Quản lý nhà nước về thuế đối với kinh doanh hộ gia đình

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh hộ gia đình trên địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Trang 26 - 28)

Đăng ký thuế:

Là việc người nộp thuế khai báo sự hiện diện của mình và nghĩa vụ phải nộp một (hoặc một số) loại thuế với cơ quan quản lý thuế, chỉ những người có nghĩa vụ mang tính thường xuyên, định kỳ mới phải đăng ký thuế.

Khai thuế, tính thuế:

Khai thuế là việc người nộp tự xác định số thuế phải nộp phát sinh trong kỳ kê khai thuế theo quy định của từng Luật thuế, Pháp lệnh thuế. Người nộp thuế sử dụng hồ sơ khai thuế của từng loại thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để kê khai số thuế phải nộp với cơ quan thuế và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác

của các số liệu trong hồ sơ khai thuế.

Ấn định thuế:

Về nguyên tắc, người nộp thuế phải tự xác định số thuế phải nộp, kê khai và nộp số thuế kê khai vào NSNN theo đúng thời hạn. Tuy nhiên, trường hợp hộ kinh doanh không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Nộp thuế:

Người nộp thuế có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

1.4.4. Khuyến khích, hỗ trợ tạo môi trường hoạt động kinh doanh hộ gia đình

1.4.4.1. Đối với cải cách hành chính

CCHC trước hết để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của hộ kinh doanh. CCHC hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

1.4.4.2. Đối với đào tạo đội ngũ cán bộ công chức liên quan đến quản lý hoạt động của kinh doanh hộ gia đình

Đào tạo và quản lý con người liên quan đến đời sống hộ kinh doanh là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển hộ kinh doanh. Cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức Nhà nước. Cần phải khắc phục tình trạng gây phiền hà, khó dễ, phân biệt đối xử đối với hộ kinh doanh. Cần loại trừ ngay những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất đã làm biến dạng, làm sai lệch những chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

1.4.4.3. Đối với tổ chức đào tạo, hướng dẫn việc thi hành các văn bản, pháp luật của Nhà nước cho các hộ gia đình kinh doanh

Đây là nội dung quản lý nhằm tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và tiếp cận các văn bản pháp luật của Trung ương cũng như của địa phương đến các hộ kinh doanh. Các hiện nay hiện nay hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, đa số hộ kinh doanh không có thói quen sử dụng dịch vụ luật sư khiến cho môi trường pháp lý trong kinh doanh chưa đồng đều. Ý thức về việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp còn thấp, việc tổ chức phổ biến pháp luật, hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hộ kinh doanh còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các văn bản pháp lý. Đó là nguyên nhân khiến hộ kinh doanh không ý thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh hộ gia đình trên địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Trang 26 - 28)