Chỉ số cân nặng:
Mức tăng cân trung bình của trẻ ở các giai đoạn can thiệp là: T0-T5 (0,79 ± 1,02 kg); T0-T9 (1,78 ± 1,22 kg); T9-T15 (0,59 ± 0,4kg) và cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng lần lượt là: T0-T5 (0,40 ± 1,05 kg); T0-T9 (1,32 ± 0,93 kg); T9-T15 (0,55 ± 0,44 kg) với p<0,05 (Bảng 3.11). Nhìn vào số liệu trên dễ dàng nhận thấy rằng, ở giai đoạn can thiệp mức tăng cân của trẻ cao nhất ở giai đoạn T0-T9 và xu hướng tăng cân vẫn tiếp tục tăng duy trì ở giai đoạn T9-T15 tức là sau 6 tháng dừng can thiệp..
Đồng thời, khi xem xét mức tăng Z-score CN/T và mức giảm tỷ lệ SDD ở các giai đoạn can thiệp cũng cho thấy, chỉ số Z-score tăng nhiều nhất
ở ở giai đoạn T0-T9 (0,25 ± 0,87) cao hơn so với nhóm chứng (0,04 ± 0,61) và vẫn tăng duy trì sau 6 tháng dừng can thiệp (T9-T15) mặc dù ở mức tăng thấp hơn (0,07 ± 0,42).
Kết quả trên cho thấy, hiệu quả can thiệp Viaminokid trên chỉ số cân nặng, cũng như chỉ số Z-score là khá rõ ràng trong 9 tháng can thiệp và kéo dài sau 6 tháng dừng can thiệp, điều đó có thể giải thích rằng trẻ SDD thấp còi có tình trạng thiếu dinh dưỡng trường diễn và bổ sung sản phẩm giàu acid amin và vi chất dinh dưỡng (Viaminokid) vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả ngay cả khi đã dừng can thiệp.
Chỉ số chiều cao:
Mức tăng chiều cao trung bình ở các giai đoạn can thiệp lần lượt là: T0- T5 (3,94 ± 2,18 cm); T0-T9 (7,85 ± 2,15 cm); T9-T15 (2,47 ± 0,71 cm) và cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng: T0-T5 (3,42 ± 1,20 cm); T0-T9 (6,94 ± 1,54 cm); T9-T15 (2,36 ± 1,71 cm) với p<0,05 (Bảng 3.11). Nhìn vào kết quả
trên có thể nhận thấy rằng, mức tăng chiều đạt hiệu quả hơn khi thời gian can thiệp kéo dài 9 tháng.
Như vậy, mức tăng chiều cao tích lũy ở nhóm can thiệp cao hơn nhóm chứng 1,22cm sau 6 tháng ngừng can thiệp. Có thể giải thích, sau can thiệp tình trạng dinh dưỡng của trẻ tốt hơn, tăng khả năng miễn dịch với các bệnh nhiễm khuẩn vì vậy có hiệu quả gián tiếp đến sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hà (2010) và cộng sự khi bổ sung kẽm và đa vi chất cho trẻ 6-36 tháng tuổi tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh trong thời gian 6 tháng cũng cho kết quả tương tự [101].
Tương tự, có sự thay đổi rõ rệt về mức tăng chỉ số Z-score CC/T và mức giảm tỷ lệ SDD thấp còi ở các giai đoạn can thiệp. Kết quả chỉ ra rằng, chỉ số Z-score tăng cao nhất ở giai đoạn T0-T9 (0,18 ± 0,93), thấp hơn ở giai đoạn T9- T15 (0,08 ± 0,55) và thấp nhất ở giai đoạn T0-T5 (0,05 ± 0,83) (Bảng 3.12). Điều đó gợi ý rằng, can thiệp bổ sung acid amin và vi chất dinh dưỡng cần khoảng thời gian đủ dài để phát huy tác dụng của vi chất dinh dưỡng, bởi lẽ vốn dĩ trẻ SDD thấp còi có tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Bên cạnh đó, một số vitamin và vi chất dinh dưỡng không được dự trữ trong cơ thể kết hợp với khẩu phần ăn của trẻ chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết nên sau khi dừng can thiệp tác dụng duy trì của việc bổ sung có xu hướng giảm.
Tỷ lệ trẻ bị SDD thấp còi đã giảm một cách rõ rệt qua các giai đoạn can thiệp. Biểu đồ 3.4 cho thấy, từ 100% số trẻ bị thấp còi trong nghiên cứu, sau 9 tháng can thiệp tỷ lệ này đã giảm xuống còn 60% và sau 6 tháng dừng can thiệp số trẻ bị thấp còi đã giảm được một nửa (50%). Như vậy, cải thiện tỷ lệ SDD thấp còi cho trẻ tại địa bàn nghiên cứu nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn bằng bổ sung Viaminokid là kết quả đáng ghi nhận trong nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu tương tự, theo dõi trong thời gian dài hơn để đánh giá một cách cụ thể về hiệu quả bổ sung sản phẩm giàu
acid amin và vi chất dinh dưỡng (Viaminokid) trong việc cải thiện tình trạng tăng trưởng ở trẻ SDD thấp còi.