Khái niệm và vai trò của pháp luật chống bán phá giá

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Những vấn đề pháp lý về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (Trang 27 - 31)

Khi có hiện tượng bán phá giá xảy ra, chống hay không chống hiện tượng đó và nếu chống thì chống đến mức độ nào, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của mỗi nhà nước đối với mỗi trường hợp cụ thể. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này và đề việc chống bán phá giá được diễn ra đúng theo quy định của pháp luật nên các quốc gia đã ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Tổng hợp các văn bản pháp luật đó tạo

thành hệ thống pháp luật chống bán phá giá. Nói cách khác, pháp luật chống bán phá giá là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình áp dụng các biện pháp chống bán phá giá từ việc xác định hàng hóa bị bán phá giá, điều kiện và nguyên tắc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, các biện pháp chống bán phá giá cho đến các thủ tục điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá và các quan hệ xã hội khác có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

pháp luật thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa cạnh trong trong nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, góp phần chống lại sản phẩm nhập khẩu với giá rẻ, đồng thời còn là một vũ khí tự vệ, trấn an các nhà sản xuất trong nước.

Trước hết, pháp luật chống bán phá giá là công cụ chống lại hành vi

cạnh tranh không lành mạnh nhằm duy trì một nền thương mại công bằng bình đẳng.

Cạnh tranh là quy luật tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau để chiếm lĩnh thị trường, khách hàng nhằm thu được lợi nhuận cao nhất, mà lợi nhuận lại chính là mục tiêu, là động lực và là phương tiện tồn tại của họ. Mục đích tối đa hóa lợi nhuận đã tạo ra sức ép buộc họ phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình như vốn, nhân công, công nghệ,… Cũng chính mục đích này đã khuyến khích, thúc đẩy họ phải nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm giảm thiểu được tối đa các chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm để có thể đưa các sản phẩm của họ ra thị trường một cách nhanh nhất, rẻ nhất, đẹp nhất và tốt nhất cũng như đáp ứng được đầy đủ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Như vậy, dưới tác động của quy luật cạnh tranh cho phép nhà sản xuất có được những nguyên liệu, nhân công đầu vào đáp ứng đúng yêu cầu của sản xuất với giá cạnh tranh và hợp lý; có được những trang thiết bị, công nghệ tiên tiến; người tiêu dùng được hưởng những sản phẩm tốt nhất với giá thấp rẻ nhất qua đó nâng cao đời sống của mình và qua đó nền sản xuất trong xã hội được phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Dưới góc độ kinh tế này, rõ ràng bán phá giá không phải bao giờ cũng gây ra những tác động tiêu cực và cần phải ngăn cấm, nhưng WTO lại cho phép các quốc gia ngăn cấm điều này vì cho rằng bán phá giá là

một hành động cạnh tranh không lành mạnh, bóp méo hoạt động thương mại bình thường, gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước và xâm hại đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều ban hành pháp luật chống bán phá giá nhằm mục đích duy trì và bảo vệ một nền thương mại công bằng và bình đẳng.

Thứ hai, pháp luật chống bán phá giá góp phần bảo vệ ngành sản xuất

hàng hóa cạnh tranh ở trong nước.

Các sản phẩm nhập khẩu được bán phá giá có thể gây thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí có thể bóp chết ngành sản xuất các sản phẩm cạnh tranh ở trong nước, do đó tiến hành việc chống bán phá giá là một biện pháp quan trọng để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Trước đây chỉ có rất ít quốc gia sử dụng luật chống bán phá giá, đó là Mỹ và EU. Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 1980, rất nhiều nước mà đặc biệt là các nước đang phát triển ở châu á và châu Mỹ Latinh đã tăng cường ban hành và sử dụng luật chống bán phá giá của mình. Trước đó các nước này thường dùng thuế quan cao để bảo vệ sản xuất trong nước, chống lại việc bán phá giá. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán của vòng Urugoay đã dẫn đến việc giảm mạnh các mức thuế quan, do đó một số nước bắt đầu quay sang sử dụng luật thuế chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước. Hơn nữa, các nhân tố kinh tế, ví dụ như các cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực và sự cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ đã khiến cho các nước tăng cường áp dụng các biện pháp chống bán phá giá để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ ba, pháp luật chống bán phá giá góp phần bảo vệ lợi ích chính

đáng của người tiêu dùng.

Mục đích của việc ban hành pháp luật chống bán phá giá và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá không chỉ nhằm chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất hàng hóa cạnh tranh

trong nước mà còn nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng khi có hiện tượng bán phá giá xảy ra. Bởi lẽ, nếu mục đích của hành động bán phá giá là nhằm thôn tính và chiếm đoạt thị trường thì trong ngắn hạn, người tiêu dùng sẽ được lợi vì mua được hàng hóa nhập ngoại với giá rẻ. Tuy nhiên, sau khi "nuốt chửng" các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp bán phá giá sẽ tăng giá để thu lợi nhuận độc quyền. Trong bối cảnh đó, nếu không có pháp luật chống bán phá giá để kịp thời ngăn chặn hành động bán phá giá đang diễn ra bằng việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá thì người tiêu dùng sẽ là người chịu thiệt hại lớn nhất. Điều này sẽ làm giảm lợi ích của toàn bộ xã hội của nước nhập khẩu.

Thứ tư, pháp luật chống bán phá giá còn là một vũ khí tự vệ, trấn an các

nhà sản xuất hàng hóa cạnh tranh trong nước.

Dưới góc độ pháp lý, bán phá giá bị coi là một trong những hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Để bảo vệ các ngành sản xuất hàng hóa cạnh tranh trong nước, các quốc gia có quyền áp dụng các biện pháp chống lại hành động bán phá giá nhằm tạo lập và duy trì thế cân bằng trong cạnh tranh. Các biện pháp chống bán phá giá như vậy nhằm tài lập một sân chơi bình đẳng trong cạnh tranh, đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng rõ ràng đây là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa cạnh tranh trong nước như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá thì lại dường như đi ngược lại với tự do hóa thương mại vì các biện pháp chống bán phá giá cũng là một loại van an toàn cho chính sách tự do mậu dịch. Càng mở rộng cửa cho bên ngoài vào bao nhiêu thì càng phải nằm chắc cái vòi khóa để đóng van (đóng cửa) ngay lại được nếu cần bấy nhiêu. Càng chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế bao nhiêu thì càng phải có những thứ vũ khí tự vệ để phòng thủ và trước mắt là để trấn an các ngành sản xuất hàng hóa cạnh tranh bấy nhiêu, Cái vòi khóa để đóng van và vũ khí tự vệ để phòng thủ và trấn an đó chính là pháp luật chống bán phá giá.

Với vai trò rất quan trọng như đã phân tích ở trên, cho đến tháng 10 năm 2002, trên thế giới đã có 85 quốc gia ban hành văn bản pháp luật chống bán phá giá dưới cấp độ khác nhau như luật, pháp lệnh, nghị định hoặc thông tư liên tịch [33, tr.8, 9]. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như quan điểm và kỹ thuật lập pháp nên có quốc gia ban hành các quy phạm pháp luật chống bán phá giá trong một văn bản pháp luật riêng nhưng cũng có quốc gia ban hành các quy phạm về chống bán pháp giá vào trong Luật cạnh tranh hoặc Luật thuế hoặc Luật hải quan. Điều đó cho thấy rằng pháp luật chống bán phá giá là một bộ phận rất quan trọng của hệ thống pháp luật thương mại, có liên quan mật thiết tới lĩnh vực pháp luật cạnh tranh, pháp luật thuế.

Trong khuôn khổ luận văn này, tác giả chưa có điều kiện đi sâu vào phân tích và tìm hiểu các điều kiện chi phối cũng như quan điểm, kỹ thuật lập pháp trong việc xây dựng pháp luật chống bán phá giá của các quốc gia đó mà tiếp đến tác giả chỉ đi vào tìm hiểu một số nội dung cơ bản của Hiệp định chống bán phá giá WTO và pháp luật chống bán phá giá của một nước trên thế giới để làm cơ sở cho việc so sánh, đối chiếu với các nội dung cơ bản của pháp luật chống bán phá giá ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Những vấn đề pháp lý về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (Trang 27 - 31)