Bạo lực giữa vợ và chồng thể hiện sự phân biệt đối xử về giới

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 30 - 37)

6. Kết cấu của luận văn

1.2.3. Bạo lực giữa vợ và chồng thể hiện sự phân biệt đối xử về giới

Theo khoản 5 Điều 5 Luật BĐG thì “phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Hay nói cách khác, phân biệt đối xử về giới là việc nam hay nữ bị đối xử khác nhau (bị hạn chế hoặc bị loại trừ) trong nhiều lĩnh vực xã hội, gia đình do các định kiến giới, làm hạn chế việc phát huy tiềm năng và hưởng thụ một cách đầy đủ các quyền con người của họ.

Trong quan hệ gia đình, bạo lực giữa vợ và chồng là cách thể hiện vai trò giới đã ăn sâu vào tư tưởng của nam và nữ, được hun đúc bởi quyền lực hết sức không cân bằng giữa nam và nữ trong gia đình. Do vậy, mỗi hình thức bạo lực đều thể hiện sự phân biệt đối xử về giới.

Bạo lực về thể chất là hành vi ngược đãi, đánh đập, xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của đối phương. Hình thức bạo lực này dễ nhận biết bởi hành vi và hậu quả thường hay bộc lộ ra bên ngoài với các hành động như: đánh đập, ngược đãi, hành hạ về mặt thể xác… khiến nạn nhân đau đớn, tật nguyền hoặc có thể tử vong; đồng thời nó còn để lại những tổn thương về mặt tinh thần đối với các nạn nhân.

Bạo lực thể chất giữa vợ và chồng xâm phạm quyền tự do thân thể, quyền được tôn trọng tính mạng, sức khoẻ của vợ, chồng. Trong quan hệ vợ chồng, hình thức bạo lực này thường do người chồng thực hiện. Nói cách khác,

nạn nhân chính của hình thức bạo lực về thể chất là những người vợ trong gia đình. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Việt Nam năm 2005 tại 13 tỉnh và thành phố về BLGĐ với 4175 người (trong đó 53,3% là phụ nữ) cho thấy: gần 6% phụ nữ trả lời họ đã bị chồng đánh, trong khi đó chỉ có 0,5% phụ nữ thừa nhận họ đã từng đánh chồng; số nam giới được phỏng vấn trả lời đã từng đánh vợ là 4,6% và 0,7% thú nhận họ đã từng bị vợ đánh [14].

Điều này xuất phát từ tư tưởng “chồng chúa vợ tôi” và ưu thế về sức mạnh thể chất của người chồng. Người vợ với thể lực hạn chế cùng tâm lý nhẫn nhịn nên thường gánh chịu hậu quả của bạo lực do chính chồng mình gây ra. Có trường hợp, người vợ phản ứng lại một cách yếu ớt như bỏ trốn, im lặng…; cá biệt có người phụ nữ phản ứng bằng cách đánh trả - đây thông thường là những hành động tự vệ và chúng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho người chồng mặc dù trên thực tế chúng chiếm một tỷ lệ không lớn (trong các vụ bạo lực do người vợ thực hiện). Những vụ việc được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như vợ đánh chồng gây thương tích, vợ giết chồng vì uất ức tột cùng… là minh chứng cho những hậu quả nghiêm trọng mà người vợ có thể gây ra khi phản ứng lại hành vi bạo lực từ phía chồng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Năng (48 tuổi, TP.HCM) và ông Nguyễn Văn Tôi là vợ chồng, có bốn người con. Năm 2006, do nghi ngờ bà Năng có tình cảm với người đàn ông khác nên cuộc sống vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Ông Tôi thường xuyên uống rượu say và tìm cách gây gổ đánh đập vợ. Tối 23/12/2010, sau khi uống rượu, ông Nguyễn Văn Tôi lại chửi mắng vợ. Thấy chồng đã say, bà Năng bỏ ra sau nhà ngồi nói chuyện với chị N, là người thuê phòng trọ của nhà của vợ chồng bà. Lúc này, nghe chị N. nói có người thân đang nằm viện nhưng không biết đường đến thăm, bị cáo Năng liền nhận lời chở người này đi. Khoảng 21 giờ cùng ngày, Năng vào nhà dắt xe máy để chở chị N. đến bệnh viện thì ông Tôi không đồng ý nên lấy dao

đâm thủng lốp xe máy sau đó vác xà beng chặn trước cửa dọa đánh vợ. Ấm ức vì liên tiếp bị chồng bạo hành, bà Năng gọi các con về để nói chuyện ly hôn. Tức giận, ông Tôi dùng ghế đánh vào đầu bà Năng, quá bức xúc, bà Năng chụp con dao, đâm nhiều nhát làm ông Tôi chết ngay [45].

