6. Bố cục của luận án
2.2.3 Phương pháp đánh giá nguồn nước trong các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện
Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trữ nước có nhiệm vụ chính trong việc điều tiết dòng chảy giữa các mùa, trữ nước trong mùa mưa và cấp nước trong mùa khô góp phần cắt giảm lũ, cung cấp nước cho các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế xã hội.
Nguồn nước trữ trong các hồ chứa được xác định là nguồn nước trữ bằng dung tích hiệu dụng thiết kế của hồ chứa (Whi), nguồn nước chuyển từ lưu vực này sang lưu vực khác được xác định bằng lưu lượng chuyển nước thực tế của các công trình từ khi bắt đầu vận hành đến nay.
Dữ liệu dung tích hồ thủy lợi được tổng hợp từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh trong vùng nghiên cứu. Đối với các công trình dự kiến trong tương lai, dung tích được tổng hợp từ danh mục các công trình quy hoạch đã được duyệt theo quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên [42], [58] và dự án “Rà soát Quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Nam Trung bộ”[55].
Dữ liệu dung tích trữ trong các hồ chứa thủy điện được tập hợp từ dữ liệu trong các quyết định phê duyệt quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ chứa trong khu vực, bao gồm quy trình vận hành sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn, sông Sê San, sông Ba, sông Srêpôk và sông Đồng Nai.
Dữ liệu chuyển nước (Wcn) được tổng hợp và thống kê từ quá trình vận hành theo thời gian của các hồ chứa trên website: https://hochuathuydien.evn.com.vn/ và từ http://hothuydien.atmt.gov.vn/ các dữ liệu được download và xử lý đồng bộ về dữ liệu chuỗi theo ngày của từng công trình.
2.2.4 Phương pháp đánh giá nhu cầu nước ở các vùng cho và nhận nước
2.2.4.1 Cơ sở tính toán đánh giá hiện trạng nhu cầu sử dụng nước
Chỉ tiêu cấp nước cho đô thị, sinh hoạt nông thôn và công nghiệp: Theo Tiêu chuẩn “TCXDVN33: 2006 về cấp nước” và Quy chuẩn kỹ thuật “QCVN: 01/2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng".
Mức bảo đảm và chỉ tiêu cấp nước cho trồng trọt: Căn cứ vào tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9168: 2012, quy định về phương pháp tính nhu cầu nước cho nông nghiệp. Trong nghiên cứu này lấy tần suất mô hình mưa tưới thiết kế để tính toán xác định nhu cầu cấp nước
đảm bảo cho hệ thống tưới được quy định là 85% cho tất cả các cấp công trình. Để tính mức tưới của các loại cây trồng sử dụng chương trình CROPWAT của tổ chức Nông nghiệp và lương thực thế giới (FAO). Kết quả đầu ra là nhu cầu tưới cho cây trồng cạn IRR tính bằng mm/ngày và mm/tuần thủy văn.
Cấp nước cho chăn nuôi, thủy sản: Theo “Tiêu chuẩn Quốc Gia TCVN 4454: 2012- Quy hoạch xây dựng nông thôn-Tiêu chuẩn thiết kế”. Ngoài ra đối với các trang trại chăn nuôi gia súc lớn tập trung áp dụng “Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9121: 2012 Trại chăn nuôi gia súc lớn. Nuôi trồng thủy sản chủ yếu là nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loại cá… Được tính theo lượng nước ngọt bổ sung cho 1ha nuôi trồng thuỷ sản nước lợ.
Tiêu chuẩn tính toán dòng chảy tối thiểu: Căn cứ Thông tư 64/2017/TT-BTN&MT quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng, theo khoản 2 điều 4: Dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu hồ chứa được xác định phải nằm trong phạm vi từ lưu lượng tháng nhỏ nhất đến lưu lượng trung bình của 3 tháng nhỏ nhất (m3/s).
2.2.4.2 Dữ liệu các ngành dùng nước chính
Dữ liệu dân cư: Dân số toàn vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên tính đến năm 2020 là 15,6 triệu người, dân số khu vực thành thị chiếm 34%, khu vực nông thôn chiếm 66%. Dữ liệu công nghiệp: Hiện trạng các khu, cụm công nghiệp tập trung toàn vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên khoảng trên 30.000 ha, trong tương lai quỹ đất để phát triển công nghiệp toàn vùng khoảng trên 50.000 ha. Các dữ liệu được thống kê từ hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Dữ liệu ngành trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản: Căn cứ vào hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất cũng như lịch thời vụ, báo cáo diện tích sản xuất hàng năm của các tỉnh, cập nhật đến năm 2020. Đối với chăn nuôi và thuỷ sản dữ liệu được thu thập từ dữ liệu hiện trạng và quy hoạch phát triển của mỗi ngành.