Trước hết, trình tự, thủ tục phát hành giấy tờ có giá tại Ngân hàng thương mại cổ phẩn BIDV phải tuân thủ trình tự, thủ tục do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Thông tư số 34/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là cơ sở pháp lý đảm bảo tính hợp pháp cho hoạt động phát hành giấy tờ có giá của BIDV.
Về hình thức phát hành, căn cứ Điều 7 Thông tư số 34/2013/TT- Ngân hàng Nhà nước, NHTMCP BIDV sẽ phát hành giấy tờ có giá theo hình thức ghi danh hoặc vô danh.
Về nội dung của giấy tờ có giá, giấy tờ có giá khi phát hành phải đảm bảo những nội dung bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Thông tư số 34/2013/TT-NHNN. Về phương thức phát hành, các TCTD trong đó có BIDV có thể thực hiện phát hành giấy tờ có giá theo phương thức khác nhau. Hiện nay, theo Khoản 1 Điều 13 Thông tư 34/2013/TT-NHNN, phương thức phát hành có thể gồm: Trực tiếp phát hành; Bảo lãnh phát hành; Đại lý phát hành; Đấu thầu.
Mặc dù vậy, BIDV cũng ban hành trình tự cụ thể riêng cho hoạt động phát hành giấy tờ có giá của mình.
Ngân hàng thương mại cổ phần BIDV đã ban hành Quy định số 6440/QĐ-NHBL ngày 14 tháng 10 năm 2014 quy định về Nghiệp vụ nhận tiền gửi, trong đó có các quy định cụ thể về việc phát hành giấy tờ có giá của NHTMCP BIDV. Theo đó, Quy định số 6440/QĐ-NHBL đã dành hẳn mục III
để quy định về giấy tờ có giá, bao gồm các Điều từ 23 đến 30. Trong đó, theo quy định tại Điều 24 về việc phát hành giấy tờ có giá tại NHTMCP BIDV thì thủ tục phát hành giấy tờ có giá thực hiện theo Thông tư 34/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài [4, Điều 24, Khoản 2].
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư 34/2013/TT-NHNN, phương án phát hành trái phiếu bao gồm các nội dung bắt buộc theo mẫu. Phương án phát hành trái phiếu phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của TCTD hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua. Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của TCTD phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Sau khi xác định phương án phát hành trái phiếu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của BIDV sẽ tiến hành thông qua.
Sau khi được thông qua phương án phát hành, Ngân hàng sẽ tiến hành lập Hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu của năm tài chính, hồ sơ đảm bảo các nội dung theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 34/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được gửi đến Ngân hàng Nhà nước để thực hiện bước tiếp theo đó là làm Thủ tục chấp thuận đề nghị phát hành trái phiếu.
Khi đó, NHTMCP BIDV phải gửi trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu của năm tài chính đến Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước để làm thủ tục phát hành trái phiếu của Ngân hàng.
Trong quá trình này cần chú ý quy định tại Điều 23 đó là: Đối với đề nghị phát hành trái phiếu (không bao gồm trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền), trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến trả lời bằng văn bản về việc
chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị phát hành trái phiếu của năm tài chính của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đối với đề nghị phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của năm tài chính của TCTD [11, Điều 23].
Ngân hàng thương mại cổ phần BIDV chủ động tổ chức các đợt phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi theo quy định tại Điều 19 Thông tư 34/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sau khi hoàn thiện mọi thủ tục và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc phát hành thì việc phát hành trái phiếu được tiến hành trong phạm vi kế hoạch phát hành của năm tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Trong quá trình phát hành giấy tờ có giá, NHTMCP BIDV phải tuân thủ quy định về chế độ báo cáo đối với các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước về kết quả phát hành giấy tờ có giá về thời gian và nội dung báo cáo. Kết quả phát hành giấy tờ có giá phải được NHTMCP BIDV báo cáo chậm nhất vào ngày 10 của tháng đầu Quý tiếp theo ngay sau Quý báo cáo bằng văn bản đến Vụ chính sách tiền tệ; Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội. Về nội dung báo cáo được thể hiện đầy đủ trong văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 và Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 34/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [11, Điều 25].
Như vậy, về mặt trình tự, thủ tục phát hành giấy tờ có giá, NHTMCP BIDV đã thực hiện đúng các quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Việc thực hiện đúng các trình tự, thủ tục đã tạo ra điều
kiện thuận lợi cho NHTMCP BIDV trong việc tiến hành các hoạt động các giấy tờ có giá và tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý chính sách tiền tệ và quản lý hoạt động của các NHTMCP hoạt động trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra cho hoạt động phát hành giấy tờ có giá không chỉ riêng ở BIDV mà ở nhiều NHTM khác đó là thủ tục hành chính và quy trình thông qua phương án phát hành tương đối rườm rà, mất nhiều thời gian. Như đã đề cập, quy trình thông qua phương án phải trải qua quy trình thông qua ở nội bộ và thủ tục hồ sơ ở cơ quan quản lý chuyên ngành. Quy trình này mất khoảng 30 ngày. Như vậy, đối với các tình huống phát sinh đòi hỏi có phương án phát hành nhanh chóng thì các TCTD trong đó có BIDV đều không thể rút ngắn quy trình được, dễ tạo ra các tổn thất tài chính không đáng có.
Tuân thủ các quy định của Thông tư 34/2013/TT-NHNN liên quan tới quy trình phát hành giấy tờ có giá tại TCTD, NHTMCP BIDV cũng xây dựng một quy trình của riêng mình để đáp ứng các nghiệp vụ liên quan tới hoạt động này tại Hội sở chính cũng như hơn 100 chi nhánh của BIDV trên cả nước. Các mẫu biểu, tài liệu, form mẫu đăng ký mua giấy tờ có giá, hợp đồng giữa các bên cũng đã được BIDV soạn thảo và áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, về phương diện pháp lý, thực chất do các yêu cầu về đảm bảo tính an toàn cho toàn hệ thống nên hầu hết các tài liệu, hồ sơ pháp lý liên quan tới nghiệp vụ phát hành giấy tờ có giá đều được BIDV xây dựng theo hướng đảm bảo tối đa lợi ích của BIDV trong các giao dịch. Điều này vô hình chung đã làm mờ đi các quyền lợi chính đáng của khách hàng, và đẩy khách hàng vào khả năng rủi ro khi tham gia giao dịch với TCTD, đồng thời đi ngược lại nguyên tắc của ngành dịch vụ ngân hàng là tạo điều kiện và đảm bảo lợi ích khách hàng.