Hoạt động phát hành - mua giấy tờ có giá là hoạt động giao dịch giữa một bên là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập hợp pháp tại Việt Nam đang có nhu cầu về vốn tiền mặt để thực hiện hoạt động kinh doanh; còn một bên là tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu mua giấy tờ có giá.
Căn cứ vào quy định tại Điều 4 Thông tư 34/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ thể được phép phát hành giấy tờ có giá bao gồm:
- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài.
- Công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn từ tổ chức (có thể bao gồm tổ chức trong nước và ngoài nước).
- Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam (nếu theo giấy phép thành lập và hoạt động có quy định về việc phát hành giấy tờ có giá).
Công văn số 641/CV-PTSPBB ngày 17/02/2014 của Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV v/v phát hành giấy tờ có giá thông thường năm 2014 cũng giao thẩm quyền triển khai nghiệp vụ và giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ phát hành giấy tờ có giá tại BIDV hiện nay được quy định như sau:
Tại Hội sở chính của BIDV, có 04 đơn vị đảm nhận các nghiệp vụ liên quan tới phát hành giấy tờ có giá của BIDV gồm:
1. Ban Phát triển sản phẩm Bán buôn: Có nhiệm vụ thực hiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định và là đầu mối mô tả sản phẩm để cài đặt mã sản phẩm trên hệ thống SIBS và tiếp nhận, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
2. Ban Khách hàng doanh nghiệp, Ban Định chế tài chính: Có nhiệm vụ chào bán trực tiếp và/hoặc phối hợp Chi nhánh chào bán chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng theo đúng đối tượng.
3. Ban MIS&ALCO: Là đầu mối, phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin cập nhật danh sách và cài đặt lãi suất FTP cho các mã sản phẩm..
4. Trung tâm Công nghệ thông tin: Có nhiệm vụ thiết lập, cài đặt tham số sản phẩm trên SIBS và cập nhật danh sách, cài đặt lãi suất FTP cho các mã sản phẩm trên chương trình FTP theo mô tả của Ban Phát triển sản phẩm Bán buôn.
Hoạt động phát hành giấy tờ có giá được thực hiện rộng khắp trên toàn bộ mạng lưới 114 chi nhánh của BIDV.
Căn cứ vào quy định của Ngân hàng Nhà nước, NHTMCP BIDV đã tiến hành hoạt động phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn để phục vụ cho các hoạt động khác của Ngân hàng. Theo quy định tại Điều 1, Quy định số 6440/QĐ-NHBL ngày 14/10/2014 của Tổng giám đốc BIDV về nghiệp vụ nhận tiền gửi, chủ thể thực hiện các hoạt động phát hành giấy tờ có giá ở NHTMCP BIDV bao gồm:
- Trụ sở chính (TSC) (Các đơn vị nghiệp vụ có thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi);
- Sở giao dịch III - Các Chi nhánh BIDV
Trong quá trình hoạt động của ngân hàng, giấy tờ có giá được phát hành theo đợt và do TSC căn cứ nhu cầu vốn của từng thời kỳ, nhu cầu của khách hàng quyết định thời điểm, phạm vi, hình thức phát hành giấy tờ có giá theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Quy định số 6440/QĐ-NHBL. Đồng thời, đối với mỗi đợt phát hành cụ thể, TSC sẽ thiết lập và thông báo cho Chi nhánh mã sản phẩm sử dụng trong đợt phát hành theo Khoản 2 Điều 26 Quy định số 6440/QĐ-NHBL.
Các chi nhánh của BIDV có trách nhiệm phát hành các loại giấy tờ có giá tới tay khách hàng theo các hình thức phát hành do Tổng giám đốc quyết định và thực hiện theo kế hoạch phát hành của Ngân hàng BIDV.
Về thẩm quyền, Tổng giám đốc và TSC của NHTMCP BIDV sẽ căn cứ vào yêu cầu huy động vốn trong từng thời kỳ, nhu cầu của khách hàng để quyết định thời điểm, phạm vi, hình thức phát hành các loại kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu. Tổng giám đốc NHTMCP BIDV là người có quyền quyết định hình thức phát hành cho mỗi đợt phù hợp với các quy định của pháp luật.
