6. Kết cấu của luận văn
2.1.4. Bạo lực kinh tế
Bạo lực kinh tế là hành vi chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng tiền, giấy tờ có giá và các tài sản khác là tài sản riêng hoặc tài sản chung của vợ chồng; cản trở vợ hoặc chồng thực hiện quyền hợp pháp của chủ sở hữu đối với tài sản; hoặc cưỡng ép vợ hoặc chồng lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng; kiểm soát thu nhập nhằm tạo tình trạng phụ thuộc về tài chính.
Để đảm bảo BĐG trong gia đình về kinh tế, Khoản 2 Điều 18 Luật BĐG quy định: “vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình”. Luật HN&GĐ 2000 cũng công nhận quyền bình đẳng giữa vợ, chồng trong quan hệ tài sản: “vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung” (Điều 28) và “vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình” (Điều 33). Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền sở hữu đối với tài sản chung và đồng thời có quyền sở hữu đối với tài sản riêng. Tài sản là nguồn lực kinh tế trong đời sống vợ chồng và “theo quan điểm giới, nguồn lực là những thứ mà con người cần để thực hiện có hiệu quả một hoạt động nào đó” [12, tr.52]. Việc công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng tạo điều kiện tiên quyết để xác lập quyền bình đẳng về kinh tế giữa vợ và chồng trong thực tiễn; là cơ sở để phụ
nữ có thể tiếp cận và kiểm soát nguồn lực, trên cơ sở đó tham gia và quyết định vấn đề kinh tế, tài chính của gia đình. Vì thế, hành vi chiếm đoạt, hủy hoại tài sản hoặc cản trở vợ, chồng thực hiện quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản riêng hoặc tài sản chung là hành vi vi phạm pháp luật về BĐG trong gia đình được quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật BĐG.
Ngoài ra, trong cuộc sống chung của vợ chồng, do sự gắn bó mật thiết về tình cảm, sự cùng chung công sức, ý chí để tạo dựng tài sản chung, xây dựng đời sống chung nên không có sự phân biệt đóng góp của mỗi bên vợ, chồng đối với tài sản chung. Do đó mà việc một bên vợ hoặc chồng có thu nhập cao hơn buộc người kia phải đóng góp tài chính cho gia đình bằng với mức đóng góp của mình; hoặc vì mình đóng góp tài chính cho gia đình nhiều hơn nên mặc nhiên cho rằng công việc nội trợ, gia đình là của vợ hoặc chồng; coi lao động gia đình là lao động không có thu nhập, việc vợ ở nhà làm công việc nội trợ, chăm sóc con cái là ăn bám... cũng là những hành vi thể hiện sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa vợ và chồng.
Sau đây là trường hợp mà một cán bộ Hội phụ nữ cơ sở đã nêu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU, ngày 20/10/2009 của Thành ủy Đà Nẵng về phòng, chống BLGĐ trên địa bàn thành phố:
Anh T.Đ.P (quê Quảng Nam) là kỹ sư phần mềm máy tính có mức thu nhập khá cao, vợ anh là người Đà Nẵng, hiện hai vợ chồng thường trú Hải Châu 1, Hải Châu, Đà Nẵng. Là con gái một gia đình giàu có nên khi lấy anh, chị được cha mẹ cho rất nhiều tài sản. Mặc dù vậy, anh thường xuyên bị vợ kiểm soát tài chính chặt chẽ, các khoản lương, thưởng hàng tháng của anh đều phải giao nộp đầy đủ cho vợ, mỗi sáng vợ anh chỉ đưa đủ tiền để anh ăn sáng, uống cafe, xăng xe đến cơ quan. Vợ anh lại còn thường xuyên đay nghiến, miệt thị anh và tự quyền quyết định mọi vấn đề về tài chính trong gia đình. Anh ngày càng trở nên mặc cảm, tự ti và đã bị stress rất nặng phải điều trị.
Hành vi kiểm soát chặt chẽ tài chính của chồng, coi thường vai trò của chồng trong gia đình, tự quyền quyết định các vấn đề trong gia đình mà không hỏi ý kiến của chồng của vợ anh P đã vi phạm nguyên tắc vợ chồng bình đẳng mà BLDS 2005, Luật HN&GĐ 2000 quy định, vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình được quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật BĐG: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình”.
Hay như trường hợp chị Phạm Thị Ngọc Lan, tổ 35, Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng: sau một lần đánh chị khiến chị phải vào viện cấp cứu và khâu 12 mũi, chồng chị không đánh đập chị nữa mà chuyển sang đập phá đồ đạc trong gia đình [5, tr.29].
Hành vi đập phá đồ đạc trong gia đình của chồng chị Lan là một trong các hành vi bạo lực về kinh tế được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Luật PCBLGĐ. Theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật hôn nhân và gia đình, tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân do công sức của hai vợ chồng cùng tạo dựng nên là tài sản chung vợ chồng. Vợ chồng có quyền bình đẳng như nhau trong việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng, định đoạt. Hành vi của chồng chị Lan đã xâm phạm quyền sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ, thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật BĐG.
Qua phân tích những ví dụ cụ thể đã chứng minh mọi hành vi bạo lực giữa vợ và chồng, dù dưới bất cứ hình thức nào cũng đều thể hiện sự bất BĐG trong quan hệ vợ chồng và vi phạm pháp luật về BĐG trong gia đình.