Năm 2007, Huỳnh Thị Chuyện (35 tuổi, TP HCM), chung sống như vợ chồng với D (có vợ và 2 con, đã ly hôn). Ban ngày Chuyện bán hủ tiếu, tối đến đi lượm ve chai kiếm thêm nhưng cuộc sống vẫn chật vật do D. thường xuyên nhậu nhẹt, thiếu nợ tiền nhậu dẫn đến vợ chồng mâu thuẫn. D. hay đánh, chửi Chuyện và từng đạp vào bụng làm Chuyện hư thai. Tối 09/5/2011, D. ngồi uống rượu trước cửa nhà với người cháu họ thì Chuyện cằn nhằn việc ngày nào D. cũng nhậu nhẹt. Thấy vậy, người cháu họ đứng dậy bỏ về. Sau đó, D. tiếp tục ngồi uống rượu, chửi bới và đánh Chuyện. Đến rạng sáng hôm sau, khi Chuyện đang nấu hủ tiếu bán thì cả hai lại cãi nhau. D. lấy máy cắt gạch cắm điện, cắt vào người Chuyện gây rách da chảy máu. Chuyện vùng vẫy, thoát được ra ngoài gọi điện thoại cho em ruột cầu cứu. Sau đó, Chuyện quay lại nhà, định dọn đồ đạc và đẩy xe hủ tiếu đi bán thì D. lấy dao đe dọa đâm. Thấy em của Chuyện đến, D. buông dao ngồi phịch xuống đất. Lúc này, do tức giận, Chuyện lấy dao đâm một nhát làm D. tử vong [46].

Ở hình thức bạo lực về thể chất, sự phân biệt đối xử về giới giữa vợ và chồng được thể hiện trước hết là do quan niệm của mỗi bên. Do ảnh hưởng của tư tưởng “gia trưởng” nên người chồng tự cho mình quyền “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ. Trong khi đó, người vợ do ảnh hưởng của thuyết “tam tòng” cùng tính cam chịu, hy sinh nên đã trở thành nạn nhân thường xuyên của hành vi bạo lực từ phía người chồng. Dù bạo lực thể chất xảy ra đối với người vợ hay người chồng thì cũng đều thể hiện sự bất BĐG, bởi quyền an toàn về thân thể, quyền được tôn trọng về tính mạng, sức khỏe là quyền bình đẳng của cả nam và nữ, không phân biệt giới

tính, địa vị trong gia đình hay xã hội. Vì vậy, xoá bỏ bạo lực về thể chất nói riêng và bạo lực giữa vợ và chồng nói chung là nhằm thực hiện mục tiêu BĐG thực chất giữa vợ và chồng.

Bạo lực về tinh thần gồm các hành vi như: lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đe doạ, bỏ rơi, không quan tâm… Bạo lực về tinh thần giữa vợ và chồng còn bao gồm cả việc cản trở quyền học tập, quyền tham gia các hoạt động xã hội của vợ, chồng. Vì vậy, cản trở sự tiến bộ của vợ chồng, hạn chế khả năng phát triển của mỗi bên, thể hiện sự phân biệt đối xử về giới.