Cụ thể Tổng giám đốc có thể quyết định một trong hai hình thức phát hành giấy tờ có giá là hình thức ghi danh hoặc vô danh sao cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của Ngân hàng và các quy định của pháp luật.
Ngân hàng thương mại cổ phần BIDV cũng có quyền thiết kế, chế bản, in ấn, phát hành giấy tờ có giá tuy nhiên phải tuân thủ các quy định của pháp luật và cả BIDV hiện hành về cả nội dung và hình thức của giấy tờ có giá.
Ngân hàng BIDV cũng chủ động trong việc quyết định lãi suất trả cho khách hàng mua giấy tờ có giá do Ngân hàng phát hành phù hợp với lãi suất thị trường và quy định hiện hành về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động cho Ngân hàng phát hành; trong thời hạn phát hành giấy tờ có giá có quyền chủ động điều chỉnh lãi suất giấy tờ có giá phù hợp với quy định về điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Về quyền và nghĩa vụ của chủ thể phát hành, BIDV phải đảm bảo các nghĩa vụ theo Điều 26 Thông tư 34/2013/TT-NHNN như:
1. Chịu trách nhiệm về việc phát hành giấy tờ có giá, quản lý và sử dụng vốn từ phát hành giấy tờ có giá có hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật.
2. Công bố công khai các thông tin về việc phát hành giấy tờ có giá; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin được công bố.
3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các văn bản tài liệu trong hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu.
4. Thanh toán tiền gốc, lãi đúng hạn và đầy đủ cho người mua giấy tờ có giá.
5. Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền cho nhà đầu tư nước ngoài, khi đến thời hạn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc đến thời hạn mua cổ phiếu, TCTD phải đáp ứng điều kiện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành [11, Điều 26].
Ngoài những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT- NHNN, hoạt động thực tiễn tại BIDV ghi nhận hoạt động phát hành này do
Bộ phận Đầu tư giấy tờ có giá - Ban Vốn và Kinh doanh vốn đảm nhận, và theo trình tự riêng cũng ghi nhận những quyền và nghĩa vụ nhất định của Ngân hàng, cán bộ ngân hàng khi thực hiện các nghiệp vụ liên quan tới phát hành giấy tờ có giá như:
- Cung cấp thông tin & hướng dẫn khách hàng về những thông tin liên quan tới giấy tờ có giá do BIDV phát hành, đặc biệt nhấn mạnh một số nội dung như: Loại giấy tờ có giá, ngày phát hành, mệnh giá, thời hạn thanh toán, lãi suất. Đồng thời nhấn mạnh về nghĩa vụ thanh toán của BIDV với khách hàng khi tới hạn;
- Cung cấp & hướng dẫn khách hàng đăng ký tờ khai mua/bán giấy tờ có giá theo mẫu;
- Cung cấp & hướng dẫn khách hàng ký kết hợp đồng mua/bán giấy tờ có giá theo mẫu;
- Khi tới hạn, nhân viên ngân hàng có trách nhiệm thông báo trước cho khách hàng về nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng, đồng thời hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục để được thanh toán.
Đối với chủ thể tiếp nhận giấy tờ có giá là khách hàng, hiện nay quy định của Thông tư 34/2013/TT-NHNN không giới hạn về chủ thể mua giấy tờ có giá do TCTD phát hành.
Theo phân cấp như vậy có thể thấy, hoạt động thực hiện nghiệp vụ phát hành giấy tờ có giá hiện nay tại BIDV được phân theo từng mảng hoạt động chính gồm: (i) Hoạt động kinh doanh, phát triển sản phẩm; (ii) Hoạt động báo cáo công tác với cơ quan nhà nước và (iii) Hoạt động công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong quan hệ phân cấp này chưa thấy đơn vị nào là đầu mối chịu trách nhiệm về giám sát tuân thủ đối với hoạt động phát hành của các chi nhánh cũng như của toàn hệ thống để phù hợp với quy định và hướng dẫn của
Ngân hàng Nhà nước. Thiếu đầu mối chịu trách nhiệm cũng sẽ tạo ra hệ quả thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ phận với nhau khi thực hiện nghiệp vụ.