Khái niệm phát triển tập đoàn kinh tế

Một phần của tài liệu 1_ LACV_K5_NguyenHoangManh (Trang 34 - 37)

Nói đến phát triển, theo quan niệm của các triết gia đó là sự biến đổi theo chiều hướng tăng lên, từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao cả về quy mô và chất lượng, từ đơn giản đến phức tạp của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội; hay nói gọn hơn, phát triển là kết quả của sự thay đổi dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất.

Khái niệm phát triển kinh tế được hiểu là: “Phát triển kinh tế là gia tăng

các hoạt động kinh tế (cả về quy mô và chất lượng) của một quốc gia (hoặc của vùng, tỉnh, huyện, DN, gia đình) vì nhu cầu của người dân” [46, tr. 206]. Nói

cách khác, phát triển kinh tế là thực hiện những hành vi để có được sự phát triển của hệ thống kinh tế; và thực chất là quá trình điều khiển các hoạt động của tổ chức kinh tế vận động theo quỹ đạo mong muốn nhằm đạt được những mục tiêu kỳ vọng. Như vậy, bản chất phát triển kinh tế chính là sự thay đổi trong phương thức sản xuất của tổ chức kinh tế nhằm mục đích hoạt động kinh tế có được sức sản xuất lớn và hiệu quả cao hơn. Phát triển kinh tế là quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ về mọi mặt, bao gồm sự thay đổi cả về lượng và chất, là quá trình hoàn thiện cả về kinh tế và xã hội của tổ chức kinh tế ở tầm vĩ mô cũng như vi mô. Lịch sử phát triển loài người đã chứng minh, sự tiến bộ phân biệt giữa các thời đại phát triển khác nhau chính là ở phương thức sản xuất khác nhau thể hiện

ở sức sản xuất của hệ thống bộ máy kinh tế. Ở vào cùng một thời đại, sự khác biệt về kinh tế giữa các quốc gia hay các DN thể hiện ở vấn đề hiệu quả kinh tế.

Đối với TĐKT, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng là cần thiết, nhưng vấn đề cơ bản và quyết định phải là chất lượng tăng trưởng [15, tr. 164]. Hơn nữa, từ quan điểm hệ thống thì sự phát triển của TĐKT tức sự liên kết tương tác giữa các DN thành viên trong quá trình hoạt động trên nền tảng trình độ và phương thức nhất định phải phát sinh được hiệu quả kinh tế có tính “trồi” mà các DN thành viên đơn lẻ không thể có được; hay nói cách khác hiệu quả kinh tế đạt được của TĐKT phải có mức tối ưu dựa trên lợi thế quy mô mà không chỉ dừng ở mức hiệu quả đơn thuần của một cá thể DN đơn lẻ.

Từ sự luận giải trên đây và từ quan điểm quản lý kinh tế, trong luận án này khái niệm phát triển TĐKT được hiểu là: Phát triển TĐKT là quá trình TC, QL

để đạt được sự gia tăng về quy mô kinh tế và chất lượng của sự gia tăng quy mô kinh tế ấy, mà trong đó hiệu quả kinh tế theo lợi thế quy mô là quyết định và quan trọng nhất đối với TĐKT. Từ khái niệm này, có thể sơ đồ hóa các thành

phần của phát triển TĐKT và nội hàm của chúng như sau: Phát triển TĐKT = Tăng trưởng của TĐKT + Chất lượng tăng trưởng của TĐKT [1; tr. 8] [46; tr. 16]; trong biểu thức này, các dấu “=” và dấu “+” đều là ước lệ về mối quan hệ chứ không phải theo nghĩa thực của các loại dấu đó trong toán học.

Tăng trưởng của tập đoàn kinh tế: Tăng trưởng của TĐKT là sự gia tăng về

quy mô hoặc tốc độ gia tăng sản lượng, có nghĩa là tăng thêm về kết quả các hoạt động sản xuất vật chất và dịch vụ của TĐKT trong một thời kỳ nhất định; tự nó chưa phản ánh sự biến đổi về chất của TĐKT. Để đo lường sự tăng trưởng của TĐKT trong một năm hoặc một giai đoạn nhất định, các chỉ tiêu phản ánh thu nhập bằng giá trị thường là giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá cố định, doanh thu và lợi nhuận, trong đó lợi nhuận được coi trọng nhất vì nó là mục tiêu của TĐKT; các chỉ tiêu này sẽ là cơ sở để tính các chỉ tiêu như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của một nền kinh tế.

