Qua số liệu trên cho thấy hầu hết các kết luận thanh tra đều được công khai trên cổng thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh Quảng Nam, đây là một trong những hình thức được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thực hiện công khai kết luận thanh tra đã được Lãnh đạo Thanh tra tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên hình thức công khai chưa đa dạng chỉ mới thực hiện đăng tải trên phạm vi cổng thông tin của Thanh tra tỉnh.
2.4. Đánh giá chung về công tác thanh tra quản lý ngân sách nhà nước tạiThanh tra tỉnh Quảng Nam Thanh tra tỉnh Quảng Nam
2.4.1. Những kết quả đạt được
Trong những năm qua, hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra quản lý ngân sách nói riêng địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực như đổi mới về phương pháp tổ chức thực hiện từ khâu xây dựng kế hoạch, tiến hành, thực hiện kết
luận thanh tra, xử lý vi phạm. Kết quả phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm cho việc sử dụng tiền, tài sản nhà nước đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả, ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tiền, tài sản nhà nước. Các cơ quan thanh tra đã làm tốt vai trò quản lý nhà nước về công tác thanh tra. Năng lực, trình độ chuyên môn của công chức, thanh tra viên ngày càng nâng cao. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán ngày càng hiệu quả hơn.
Tổ chức thanh tra không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoàn thiện từ cấp tỉnh đến huyện. Hoạt động thanh tra thường xuyên được đổi mới, ngày càng hiệu quả, các cơ quan thanh tra đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra trên các lĩnh vực, phát hiện nhiều sai phạm, những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, những hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị giải pháp sửa chữa, khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Một trong những tiêu chí đánh giá kết quả công tác thanh tra quản lý NSNN là việc kịp thời phát hiện các sai phạm về kinh tế và kiến nghị xử lý theo quy đinh của pháp luật. Việc xử lý kịp thời các sai phạm về kinh tế, không chỉ thu hồi tiền nộp NSNN mà đây cũng là cơ sở để ngành thanh tra xem xét, chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo nâng cao chât lượng công tác thanh tra. Đồng thời thông qua đó kịp thời phát hiện những sơ hở, tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Từ đó kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung chính sách, cho phù hợp; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy đinh của pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thanh tra tỉnh Quảng Nam đạt được những kết quả trong thời gian qua là nhờ: Một là, sự quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời của TTCP về công tác xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, về nghiệp vụ, công tác tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối với toàn ngành thanh tra nói chung và ngành thanh tra tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Hai là, sự quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh Quảng Nam đối với hoạt động của ngành thanh tra nói chung và Thanh tra tỉnh nói riêng. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xem xét và phê duyệt chương trình kế hoạch công tác năm, làm cơ sở cho Thanh tra tỉnh tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động ngành Thanh tra tỉnh. Đã kịp thời chỉ đạo triển khai quán triệt các văn bản liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng đến các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, đồng thời đã quan tâm xử lý các kết luận, kiến nghị sau thanh tra.
Ba là, Lãnh đạo Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã bám sát vào chương trình kế hoạch công tác năm để chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra. Công tác quản lý nhà nước về Thanh tra đã được tăng cường nhằm nắm chắc tình hình phát sinh để có chỉ đạo điều hành phù hợp và sát với thực tế. Chế độ giao ban được duy trì thường xuyên qua đó kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại trong công tác thanh tra; trao đổi và tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đơn vị; chỉ đạo những giải pháp cụ thể để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong chương trình công tác năm.
2.4.2. Những hạn chế trong công tác thanh tra quản lý ngân sách nhà nước
Mặc dù hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra quản lý NSNN nói riêng của Thanh tra tỉnh Quảng Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế đó là:
Thứ nhất, sự phụ thuộc cả về biên chế, kinh phí, trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như giai đoạn kết thúc, kết luận và kiến nghị xử lý.
Thứ hai, việc triển khai hoạt động thanh tra còn thiếu kịp thời, một số cuộc thanh tra chưa tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong công tác quản lý, thời gian tiến hành còn kéo dài, chậm ban hành kết luận.
Thứ ba, về việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh thường kéo dài hơn so với quy định. Kết luận thanh tra chưa có chiều sâu, chưa làm rõ nguyên nhân, chưa đánh giá chính xác tính chất của hành vi vi phạm.
Thứ tư, việc xử lý kết luận, kiến nghị sau thanh tra có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, làm hạn chế đến hiệu quả của công tác thanh tra; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị cũng có nơi còn chưa tốt, kết quả thu hồi còn đạt thấp, chủ yếu
tập trung ở cấp huyện và sở ngành.
Thứ năm, còn có sự chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt có sự chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra với Kiểm toán nhà nước, nhất là ở địa phương.
Thứ sáu, trong quá trình tiến hành thanh tra, việc thực hiện quyền hạn của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra gặp không ít khó khăn, nhất là khi găp hành vi cản trở, chống đối của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó các chế tài rất ít hoặc không có nên việc xử lý đối tượng vi phạm gặp không ít khó khăn.