Bạo lực tinh thần tuy không để lại những vết thương trên thân thể nhưng những ảnh hưởng, thiệt hại của nó đối với tâm hồn nạn nhân là rất lớn. Nạn nhân bị bạo lực về tinh thần thường mang cảm giác lo âu, sợ hãi, bất an, tủi nhục, u uất, trầm cảm… Những hậu quả đó ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng tới cuộc sống của nạn nhân. Trước đây, do chưa nhận thức được hậu quả do những hành vi này gây ra nên đa số người dân không thừa nhận chúng là biểu hiện của một hình thức bạo lực. Trong nhiều gia đình, kể cả những gia đình trí thức, hành vi bạo lực về tinh thần xảy ra khá phổ biến ở cả hai phía vợ và chồng với những lý do, mức độ khác nhau. Đối với người chồng, do tâm lý không thoả mãn nên thường trách móc, chì chiết vợ mình. Một số người chồng có hành vi bạo lực tinh thần qua việc ngoại tình hoặc bỏ mặc vợ tự xoay sở việc gia đình… Trong khi đó, người vợ thể hiện bạo lực tinh thần bằng việc thường xuyên cằn nhằn, ghen tuông vô cớ, đay nghiến những sai lầm của chồng. Nhiều trường hợp, do chồng có hành vi bạo lực về tinh thần hoặc kinh tế, người vợ chọn cách đáp trả bằng bạo lực về tinh thần và kết quả là người chồng không chịu đựng được nên đã sử dụng sức mạnh thể chất… Cứ như thế, một vòng luẩn quẩn các hành vi bạo lực giữa vợ và chồng xảy ra mà hậu quả thuộc về những người trong cuộc. Từ kết quả của một số cuộc khảo sát, ta có thể thấy hình thức bạo lực về tinh thần xảy ra tương đối phổ biến ở các gia đình:

“Theo kết quả khảo sát do Công ty Tâm lý Hồn Việt thực hiện đối với 702 khách hàng đến Hồn Việt trong 6 tháng đầu năm 2007 cho thấy: 75,1% phụ nữ được hỏi cho rằng đã bị bạo lực tại gia đình họ, trong đó có 80,6% là bạo lực về tinh thần” [11].

“Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, chuyên viên tại Viện Chiến lược và Chính sách y tế: ở Việt Nam trong số phụ nữ bị BLGĐ thì có đến 80% là bị bạo lực về tinh thần” [11].

Kết quả hoạt động của dự án “Cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” (từ tháng 3/2003 đến tháng 5/2008 tại Hà Nội) cũng cho thấy: 80,32% các vụ bạo lực có hình thức bạo lực tinh thần… [31].

Hình thức bạo lực về tinh thần thể hiện sự thiếu tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín, thể diện giữa vợ và chồng; hạn chế khả năng phát triển, tiến bộ, sự cống hiến cho gia đình, xã hội của mỗi bên vợ, chồng; xâm phạm những quyền nhân thân cơ bản của con người. Những quyền này là hoàn toàn bình đẳng giữa mỗi cá nhân và đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình… Vì vậy, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền học tập, quyền tham gia các hoạt động xã hội của người khác là nghĩa vụ của mỗi người mà không loại trừ những người có quan hệ gia đình, trong đó có quan hệ vợ chồng, để đảm bảo quyền con người và sự bình đẳng giới cho tất cả mọi người. Điều đó cũng có nghĩa, khi có hành vi bạo lực về tinh thần giữa vợ, chồng chính là biểu hiện của sự phân biệt đối xử về giới trong gia đình.

Bạo lực về tình dục trong quan hệ vợ chồng là dùng sức mạnh thể lực để ép quan hệ tình dục ngoài ý muốn, đe doạ sẽ có điều xấu xảy ra nếu không quan hệ tình dục, ép phải làm những việc có liên quan đến tình dục, kể cả việc cưỡng ép phải mang thai, sinh con.

công khai nhưng nhìn chung cả đạo đức và pháp luật đều khó có thể can thiệp [29, tr.29]. Nó là một dạng đặc biệt trong quan hệ giới tại gia đình, xâm phạm đến quyền được tôn trọng về thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người, thể hiện sự phân biệt đối xử về giới giữa vợ và chồng, cụ thể:

- Bạo lực tình dục xâm phạm quyền được tự do lựa chọn và thực hiện các hành vi tình dục phù hợp với trạng thái tâm lý, tình cảm, sức khỏe của mỗi bên vợ, chồng; thể hiện sự không thông cảm, chia sẻ với nhau trong quan hệ tình dục giữa vợ và chồng. Nạn nhận của hình thức bạo lực tình dục buộc phải thực hiện các hành vi tình dục mà mình không muốn (xem phim sex, sử dụng dụng cụ sex, thực hiện tư thế quan hệ…) hoặc ngay cả khi sức khỏe không đảm bảo (đang bị ốm, lao động cực nhọc, trong thời kỳ kinh nguyệt, vừa mới sinh con, bị sảy thai…), bị ép buộc mang thai, ép buộc sinh con trai…