Tăng trưởng của TĐKT là điều kiện cần để làm thay đổi mọi hoạt động quản trị và tác động trực tiếp đến mục tiêu và hoàn thiện quá trình phát triển của TĐKT. Từ cách tiếp cận quản lý kinh tế, yêu cầu đặt ra hiện nay là quá trình tăng trưởng của TĐKT phải gắn liền với chất lượng tăng trưởng. Nói cách khác, tăng trưởng phải có chiều sâu, gắn liền với tính bền vững, sự gia tăng liên tục và có

hiệu quả của chỉ tiêu kinh tế (giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, lợi nhuận,

vốn…); đồng thời quá trình tăng trưởng ấy phải được tạo nên bởi các yếu tố đóng vai trò quyết định là tổ chức, quản trị và quản lý, qua đó thúc đẩy áp dụng khoa học, công nghệ cao và thu hút, sử dụng được nguồn nhân lực có chất lượng…

Chất lượng tăng trưởng của tập đoàn kinh tế: Về chất lượng tăng trưởng

kinh tế, hiểu theo nghĩa hẹp là thuộc tính bên trong của quá trình tăng trưởng kinh tế, thể hiện qua các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả đạt được mặt số lượng của tăng trưởng và khả năng duy trì nó trong dài hạn. Hiểu theo nghĩa rộng, chất lượng tăng trưởng thể hiện năng lực sử dụng các yếu tố đầu vào, tạo nên tính chất, sự vận động của các chỉ tiêu tăng trưởng và ảnh hưởng lan tỏa của nó đến các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội – môi trường. Do đó, có thể hiểu chất lượng tăng trưởng của TĐKT là sự phản ánh tính hiệu quả và bền vững (cả về kinh tế, xã hội và môi trường) của quá trình tăng trưởng; và nó được đánh giá ở đầu ra thể hiện bằng kết quả đạt được qua tăng trưởng, nhưng đồng thời cũng được đánh giá ở vấn đề đầu vào qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của TĐKT [18, tr. 13]. Từ góc độ quản lý kinh tế, các chỉ tiêu tăng trưởng của TĐKT sẽ tiệm cận được mức tối ưu khi hoạt động của TĐKT được TC, QL ngày càng hoàn thiện, hợp lý cũng như trong sự thay đổi tốt hơn từ môi trường kinh tế - xã hội nói chung.

Tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của TĐKT có quan hệ hữu cơ với nhau và là hai mặt của vấn đề phát triển TĐKT. Tăng trưởng của TĐKT là điều kiện cần thì chất lượng tăng trưởng của TĐKT là điều kiện đủ của phát triển TĐKT; phát triển TĐKT là mục tiêu thì tăng trưởng của TĐKT là động lực và chất lượng tăng trưởng của TĐKT như là phương tiện để các động lực hướng đến mục tiêu phát triển.

Ngoài ra, sự phát triển của TĐKT gắn liền với hiệu quả kinh tế, để làm rõ những nội dung tiếp theo, khái niệm hiệu quả kinh tế được hiểu như sau: Hiệu quả hay thường được gọi cụ thể là hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế của một hiện tượng kinh tế được hiểu là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực như nhân lực, tài lực, vật lực và tiền vốn… để đạt được mục tiêu xác định; hay“Hiệu quả là thù lao mà các nhà đầu tư thu được sau thời gian

nhất định, như lợi tức, lãi cổ phần, lợi nhuận, v.v… Phương thức biểu hiện chủ yếu có mức hoặc số lượng của hiệu quả, tức là hai loại kim ngạch hiệu quả và tỷ lệ hiệu quả”; và “Tỷ suất hiệu quả là tỷ lệ giữa mức hiệu quả và mức đầu tư, tức mỗi đồng hiệu quả thu được của đầu tư. Tỷ suất hiệu quả = Hiệu quả/Vốn.” [48,

tr. 528]. Như vậy, có thể thấy tiêu chí định lượng đánh giá hiệu quả của TĐKT là các chỉ tiêu tài chính. Theo lý thuyết tài chính và trong hoạt động thực tiễn thì có nhiều chỉ tiêu khác nhau để phản ánh những khía cạnh kinh tế khác nhau của những đối tượng quan tâm khác nhau. Do đó, đánh giá hiệu quả của TĐKT cần sử dụng những tiêu chí phản ánh trực tiếp đến mục tiêu kinh tế như doanh số, lợi nhuận và sức sinh lời của vốn…

Một phần của tài liệu 1_ LACV_K5_NguyenHoangManh (Trang 34 - 37)