2.2.2.1. Điều kiện đăng ký kinh doanh
Không phải là một trong các loại hình doanh nghiệp, nhưng để có tư cách một chủ thể kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể vẫn phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh nhằm tạo ra quyền hoạt động kinh doanh cho mình.
Nghị định 109/2004/NĐ-CP quy định các điều kiện để đăng ký kinh doanh đối với một hộ kinh doanh cá thể. Về cơ bản, các điều kiện này cũng bao gồm
điều kiện về chủ thể, điều kiện về ngành nghề kinh doanh và một số điều kiện khác. Pháp luật cho phép tất cả công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình đều có quyền tham gia đăng ký kinh doanh loại hình hộ kinh doanh cá thể, trừ những người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án trước quyền hành nghề. Pháp luật quy định, mỗi một cá nhân hoặc một hộ gia đình chỉ được đăng
ký kinh doanh đối với một hộ kinh doanh cá thể.
Theo nguyên tắc, các chủ đầu tư chỉ được đăng ký kinh doanh cho hộ cá thể với những ngành nghề kinh doanh không bị pháp luật cấm, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì các chủ hộ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện
này.
Về tên kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể, chủ hộ có thể lựa chọn có dùng tên riêng cho hộ hoặc không dùng tên riêng. Trường hợp hộ kinh doanh cá thể có tên riêng, thì tên đó không được trùng với tên của hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký trong phạm vi huyện.
2.2.2.2 Thủ tục đăng ký kinh doanh
Với một quy mô nhỏ hẹp, hơn nữa, hộ cá thể không phải là một trong những loại hình doanh nghiệp, vì vậy, việc cấp đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể do cơ quan đăng ký cấp huyện thực hiện. Cơ quan này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập với tên gọi là Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện. Mặc dù vậy, không nhất thiết lúc nào cũng phải thành lập Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện, trong trường hợp không thành lập cơ quan này, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể sẽ hoặc là
Phòng Tài chính - Kế hoạch hoặc là Phòng Kinh tế (theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)
Cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình của hộ kinh doanh cá thể sẽ phải thực hiện các bước sau để đăng ký kinh doanh cho hộ:
- Gửi đơn đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Đối với những ngành, nghề mà Luật, Pháp lệnh, Nghị định quy định phải có chứng chỉ hành nghề thì kèm theo đơn phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.
Trong quy trình xét cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành các bước sau đây:
- Nhận đơn đăng ký kinh doanh của chủ hộ;
- Trao giấy biên nhận cho chủ hộ;
- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận đơn, trao giấy biên nhận, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể nếu hồ sơ đăng ký kinh doanh đầy đủ và hợp lệ:
- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể cho cơ quan thuế cùng cấp và Sở chuyên
ngành.
Hộ kinh doanh cá thể có quyền tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh phải có điều kiện.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể trong các trường hợp sau đây:
- Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Ngừng hoạt động kinh doanh quá sáu mươi ngày liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký kinh doanh;
- Chuyển địa điểm kinh doanh sang quận, huyện khác;
- Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.
Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không có quyền tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh và có thể coi như bị giải thể.
2.2.3. Thay đối, tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh
1. Khi thay đổi nội dung kinh doanh đã đăng ký, hộ kinh doanh thông báo
nội dung thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký
kinh doanh.
2. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 (ba mươi) ngày trở lên, hộ kinh doanh thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 1 (một) năm.
3. Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký đồng thời thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế
và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện.
Trong các trường hợp sau đây, hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
- Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 6 (sáu) tháng, kể từ
ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Ngừng hoạt động kinh doanh quá 6 (sáu) tháng liên tục mà không thông
báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký kinh doanh;
- Chuyển địa điểm kinh doanh sang quận, huyện khác;
- Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.
CÂU HỎI ÔN TẬP
Câu 1: Doanh nghiệp tư nhân là gì? Hộ kinh doanh cá thể là gì? Câu 2: So sánh doanh nghiệp tư nhân với hộ kinh doanh cá thể.
CHƯƠNG 3
PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY
Giới thiệu:
- Khái quát về công ty: Khái niệm, đặc điểm công ty, Hình thành công ty,
Chấm dứt công ty, Tổ chức lại công ty
- Các loại hình công ty ở Việt Nam: Công ty trách nhiệm hữu một thành
viên; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Công ty cổ phần; Công ty hợp danh
Mục tiêu:
- Nhận biết đượcnhững nội dung về việc hình thành, chấm dứt, tổ chức lại
công ty.
- Trình bày được địa vị pháp lý của các công ty ở Việt Nam.
- Vận dụng được kiến thức vào thực tế trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp để hoạt động.
Nội dung chính:
3.1. Sự ra đời, phát triển của công ty và luật công ty
3.1.1. Khái niệm chung về công ty
Luật Công ty (1990) của Việt Nam tuy không đưa ra một khái niệm chung về công ty, nhưng qua định nghĩa về công ty cổ phần, công ty TNHH thì: "Công
ty TNHH và công ty cổ phần gọi chung là công ty là doanh nghiệp trong đó các thành viên cùng góp vốn, cùng chia nhau lợi nhuận, cùng chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp và chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn của mình góp vào công ty"22.
Theo các định nghĩa trên thì công ty có ba đặc điểm cơ bản: - Sự liên kết của hai hay nhiều người hoặc tổ chức.
- Sự liên kết được thực hiện thông qua một sự kiện pháp lý (hợp đồng, điều lệ, quy chế).
- Sự liên kết nhằm mục đích chung.
Có nhiều sự liên kết giống công ty nhưng không do luật công ty điều chỉnh. Ví dụ: Cộng đồng thừa kế, các hiệp hội.
Theo khái niệm trên thì sẽ có rất nhiều loại công ty với các mục đích khác nhau, trong đó có các loại công ty thương mại hay công ty kinh doanh là loại phổ biến, ngoài ra, còn có các công ty dân sự. Trong giáo trình này chỉ đề cập tới công ty thương mại.
Công ty thương mại là loại công ty do hai hay nhiều người (tổ chức) góp vốn thành lập để kinh doanh với mục đích kiếm lợi nhuận. Từ khái niệm trên công ty kinh doanh có những đặc điểm cơ bản:
- Công ty là sự liên kết của nhiều cá nhân hoặc pháp nhân, sự liên kết này thể hiện ở hình thức bên ngoài là một tổ chức.
- Các thành viên bỏ ra một số tài sản của mình để góp vào công ty. Đây là điều kiện quan trọng để thành lập công ty. Tuy nhiên, vai trò của vốn góp đối với các loại công ty là khác nhau.
- Mục đích của việc thành lập công ty là để kinh doanh kiếm lời chia nhau. Như vậy, về thực chất công ty kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp có sự liên kết của ít nhất là hai bên, các bên tham gia có thể là thế nhân, pháp nhân, nó hoàn toàn khác với doanh nghiệp một chủ sở hữu. Tuy nhiên trên thực tế hệ thống pháp luật của một số quốc gia trong đó có Việt Nam đã quy định công ty TNHH một thành viên. Mặc dù vậy, dấu hiệu sự liên kết vẫn là đặc điểm phổ biến, cơ bản của các loại hình công ty.