Thứ bảy, trình độ của đội ngũ công chức, thanh tra viên ngành thanh tra nói chung chưa đồng đều còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ. Một số đơn vị Thanh tra huyện, sở còn chậm được củng cố, nhất là vấn đề thực hiện biên chế, ảnh hưởng phần nào đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thanh tra theo quy định của ngành chưa được thực hiện một cách đồng bộ và kịp thời.
Thứ tám, việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, giữa thanh tra với các cơ quan có liên quan chưa thực sự quyết liệt; thiếu chủ động, thường xuyên và chưa hiệu quả, nhất là trong xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp.
Thứ chín, sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan điều tra còn hạn chế, tỷ lệ khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm không cao nên chưa phát huy được tính tích cực của thanh tra trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
2.4.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Những hạn chế và bất cập trong hoạt động thanh tra thời gian qua do nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, hệ thống các văn bản pháp luật về thanh tra còn chưa thực sự hoàn chỉnh, nhiều điểm còn bộc lộ bất hợp lý, không phù hợp với tình hình và yêu cầu của thực tiễn, tính độc lập của cơ quan thanh tra còn hạn chế, bị phụ thuộc nhiều vào Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chung. Đặc biệt, pháp luật về Thanh
tra còn chưa quy định cụ thể về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra.
Hai là, do một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị được thanh tra chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thực hiện những kiến nghị trong các kết luận thanh tra, chỉ tập trung vào thực hiện việc thu hồi kinh tế mà chưa chú trọng chỉ đạo thực hiện các kiến nghị trong công tác quản lý, điều hành, kiểm điểm, xử lý cán bộ vi phạm; một số đối tượng thanh tra có biểu hiện trốn tránh, đối phó với kết luận thanh tra dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn, nhất là xử lý về kinh tế.
Mặt khác, một số kết luận thanh tra kiến nghị biện pháp xử lý còn chung chung, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng không quy định thời hạn dẫn tới công tác đôn đốc, theo dõi xử lý bị động, khó theo dõi; một số cơ quan quản lý nhà nước chậm thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra liên quan đến trách nhiệm của mình, có biểu hiện đùn đẩy, đối phó.
Ba là, trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ, công chức thanh tra còn có những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với yêu cầu để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành thanh tra hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ mà thực tế đòi hỏi đối với đội ngũ cán bộ thanh tra. Cán bộ, công chức ngành thanh tra nói chung còn thiếu rất nhiều người được đào tạo, bồi dường chuyên sâu về các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của ngành và có kinh nghiệm thực tiễn, công tác lâu năm trong ngành thanh tra. Chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy còn nhiều bất cập chưa theo kịp với sự phát triển KT-XH.
Bốn là, quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị cho nên tính hiệu quả thường không cao và phụ thuộc vào thái độ tiếp thu và biện pháp thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị được các cơ quan thanh tra kiến nghị.
Năm là, việc chuẩn bị trước khi tiến hành thanh tra còn hạn chế, việc nắm thông tin về nội dung thanh tra chưa đầy đủ, việc khảo sát xây dựng đề cương chưa được coi trọng đúng mức dẫn đến đề cương, kế hoạch thanh tra chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm vì vậy khi tiến hành thanh tra gặp nhiều khó khăn trong khâu thẩm tra, xác
minh và kết luận. Khi tiến hành thanh tra chưa tiên lượng được phần việc và tính phức tạp của nó nên không chủ động để thực hiện.
Sáu là, bản thân các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra nhìn chung đã có sự nghiên cứu về chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trên thực tế có nơi nghiên cứu chính sách, pháp luật để thực hiện đúng, có hiệu quả, nhưng cũng có nơi nghiên cứu tìm các sơ hở trong cơ chế chính sách để lợi dụng, vụ lợi cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mình. Khi đã làm trái các quy định thì các đối tượng thường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thậm chí có những hành vi tiêu cực khác làm suy thoái đạo đức, lối sống của các thành viên Đoàn thanh tra nhằm trốn tránh hoặc giảm nhẹ hành vi vi phạm pháp luật của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế của hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra quản lý NSNN nói riêng trong thời gian qua.
Bảy là, chính sách đãi ngộ và phương tiện làm việc của cán bộ, công chức thanh tra hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và không bị tụt hậu trong việc sử dụng những phương tiện làm việc hiện đại để thực hiện nhiệm vụ.
Tiểu kết Chương 2
Từ kết quả nghiên cứu tình hình thực tế về công tác thanh tra quản lý NSNN tại Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho thấy: Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và TTCP cùng với sự tham gia của các ngành, các cấp, hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra quản lý NSNN nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; việc thực hiện pháp luật về thanh tra cơ bản theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Ở chương này luận văn đã giới thiệu khái quát về tình hình KT-XH của tỉnh Quảng Nam, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra tỉnh, tập trung nghiên cứu tìm hiểu về thực trạng trong hoạt động thanh tra quản lý NSNN, qua đó đã đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, đồng thời nêu ra những nguyên nhân dẫn đến hạn chế làm cơ sở đề xuất các giải pháp để tăng cường công tác thanh tra trong lĩnh vực quản lý NSNN tại tỉnh Quảng Nam.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC THANH TRA QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI THANH TRA TỈNH QUẢNG NAM