Các hình thức giải thể doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Trình tự thủ tục, giải thể doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. (Trang 26 - 28)

1.2.1. Hình thức giải thể tự nguyện

Giải thể tự nguyện là quyền của nhà đầu tư đối với việc rút lui khỏi thị trường kinh doanh, một trong các nhóm quyền của quyền tự do kinh doanh. Việc giải thể mà do chính doanh nghiệp quyết định trong quá trình tiến hành hoạt động của mình khi thấy rằng việc tồn tại của doanh nghiệp là không còn cần thiết. Giải thể doanh nghiệp tự nguyện được áp dụng đối với các trường hợp sau:

- Ban đầu, lúc thành lập doanh nghiệp các thành viên đã thỏa thuận, kết ước với nhau và sự thỏa thuận, kết ước này được biểu hiện bằng điều lệ công ty. Điều lệ công ty là bản cam kết của các thành viên về thành lập, hoạt động của công ty trong đó có thỏa thuận về thời hạn hoạt động của công ty. Khi hết thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ, nếu các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động thì doanh nghiệp đương nhiên phải tiến hành giải thể.

- Đây là trường hợp xuất phát từ ý chí, sự thỏa thuận giữa các thành viên trong doanh nghiệp. Khi các thành viên xét thấy việc tham gia doanh nghiệp không còn có lợi thì họ có thể thỏa thuận để yêu cầu giải thể doanh nghiệp.

1.2.2. Hình thức giải thể bắt buộc

Giải thể bắt buộc là việc giải thể do cơ quan nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải tiến hành giải thể. Đó là khi điều kiện cho sự tồn tại của doanh nghiệp không còn nữa hoặc là khi doanh nghiệp có sự vi phạm pháp luật mà sự tồn tại của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến trật tự chung của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể khác. Giải thể bắt buộc được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Để thành lập doanh nghiệp thì phải có đủ số lượng thành viên tối thiểu, đó cũng là một trong những điều kiện pháp lí để doanh nghiệp tồn tại và hoạt động. Pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi loại hình doanh nghiệp là khác nhau. Khi không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu thì để tiếp tục tồn tại doanh nghiệp phải kết nạp thêm các thành viên cho đủ số lượng tối thiểu. Thời hạn để doanh nghiệp thực hiện việc kết nạp thêm thành viên là 6 tháng kể từ ngày không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu. Nếu doanh nghiệp không kết nạp thêm thành viên đúng quy định và đúng thời hạn thì doanh nghiệp phải giải thể.

- Trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh thì mới chính thức hoạt động được. Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh là căn cứ pháp lí không thể thiếu cho sự tồn tại và hoạt động của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh thì doanh nghiệp không thể tiếp tục tồn tại và hoạt động mà buộc phải giải thể theo yêu cầu của cơ quan đăng kí kinh doanh.

Đối với cả hai hình thức giải thể bắt buộc hay giải thể tự nguyện thì doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp theo quy định cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Các quy định hiện hành về giải thể doanh nghiệp đã tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, quan trọng hơn, nó còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại.

Một phần của tài liệu Trình tự thủ tục, giải thể doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(81 trang)
w