Một trong những vấn đề phát triển của Tập đoàn HCVN trong thời gian tới đây là áp dụng loại hình TC, QL nào, SXKD trong lĩnh vực nào… về thực chất, hoạt động trong nền KTTT thì những vấn đề này là do thị trường cũng như những lợi thế cạnh tranh riêng có của tổ hợp Tập đoàn quyết định. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm phát triển của các TĐKT lớn trên thế giới như đã trình bày, cũng như đặc điểm của tổ hợp Tập đoàn thuộc sở hữu của nhà nước và những đặc điểm về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…, có thể chỉ ra những phương hướng phát triển của Tập đoàn HCVN như sau:
Thứ nhất, phát triển của tổ hợp Tập đoàn cần tập trung vào ngành kinh
doanh chính, cốt lõi là công nghiệp hóa chất cơ bản, hóa chất phục vụ nông nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu.
Đây là phương hướng chung tổng quát trong quá trình phát triển của tổ hợp Tập đoàn, với lý do chủ yếu là: (1) Việt Nam mặc dù đã thực hiện đổi mới từ năm 1986, nhưng những gì đạt được vẫn được coi như ở giai đoạn đầu của quá trình đổi mới này. Nông nghiệp vẫn là khâu đột phá nhưng lại là ngành truyền thống, vì vậy tính đột phá ở đây được xem là NSLĐ của ngành và do đó phát triển tập trung sản xuất vật tư hóa chất phục vụ nông nghiệp chính là tổ hợp Tập đoàn đã có cơ sở để phát triển; (2) tổ hợp Tập đoàn có năng lực chuyên sâu về sản xuất các loại sản phẩm trên đây. Ngoài ra, theo nhiều công trình nghiên cứu
khoa học, cũng như kết quả tham vấn từ các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế… đã công bố đều cho rằng định hướng phát triển của các TĐKTNN trong đó có Tập đoàn HCVN cần tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, liên quan đến lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia… từng bước phát triển vượt khỏi phạm vi biên giới quốc gia tiến tới xuất khẩu. Khi đó, sự thành đạt của tổ hợp Tập đoàn sẽ góp phần tạo dựng và nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Thứ hai, phát triển tổ hợp Tập đoàn theo hình thức đa sở hữu, trong đó Nhà
nước có cổ phần chiếm tỷ lệ đa số (hơn 50% vốn điều lệ).
Cấu trúc tổ chức của tổ hợp Tập đoàn về bản chất là do thị trường quyết định vì quá trình phát triển nó có tính tự thay đổi để thích nghi và phù hợp với phương thức và trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, về mặt TC, QL thì tùy thuộc vào điều kiện mà người ta có thể lựa chọn loại hình. Đối với điều kiện của Việt Nam hiện nay, tổ hợp Tập đoàn nên lựa chọn theo hướng đa sở hữu và Nhà nước giữ cổ phần có tỷ lệ đa số hơn 50%. Sự lựa chọn này là để từng bước thích ứng dần, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về mô hình CTM – CTC cũng như phản ánh đúng các quy luật thị trường trong đó có quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.