hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
Để đảm bảo tính khách quan và tránh lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá Điều 6 PLAD quy định như sau:
Biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam khi có hai điều kiện sau đây: (i) Hàng hóa bị bán phá giá vào Việt Nam và biện độ bán phá giá phải được xác định cụ thể; và (ii) Việc bán phá giá trên là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước [31, Điều 6].
Điều kiện thứ nhất, hàng hóa bị bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá được xác định cụ thể đã được phân tích ở mục 2.2.2.
Điều kiện thứ hai, việc bán phá giá trên là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Có nghĩa là cho dù có hành động bán phá giá xảy ra nhưng không gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc có thiệt hại xảy ra
nhưng nguyên nhân của thiệt hại đó lại không phải do hành động bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa thì cũng không thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Theo khoản 7 và khoản 8 Điều 2 PLAD thì thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước được hiểu là:
Tình trạng suy giảm đáng kể hoặc kìm hãm tăng trưởng về sản lượng, mức giá, mức tiêu thụ hàng hóa, lợi nhuận, tốc độ phát triển sản xuất, việc làm của người lao động, đầu tư và các chỉ tiêu khác của ngành sản xuất trong nước hoặc là tình trạng dẫn đến khó khăn cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước; hoặc là khả năng trước mắt, rõ ràng và chứng minh được sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước [31].
Để xác định chính xác thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước còn phải dựa trên cơ sở xem xét các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 12 của PLAD, bao gồm:
a) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam so với khối lượng, số lượng hoặc giá trị hàng hóa tương tự được sản xuất hoặc tiêu thụ trong nước đã, đang hoặc sẽ tăng lên đáng kể một cách tuyệt đối hoặc tương đối;
b) Tác động về giá của hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đến việc phải hạ giá hoặc kìm hãm khả năng tăng giá hợp lý của hàng hóa tương tự trong nước;
c) Tác động xấu đến ngành sản xuất trong nước hoặc đến sự hình thành ngành sản xuất trong nước [31, Điều 12, Khoản 2]. Nếu so sánh với các điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá của ADA ta thấy. ADA đưa ra ba điều kiện như sau: (i) hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá; (ii) ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị
thiệt hại đáng kể; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại.
Như vậy, PLAD không tách có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại là một điều kiện áp dụng biện pháp
chống bán phá giá mà mà thực chất điều kiện có mối quan hệ nhân quả này đã nằm trong điều kiện thứ hai là việc bán phá giá đã được xác định ở điều kiện thứ nhất là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Nguyên nhân ở đây chính là mối quan hệ nhân quả giữa hành động bán
phá giá với thiệt hại (đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra) đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Bên cạnh việc quy định điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá, PLAD còn quy định rất rõ ràng và chi tiết việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 5 PLAD như sau [31]:
Thứ nhất, biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần
thiết hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá như “một con dao hai lưỡi” bên cạnh mục đích đạt được là áp dụng biện pháp chống bán phá giá, có thể sẽ làm cho mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với quốc gia có nhà sản xuất/ nhà xuất khẩu bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá trở nên căng thẳng. Nếu chuyện này xảy ra có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, trong quá trình xử lý vụ việc bán phá giá, phải tùy theo tính chất và mức độ thiệt hại mà áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính xác, thích hợp để có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế được những thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Thứ hai, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chỉ được thực hiện
khi đã tiến hành điều tra và phải dựa trên các kết luận điều tra được quy định tại chương II của Pháp lệnh này.
Nguyên tắc này buộc cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chống bán phá giá không thể tùy tiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với bất kỳ hàng hóa của tổ chức, cá nhân nào nhập khẩu vào Việt Nam. Chỉ sau khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra và ra kết luận đủ điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá thì mới được áp dụng biện pháp
chống bán phá giá, tuy nhiên việc áp dụng cũng chỉ được ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Thứ ba, biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng trực tiếp đối với
hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam theo quy định của Pháp lệnh này.
Nếu xác định sai đối tượng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá thì sẽ rất nguy hại, không những không bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích thương mại của đất nước mà còn có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với nước hoặc lãnh thổ xuất khẩu hàng
hóa. Do đó, biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng trực tiếp đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam.
Thứ tư, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá không được gây thiệt
hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.
Dưới góc độ pháp lý, bán phá giá là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây hại cho lợi ích thương mại đất nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng, nên pháp luật các nước đều cấm bán phá giá dưới mọi hình thức, kể cả là bán phá giá đối với hàng hóa được sản xuất trong nước lẫn hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Song song với đó là quy định các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi bán phá giá. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp chế
tài như thế nào thì trong mọi trường hợp cũng không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế-xã hội trong nước.
Các nguyên tắc trên đây là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, có tính chất bắt buộc, đòi hỏi phải tuân thủ triệt để xuyên suốt toàn bộ quy trình điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá của cơ quan có thẩm quyền nhằm cân bằng lợi ích của người tiêu dùng, của nhà nước và lợi ích của ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước.