Người gây thiệt hại có lỗi

Một phần của tài liệu TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY RA THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 31 - 32)

Theo cách hiểu truyền thống, “Lỗi” được hiểu là trạng thái tâm lý của con người, nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó. Việc xác định lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây thiệt hại là vô cùng quan trọng.

Về cơ bản, có hai yếu tố cấu thành lỗi là lý trí và ý chí. Trong khi, lý trí thể hiện năng lực nhận thức thực tại khách quan, thì ý chí là yếu tố biểu hiện năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở nhận thức thực tại khách quan đó. Trên cơ sở yếu tố ý chí, lỗi trong pháp luật dân sự được thể hiện dưới hai hình thức: cố ý và vô ý. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được (Khoản 2 Điều 308 BLDS năm 2005). Việc phân biệt mức độ lỗi thành “vô ý” hay “cố ý” không nhằm mục đích xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại có phát sinh hay không mà chỉ là căn cứ để xem xét giảm mức bồi thường thiệt hại. Khi người gây thiệt hại do lỗi vô ý đã gây ra thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình theo khoản 2 Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2005 thì sẽ được xem xét để miễn, giảm mức bồi thường thiệt hại

Nói tóm lại, một hành vi gây thiệt hại cho xã hội sẽ bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi chủ thể có đủ điều

kiện khách quan và chủ quan để tự do lựa chọn và quyết định một xử sự khác phù hợp với lợi ích của chủ thể khác.

Tuy nhiên, vấn đề “lỗi” trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra có những điểm khác biệt nhất định. Tùy vào độ tuổi của người chưa thành niên gây thiệt hại mà lỗi được đặt ra cho chính họ hoặc bố mẹ, người giám hộ, trường học, tổ chức quản lý khác…Nếu người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cha mẹ của người đó, như vậy, các quy định nêu trên về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra cho thấy yếu tố lỗi ở đây được xem xét ở một bình diện rộng hơn so với các trường hợp khác. Lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho người khác được xác định không chỉ đối với bản thân người chưa thành niên trực tiếp thực hiện hành vi gây thiệt hại mà còn đối với cả người có trách nhiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên (cha mẹ, người giám hộ, trường học…) do họ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.

Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2005 thì “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Căn cứ vào quy định này có thể kết luận rằng trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên, trường học, bệnh viện…về bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra được xác định trên cơ sở lỗi của chính bản thân họ. Hình thức lỗi ở đây là vô ý và được thể hiện ở chỗ cha mẹ, người giám hộ, trường học, bệnh viện…đã vi phạm nghĩa vụ quản lý, giáo dục người chưa thành niên mặc dù họ nhận thức được sự vi phạm nghĩa vụ đó có thể dẫn đến hậu quả là người chưa thành niên mà họ có nghĩa vụ giáo dục, quản lý có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác. Rõ ràng ở đây, cha mẹ, người giám hộ, trường học…không phải là người bồi thường thay cho người chưa thành niên theo nghĩa “con dại cái mang” mà chính họ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra trên cơ sở lỗi của mình theo quy định của pháp luật dân sự.

Một phần của tài liệu TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN GÂY RA THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(81 trang)
w