-Cả vợ hoặc chồng đều có thể là chủ thể hoặc là nạn nhận của hành vi bạo lực tình dục. Trên thực tế, thông thường nạn nhân của hình thức bạo lực tình dục là người vợ với các hành vi từ người chồng. Nguyên nhân là do những ảnh hưởng của tư tưởng cũ, người chồng luôn áp đặt ý chí của vợ trong mọi vấn đề, bao gồm cả quan hệ tình dục. Người vợ với tư tưởng “tòng phu” và quan niệm chuyện “phòng the” nên không dám thừa nhận và chống lại hình thức bạo lực này.

Bạo lực về kinh tếlà việc cưỡng đoạt tài sản, đánh đập vì lý do tài sản; khống chế, hạn chế quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản; cưỡng ép lao động quá sức, cưỡng ép đóng góp tài chính quá khả năng của một người, kiểm soát thu nhập.

Bạo lực về kinh tế trong quan hệ vợ chồng xâm phạm đến quyền bình đẳng về sở hữu tài sản giữa vợ và chồng. Trong quan hệ giữa vợ và chồng, các biểu hiện của hành vi bạo lực về kinh tế không dễ dàng được nhận biết vì nó thường trùng với những hoạt động tổ chức đời sống sinh hoạt gia đình. Cụ thể như sau:

-Một bên vợ hoặc chồng (thông thường là chủ hộ -người chồng) kiểm soát toàn bộ nguồn tài chính của gia đình bằng cách một mình đứng tên trong các giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản có giá trị lớn của gia đình như sổ đỏ, sổ tiết kiệm…

- Một bên vợ hoặc chồng kiểm soát quá đáng các nguồn tài chính và việc chi tiêu trong gia đình. Trong nhiều trường hợp, người vợ thường có hành vi kiểm soát thu nhập của người chồng, đòi hỏi chồng đóng góp khoản tiền vượt quá mức thu nhập; ngược lại, có những ông chồng yêu cầu vợ ghi chép từng khoản chi tiêu, kể cả chi thường xuyên cho ăn uống hằng ngày và chửi mắng vợ là tiêu hoang phí.

-Một bên vợ hoặc chồng quyết định một cách độc đoán các vấn đề liên quan đến tài chính gia đình như mua bán tài sản, vật dụng, các mức đóng góp đối với họ hàng, hiếu hỉ… mà không cho bên kia tham gia bàn bạc, quyết định. Đặc biệt là quyết định đối với những tài sản có giá trị lớn, tài sản quan trọng trong gia đình như đất đai, nhà cửa… mà không có sự bàn bạc của cả vợ và chồng.

- Một bên, chủ yếu là người chồng, ép buộc bên kia lao động quá sức bằng cách bỏ mặc công việc nhà, chăm sóc con cái… Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng bởi tính chất bảo thủ của sự phân công lao động truyền thống theo giới ở các mức độ khác nhau trong một bộ phận gia đình Việt Nam nên thời gian làm việc của phụ nữ thường dài hơn nam giới. Các kết quả thống kê cho thấy, trung bình thời gian làm việc một ngày của phụ nữ là 13 giờ, trong khi của nam giới là khoảng 9 giờ. Sự chênh lệch này chủ yếu do phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái... ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới. Những công việc của vợ và chồng thể hiện sự phân công lao động nhằm ổn định cuộc sống gia đình. Nhưng, nếu sự phân công không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người thì đó lại là biểu hiện sự thiếu bình đẳng trong cách nhìn nhận, đánh giá và cư xử giữa vợ và chồng tại gia đình.

Qua sự phân tích trên có thể thấy các hình thức bạo lực khác nhau giữa vợ và chồng đã xâm phạm đến các quyền cơ bản của vợ chồng được pháp luật công nhận và bảo vệ. Các hành vi bạo lực giữa vợ chồng đã cản trở việc vợ - chồng thực hiện các quyền chính đáng của mình trong gia đình cũng như trong xã hội, hạn chế khả năng thụ hưởng các quyền, lợi ích chính đáng của vợ -chồng, gây ra bất bình đẳng giới.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Pháp luật về bình đẳng giới và vấn đề phòng chống bạo lực giữa vợ chồng qua thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng (Trang 30 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)