Thế giới ngày càng phẳng hơn, thế giới mở ra với xu thế chính trong quan hệ quốc tế vẫn là hội nhập. Đứng trước xu thế chính đó, Việt Nam không nên tách mình ra khỏi cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang là thành viên của WTO (2007), APEC (1998), TPP (2015), tham gia diễn đàn ĐKKD thế giới (Corporate Registers Forum - CRF) - tháng 3/2015) [50]... Chúng ta cần phải tích cực hội nhập sâu sắc và tiếp thu những thành tựu của các nước trong đó có thành tựu pháp luật về ĐKKD. Thêm vào đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Môi trường kinh doanh ở nước ta tuy đã được cải thiện đáng kể song về nhiều mặt còn hạn chế. Để khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc đổi mới công tác thực thi pháp luật ĐKDN chính là một yêu cầu cấp thiết.
Trước bối cảnh kinh tế xã hội, chúng ta đã đề ra chiến lược phù hợp cho giai đoạn 2011-2020: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch…” [48]. Trên cơ sở đó, các cơ quan QLNN ở trung ương xây dựng các các chính sách về ĐKDN một cách có trọng tâm, mỗi địa phương sẽ đưa ra những phương hướng, quy định riêng áp dụng trên địa bàn quản lý của mình đảm bảo không được mâu thuẫn với chính sách đó.
Hà Nội, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước, bên cạnh những tác động của bối cảnh chung có những đặc thù riêng ảnh hưởng đến hoạt động thực thi pháp luật về ĐKDN. Cụ thể:
Thứ nhất, quy mô của hoạt động ĐKKD rất lớn. Sau 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, thủ đô Hà Nội đã trở thành một trong 17 thành phố, thủ đô có quy mô lớn trên thế giới [53]. Năm 2014 dân số Hà Nội là 7,2 triệu người, chưa kể gần 1 triệu người không đăng ký hộ khẩu thường trú [44]. Với dân số chiếm 7,84% nhưng Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP cả nước [45]. Với quy mô dân số và quy mô kinh tế như vậy, vấn đề QLNN về ĐKKD trên địa bàn Hà Nội sẽ chịu áp lực rất lớn.
Thứ hai, lợi thế của Thủ đô nơi đặt các cơ quan trung ương. Hà Nội là thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Do vậy, vấn đề quản lý về ĐKKD trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có những lợi thế rất lớn trong việc tiếp cận với những chính sách mới, là đối tượng thí điểm cũng như vấn đề xin ý kiến của cơ quan Trung ương sẽ dễ dàng hơn các địa phương khác.
Thứ ba, những biến động lớn về mặt địa giới ảnh hưởng đến công tác ĐKKD của TP Hà Nội. Ngày 1-8-2008, TP Hà Nội chính thức mở rộng với sự sáp nhận của tỉnh Hà Tây, 04 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc). Vì vậy, vấn đề ĐKKD của các địa bàn sáp nhập cũng thuộc quyền quản lý của Phòng ĐKKD – Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Do đó, việc này làm tăng lên đáng kể về quy mô và ảnh hưởng đến đội ngũ nhân sự và gây những xáo trộn nhất định đến vấn đề QLNN đối với hoạt động ĐKKD trên địa bàn TP Hà Nội.
Do vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật về ĐKKD sẽ giúp cho Hà Nội khai thác tốt lợi thế, khắc phục bất lợi, đáp ứng tốt đòi hòi của thủ đô, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước.