Kính thưa Đoàn Chủ tịch, Kính thưa quý vị đại biểu,
Tôi tán thành cao giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chỉnh lý, điều chỉnh nội dung của Luật đo lường. Tuy nhiên tôi có thêm một số góp ý như sau:
Thứ nhất, ở Điều 6 nói về hợp tác quốc tế, trong Khoản 1 có nêu "hợp tác quốc tế về đo lường được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và các bên cùng có lợi". Tôi nghĩ đây là triết lý rất tốt, tuy nhiên tôi muốn thêm một nội dung phía sau, đó là làm sao phải từng bước đưa hệ thống đo lường của Việt Nam hòa nhập vào hệ thống đo lường quốc tế, đây là điều rất quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Điểm 2, Khoản 2 của Điều 6 này cần bổ sung thêm Điểm e với nội dung là cho phép các tổ chức quốc tế tham gia vào lĩnh vực hoạt động đo lường theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm các hoạt động dịch vụ và phát triển cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực trong lĩnh vực đo lường. Ở Điều 8, tôi còn băn khoăn một điểm mặc dù đã được giải trình trong Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội là phân loại các đơn vị đo lường có lẽ không nên đưa Khoản 5 đơn vị đo lường cổ truyền vào trong luật vì đơn vị đo lường cổ truyền như chúng ta biết không nhất quán và khác nhau, hiện nay xu hướng chung là đưa vào các chuẩn đo lường không còn đo lường theo kiểu cổ truyền. Cho nên điều này không nhất thiết phải đưa vào luật.
Trong Điều 36 nói về quyền và tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương pháp, phương tiện đo lường, chuẩn đo lường, tôi thấy cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan thực hiện các công việc này vì hiện nay khi các kết quả đo lường sai có thể gây thiệt hại rất lớn cho các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp. Vậy ai là người chịu trách nhiệm vấn đề này? Như hiện nay chúng ta xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài, chúng ta đã kiểm định các chất lượng, các dư lượng thuốc kháng sinh trong sản phẩm đó, nhưng khi chúng ta đưa ra nước ngoài kiểm tra lại và phát hiện, như vậy thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp. Cho nên các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này cần chịu trách nhiệm về kết quả của mình.
Tương tự như vậy, trong vấn đề hợp tác quốc tế cũng cần phải tiếp tục để làm sao công nhận lẫn nhau giữa các kết quả của các đơn vị kiểm định trong nước và ngoài nước. Nếu chúng ta làm được công tác này sẽ rất thuận lợi khi các kết quả kiểm định đưa ra nước ngoài được công nhận là điều rất tuyệt vời.
Đối với Điều 55, Điều 56 liên quan đến trách nhiệm của các Bô, cơ quan ngang Bộ và chính quyền nhân dân các cấp. Trong điều này quy định các cơ quan này phải thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta thực hiện như vậy có thể luật sẽ chậm đi vào cuộc sống. Tôi đề nghị Bộ khoa học và công nghệ và Chính phủ cần ban hành các văn bản pháp luật về vấn đề đo lường cũng như ban hành các văn bản khung để các địa phương, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ thực hiện để đưa vào thực thi phù hợp với đơn vị của mình.
Điểm cuối cùng, tôi muốn quay lại Điều 3 có thuật ngữ có lẽ chúng ta nên điều chỉnh cho phù hợp, đó là thuật ngữ về phép đo ở Khoản 6. Trong định nghĩa này tập hợp những thao tác để xác định giá trị đo của đại lượng cần đo, tôi nghĩ đây không là thao tác mà là tập hợp những phương pháp. Tôi xin hết.