Triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn huyết ở sơ sinh đủ tháng

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị nhiễm khuẩn huyết sơ sinh đủ tháng tại Bệnh viện Nhi Trung ương (2019 - 2021) (Trang 110 - 113)

Thời điểm khởi phát triệu chứng nhiễm khuẩn của trẻ

Tỷ lệ nhiễm khuẩn khởi phát sớm trong nghiên cứu của chúng tôi là 61,2% cao hơn nhóm khởi phát muộn là 38,2%.Tuy nhiên, thời điểm ghi nhận nhiễm khuẩn của trẻ đều là hồi cứu qua hỏi bệnh hoặc lấy thông tin từ bệnh án của tuyến trước nên chủ yếu có ý nghĩa tham khảo trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Tại Việt Nam, Hà Đức Dũng nghiên cứu trên nhóm trẻ NKH tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy tỷ lệ trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn sớm chiếm 57,8%, nhiễm khuẩn muộn chiếm 42,2% [52]. Báo cáo tại Nigeria cũng cho thấy tỷ lệ NKH khởi phát sớm (77,8%) cao gấp 3 lần tỷ lệ NKH khởi phát muộn (22,2%) [93]. Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới, xu hướng NKH sơ sinh sớm ngày càng giảm và tỷ lệ NKH muộn ngày càng tăng. Agnes van den Hoogen theo dõi số liệu từ năm 1978-2006, tỷ lệ NKH sớm giảm từ 52,1% xuống 28,1%, ngược lại, tỷ lệ NKH muộn tăng từ 11,4% lên 13,9% [94]. Nguyên nhân có thể do hiện nay việc quản lý thai sản tốt hơn, mẹ được sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễmGBS để tránh lây truyền cho con, các bệnh nhiễm khuẩn của mẹ được quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, các bệnh lý của trẻ được can thiệp trong khoa hồi sức sơ sinh tăng nên tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện giai đoạn muộn tăng.

Đặc điểm thân nhiệt của trẻ

Khi đo thân nhiệt của trẻ, chúng tôi thấy số trẻ sốt chiếm 51,8%. Kết quả của chúng tôi tương đương kết quả của Abebe Sorsanghiên cứu tại Ethiopia (47,5%) nhưng cao hơn kết quả của Joshua Davis (23,9%)[40], [95]. Tỷ lệ trẻ sốt của chúng tôi cũng cao hơn hẳn nhóm bệnh nhi nhiễm nấm trong nghiên cứu của Thái Bằng Giang (4,1%) [49].

Trong thực hành lâm sàng, sốt thường là triệu chứng biểu hiện đầu tiên để người chăm sóc trẻ phát hiện và đưa trẻ đi khám. Tỷ lệ trẻ sốt có nhiễm khuẩn nặng (NKH, viêm màng não mủ …) dao động từ 6,3% - 28% [96].

Triệu chứng hô hấp của trẻ

Trong các triệu chứng hô hấp, giảm spO2 là dấu hiệu hay gặp nhất (75,3%). Rút lõm lồng ngực, thở nhanh > 60 chu kỳ/phút chiếm tỷ lệ 34% và 35,3%.

Tỷ lệ trẻ giảm spO2 chúng tôi tương đương với nghiên cứu của Trần Diệu Linh (73,3%) nhưng cao hơn của Abebe Sorsa (34%) [86], [40]. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 21,2% trẻ có rale phổi biểu hiện tổn thương viêm phế quản phổi, viêm phổi nên nhiều trẻ thở nhanh, rút lõm lồng ngực.

Triệu chứng tuần hoàn của trẻ

Khi đánh giá tình trạng tuần hoàn, chúng tôi thấy nhịp tim nhanh là biểu hiện tuần hoàn hay gặp nhất 51,8%, đặc biệt có 29,4% trẻ sốc nhiễm khuẩn và thời gian làm đầy mao mạch (refill) kéo dài > 3 giây.

Nghiên cứu của Thái Bằng Giang, Trần Diệu Linh cũng cho thấy tỷ lệ trẻ NKH có rối loạn tuần hoàn lần lượt là 16,3% và 25,9% [49], [86].

