2. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi
2.2. Nhận diện và thành lập các nhóm nòng cốt trong cộng đồng
Quan điểm trợ giúp cộng đồng của CTXH là nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề, thu hút sự tham gia của cộng đồng, mọi người dân vào quá trình giải quyết vấn đề của cộng đồng. Do vậy rất hữu ích khi nhân viên CTXH đứng ra cùng cộng đồng điều phối, tổ chức các nhóm nòng cốt, là nhóm những người thay mặt người dân chủ trì tổ chức hoạt động để giải quyết vấn đề nào đó đang tồn tại sau thiên tai, ví dụ như san bằng đoạn đường trong khu dân cư, tổ chức làm sạch nguồn nước, nhóm nòng cốt cho tổ chức lại hoạt động sinh kế cho gia đình nghèo, v.v.
Nhóm cần thảo luận với cộng đồng dân cư chương trình hành động cụ thể cho việc giải quyết vấn đề đã được xác định.
Cơ cấu nhóm nòng cốt thường 5-7 người. Đại diện của ban nòng cốt này sẽ do dân bầu ra, bao gồm những người có uy tín trong cộng đồng, người có chuyên môn (nếu có), người có vai trò chức năng có liên quan (như hội phụ nữ, Mặt trận TQ…).
Bên cạnh đó, thành viên trong nhóm nòng cốt nên có những đặc điểm sau: - Có hiểu biết về vấn đề của cộng đồng đang được đặt ra.
- Có tinh thần trách nhiệm, quan tâm đến hoạt động giải quyết vấn đề của cộng đồng. - Có thời gian để thực hiện vai trò được cộng đồng giao phó.
- Có tư duy, quan điểm tiến bộ, linh hoạt trong giải quyết vấn đề. - Có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng.
- Có khả năng truyền thông và giao tiếp tốt.
Để có được Ban nòng cốt giải quyết vấn đề với những đặc điểm trên, nhân viên CTXH cần nhạy cảm, nhận diện được những cá nhân nổi trội trong cộng đồng để cùng người dân xác định, đề xuất và tiến cử vào ban nòng cốt hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng.
Nhiệm vụ, trách nhiệm cơ bản của Ban nòng cốt có thể bao gồm:
- Tổ chức các cuộc họp với người dân để bàn bạc vấn đề, cách thức giải quyết.
- Thay mặt cộng đồng để làm việc với toàn thể dân cư, cơ quan chức năng bàn bạo thống nhất phương án giải quyết, lên kế hoạch cụ thể cho giải quyết vấn đề nào đó (ví dụ làm con đường tạm trong khu dân cư, làm sạch khu trường học cho các em…)
- Thu hút và quản lý các nguồn lực (kể cả tài chính), công khai minh bạch thu chi.
- Tổ chức theo dõi, giám sát, đánh giá, công bố kết quả các hoạt động trong tiến trình giải quyết vấn đề.