTGT số 02/1997/QH9 được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10 tháng 5 năm 1997 chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1999 (sau đây gọi tắt là Luật thuế GTGT). Từ đây, thuật ngữ “hóa đơn GTGT” chính thức được ghi nhận tại Điều 10, Điều 11 Mục 2 của Luật thuế GTGT đầu tiên ở Việt Nam. Luật thuế GTGT là căn cứ pháp lý cao nhất, là cơ sở để hóa đơn GTGT xuất hiện và đưa vào sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Trên cơ sở luật thuế GTGT và các văn bản pháp luật về hóa đơn, hệ thống pháp luật về hóa đơn GTGT đã có những thay đổi không ngừng và đạt một số kết quả đáng kể. Trong số đó, phải kể đến Nghị định số 89/2002/NĐ- CP ngày 07 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 89/2002/NĐ-CP). Nghị định số 89/2002/NĐ-CP và Thông tư 120/2002/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn và Thông tư số 99/2003/TT-BTC ngày là dấu mốc quan trọng vì lần đầu tiên trong lịch sử phát triển pháp luật về hóa đơn, chứng từ Nhà nước đã trao quyền tự chủ trong việc in (tạo), phát hành hóa đơn cho một số doanh nghiệp đáp ứng những điều kiện nhất định. Điều này, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và giảm gánh nặng trong việc in, phát hành hóa đơn của Nhà nước.
Sau hơn 7 năm áp dụng, Nghị định số 89/2002/NĐ-CP không còn phù hợp với tình hình mới và bộc lộ nhiều hạn chế. Cùng với sự ra đời và thay thế của luật như Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp, Luật Giao dịch điện tử…
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 51/2010/NĐ-CP) ra đời thay thế Nghị định số 89/2002/NĐ-CP được xem là bước ngoặt mang tính đột phá trên chặng đường hình thành và phát triển của pháp luật về hóa đơn, chứng từ ở Việt Nam. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành: Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính; Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính nâng cao hơn nữa tinh thần trao quyền tự chủ, chủ động trong việc tạo, phát hành, sử dụng và quản lý hóa đơn, chứng từ cho các doanh nghiệp nhưng cũng đòi hỏi ở họ một cơ chế quản lý và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hình thức hóa đơn điện tử ra đời nhằm thúc đẩy thương mại điện tử là quan điểm hoàn toàn mới trong cải cách thủ tục hành chính thuế hiện nay. Và cơ quan quản lý thuế chủ yếu thực hiện hoạt động quản lý, kiểm tra giám sát thực hiện. Theo đó, việc in, phát hành, sử dụng và quản lý hóa đơn GTGT được áp dụng đối với doanh nghiệp đủ điều kiện tính thuế theo phương pháp khấu trừ khi: thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ và có đăng ký theo phương pháp khấu trừ thuế. Do vậy, đối tượng in, phát hành, sử dụng và quản lý hóa đơn GTGT tăng nhanh.
Pháp luật về hóa đơn GTGT ở giai đoạn này có nhiều biến động. Các quy định về hóa đơn bùng nổ với nhiều thuật ngữ được luật hóa và thay đổi liên tục nhằm hoàn thiện theo hướng mở về tư duy, quan điểm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sự phát triển kinh tế và góc độ quản lý nhà nước. Mặt khác, cũng khiến nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp gây khó khăn cho các nhà quản lý trong việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn GTGT.
Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2012 và Luật thuế GTGT sửa đổi năm 2013 cùng với những hạn chế của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP kéo theo sự ra
đời của Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 04/2014/NĐ-CP). Nghị định số 04/2014/NĐ- CP, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 và Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 8 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT- BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế để khắc phục những hạn chế, nhược điểm của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn các đối tượng tự in, đặt in hóa đơn của cơ quan thuế. Số lượng đối tượng sử dụng hóa đơn GTGT giảm xuống do quy định về ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế. Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về giá, phí, lệ phí, hóa đơn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 109/2013/NĐ-CP) và Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2014/TT-BTC) với việc cụ thể hóa nhiều hành vi vi phạm và quy định những chế tài nghiêm khắc.
Các văn bản pháp luật về hóa đơn xuất hiện ở nhiều thời điểm có tính kế thừa đã tạo nên hệ thống căn cứ pháp lý quan trọng về hóa đơn nói chung và hóa đơn GTGT nói riêng. Hệ thống các văn bản pháp luật về hóa đơn vẫn đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định nhằm hoàn thiện pháp luật về hóa đơn GTGT để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, quản lý nhà nước trong tương lai.