Nhịp tim nhanh là một phát hiện thường gặp trong NKH ở trẻ sơ sinh nhưng không đặc hiệu. Nghiên cứu của chúng tôi có nhiều trẻ sốt. Đây có thể là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ nhịp tim nhanh. Tưới máu kém (thời gian refill > 3 giây) và hạ huyết áp là những dấu hiệu có độ nhạy cao hơn nhịp tim

nhưng thường phát hiện muộn. Tỷ lệ hai triệu chứng này trong nghiên cứu của chúng tôi đều chiếm tỷ lệ 25/85 (29,4%) tương đương với kết quả nghiên cứu củaBarbara J Stoll nhưng thấp hơn Eric Giannoni (16,8%) [60], [97]. Nhóm trẻ sốc và refill kéo dài chiếm tỷ lệ cao cho thấy nhiều trẻ sơ sinh NKH nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đã rất nặng.

Triệu chứng tiêu hóa của trẻ

Trong nhóm bệnh nhi nghiên cứu của chúng tôi, bú kém là triệu chứng tiêu hóa hay gặp nhất 92,9%. Chướng bụng và tiêu chảy chiếm 43,5% và 2,4%. Có 50,6% trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch.

Kết quả của chúng tôi tương đương với nghiên cứu của Trần Diệu Linh và Thái Bằng Giang [86], [49]. Bú kém, chướng bụng có thể là những triệu chứng để người chăm sóc trẻ để ý và đưa trẻ đi khám.

Nghiên cứu của Morven S Edwards cho thấy các triệu chứng tiêu hóa hay gặp gồm có vàng da 35%, gan to 33%, ăn kém 28%, nôn 25%, chướng bụng 17%, tiêu chảy 11% [63].

Tiêu chảy là triệu chứng ít gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ được bú mẹ hoàn toàn. Chúng tôi chỉ gặp 1 bệnh nhi tiêu chảy, chiếm tỷ lệ 2,4% là con của bà mẹ HIV. Trẻ có mẹ nhiễm HIV được khuyến cáo sử dụng sữa công thức thay thế sữa mẹ trong 6 tháng đầu để làm giảm sự lây truyền virus qua sữa mẹ. Quy trình vệ sinh khi cho trẻ ăn không đảm bảo gây nên tình trạng tiêu chảy rất sớm ở trẻ. Đường tiêu hóa cũng có khả năng chính là đường vào của vi khuẩn gây nên tình trạng NKH ở trẻ suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng thần kinh của trẻ

Số liệu nghiên cứu cho thấy 29,4% trẻ li bì, 11,8% trẻ kích thích. Có 2 trẻ co giật, 2 trẻ tăng trương lực cơ, 1 bệnh nhi giảm trương lực cơ.Tuy nhiên, một số trẻ vào viện trong tình trạng nặng đã được dùng an thần nên triệu chứng thần kinh không được đánh giá chính xác.

Tỷ lệ trẻ li bì của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu của Thái Bằng Giang (46,9%) do đối tượng nghiên cứu của tác giả gồm cả trẻ đẻ non. Co giật là một biểu hiện không phổ biến của NKH ở trẻ sơ sinh nhưng khả năng cao liên quan đến nhiễm trùng [49]. Nghiên cứu của Hà Đức Dũng tại Bệnh viện phụ sản Trung ương cho thấy, trong nhóm trẻ NKH có 67,1% trẻ giảm trương lực cơ và 50,7% trẻ li bì [52]. Trong nghiên cứu của Anand V, 38% trẻ NKH bị co giật [98]. Co giật cũng là triệu chứng xuất hiện ở 20 -50% trẻ bị viêm màng não sơ sinh [63]. Nghiên cứu trên nhóm trẻ sơ sinh NKH nặng, Lorenza Pugni báo cáo tỷ lệ các triệu chứng thần kinh hay gặp gồm giảm trương lực (56%), li bì (56%), co giật (3,9%) [99].

Triệu chứng ngoài da của trẻ

Khi khám da và niêm mạc, phù cứng bì là biểu hiện ngoài da hay gặp nhất, chiếm 20,0% trong nghiên cứu của chúng tôi. Xuất huyết dưới da và vàng da chiếm17,6% và 11,8%. Tỷ lệ phù cứng bì trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với Bùi Mẫn Nguyên trong nghiên cứu sơ sinh NKH ở Bệnh viện trẻ em Hải Phòng (21,4%) nhưng tỷ lệ vàng da, xuất huyết dưới da trong nhóm trẻ của tác giả cao hơn (47,6% và 45,2%) [48]. Sự khác biệt có thể do nghiên cứu của tác giả tiến hành trên nhóm sơ sinh NKH đã có rối loạn đông máu nặng nề.

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị nhiễm khuẩn huyết sơ sinh đủ tháng tại Bệnh viện Nhi Trung ương (2019 - 2021) (Trang 110 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)