Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì trước tiên chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là người chưa thành niên, nếu trường hợp người chưa thành niên không đủ tài sản để bồi thường thiệt hại thì cha mẹ của người chưa thành niên phải dùng tài sản của mình để bồi thường phần còn thiếu. Cụ thể đoạn 2 khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt
hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”.
Pháp luật quy định khi người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại là của người chưa thành niên. Quy định này của pháp luật đã nâng cao trách nhiệm của người chưa thành niên trong cách cư xử của mình trong đời sống xã hội. Là chủ thể trong xã hội, cũng dần có đầy đủ quyền công dân, người chưa thành niên cũng phải dần có ý thức và rèn luyện thói quen về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong xã hội. Khi người chưa thành niên gây thiệt hại, bản thân người chưa thành niên đã có hành vi trái pháp luật và phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây ra. Từ đó, khi hành xử trong cuộc sống người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự có ý thức suy nghĩ, cân nhắc trước sau trước khi quyết định một vấn đề gì hoặc ít nhất người chưa thành niên cũng sẽ hỏi ý kiến của cha mẹ, người thân, người lớn tuổi để có cách xử sự đúng mực nhất. Sở dĩ Điều 606 quy định như vậy cũng là phù hợp với tinh thần Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2005. Luật quy định cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự không đầy đủ, nhưng khả năng nhận thức của họ đã phát triển cho nên ngoài các giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, họ còn có thể tự mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự nếu có tài sản riêng, đủ để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi tài sản riêng đó. Tuy nhiên, nếu người đó có những tài sản có giá trị lớn và đặc biệt như nhà ở, quyền sử dụng đất thì sự định đoạt các loại tài sản này vẫn cần những người đại diện theo pháp luật đồng ý. Bên cạnh đó, pháp luật quy định như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội. Ở nước ta, do điều kiện kinh tế xã hội chưa hoàn toàn phát triển, có rất nhiều trường hợp do điều kiện của gia đình, nhu cầu của bản thân mà có không ít trường hợp người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động để kiếm thu nhập hỗ trợ cho gia đình hay trang trải các khoản chi phí cho bản thân. Pháp luật lao động Việt Nam hiện hành cũng quy định cho họ có quyền tham gia vào các hợp đồng lao động và có tư cách tố tụng đối với những tranh chấp liên quan đến quan hệ lao động đó. Hơn nữa, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, thì người từ đủ mười lăm tuổi đã có năng lực hành vi tố tụng dân sự nên họ có thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự, tham gia với tư cách nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự trước Tòa án. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến những người ở độ tuổi này trong trường hợp họ là bị đơn dân sự, thì Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của những người đó tham gia tố
tụng. Xét về tư cách chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, thì cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có một phần năng lực hành vi dân sự nên họ có khả năng chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Pháp luật đã căn cứ vào những cơ sở này để quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại phải bồi thường bằng tài sản riêng của mình. Quy định này trái ngược với quy định tại đoạn thứ nhất Khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005 đối với người dưới mười lăm tuổi vì cha mẹ của người gây thiệt hại mới là người có tư cách bị đơn dân sự trước Tòa án. Theo đoạn thứ hai Khoản 2 Điều luật này, thì người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi gây thiệt hại là chủ thể có trách nhiệm bồi thường nên họ có tư cách là bị đơn dân sự, còn cha mẹ họ chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (Mục I Phần 3.1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP). Tuy nhiên, Luật cũng quy định thêm trách nhiệm bồi thường bằng tài sản của cha, mẹ thay cho con gây thiệt hại trong trường hợp con không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại.