Theo quy định tại khoản 3 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005, trong trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Theo các quy định của pháp luật về giám hộ, cụ thể tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật dân sự năm 2005, trường hợp người chưa thành niên có người giám hộ là trường hợp người chưa thành niên không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ hoặc cha mẹ của người chưa thành niên đều mất năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha mẹ có yêu cầu. Người giám hộ của người chưa thành niên có thể là những người thân thích của người chưa thành niên mà đáp ứng được các điều kiện về người giám hộ theo quy định của pháp luật; người giám hộ của người chưa thành niên cũng có thể là một cá nhân hay một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định để giám hộ cho người chưa thành niên.
Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên còn cha mẹ gây ra và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên có người giám
hộ gây thiệt hại có những điểm khác nhau nhất định. Khi xem xét đến chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nguồn gốc tài sản để bồi thường thiệt hại, trong trường hợp người chưa thành niên còn cha mẹ gây thiệt hại, yếu tố độ tuổi được đặt ra như đã phân tích ở các phần trên. Trong khi đó, đối với trường hợp người chưa thành niên có người giám hộ gây thiệt hại thì khi xem xét đến vấn đề bồi thường thiệt hại, yếu tố độ tuổi không được đặt ra để xem xét chủ thể nào sẽ có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng như nguồn gốc tài sản dùng để bồi thường thiệt hại. Về nguyên tắc, kể cả trường hợp người chưa thành niên dưới mười năm tuổi hay từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì khi gây thiệt hại, tài sản của người chưa thành niên được dùng để bồi thường thiệt hại. Như vậy nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về chính bản thân của người chưa thành niên. Tuy nhiên người chưa thành niên không tự mình thực hiện nghĩa vụ mà thông qua người giám hộ của người chưa thành niên. Điểm khác biệt thứ hai là yếu tố lỗi: trong trường hợp người chưa thành niên còn cha mẹ mà gây thiệt hại, yếu tố lỗi của cha mẹ không được đề cập. Về đương nhiên, cha mẹ phải có trách nhiệm trông nom quản lý giáo dục con cái. Cha mẹ là người thân thiết nhất của con, con cái là “máu mủ, ruột thịt” của cha mẹ, nên dù trong mọi trường hợp cha mẹ luôn yêu thương chăm sóc và chịu trách nhiệm với con cái. Trong khi đó, đối với trường hợp người chưa thành niên có người giám hộ, gây thiệt hại, yếu tố lỗi được đưa ra xem xét để miễn trách nhiệm của người giám hộ. Nếu người giám hộ chứng minh rằng mình không có lỗi trong việc quản lý người chưa thành niên thì người giám hộ không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Những quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên có người có giám hộ, gây thiệt hại nhằm giảm thiểu mức hợp lý trách nhiệm của người giám hộ để khuyến khích các cá nhân, tổ chức nhận giám hộ người chưa thành niên.
Tuy nhiên từ quy định của pháp luật về trường hợp người chưa thành niên có người giám hộ, gây thiệt hại, dường như pháp luật mới chỉ quy định cho trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại cho người thứ ba và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên cùng người giám hộ của họ trong trường hợp này. Nhưng pháp luật lại chưa dự liệu đến trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại cho chính người giám hộ của họ, vậy người chưa thành niên có phải bồi thường thiệt hại cho người giám hộ hay không? Nếu căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, giả sử khi người chưa thành niên gây thiệt hại cho người giám hộ của họ, người giám hộ cũng là một chủ thể trong xã hội cũng cần phải được đảm bảo quyền và lợi ích hợp
pháp như những chủ thể khác. Do vậy, cũng cần phải được bồi thường kịp thời và toàn bộ những thiệt hạ đã xảy ra. Khi đó, tài sản của người chưa thành niên sẽ được dùng để bồi thường cho người giám hộ. Theo khoản 3 Điều 606 Bộ luật dân sự, người giám hộ sẽ đại diện cho người chưa thành niên, dùng tài sản của người chưa thành niên để bồi thường cho chính mình. Nếu áp dụng đúng quy định của pháp luật, thì quyền và lợi ích của người chưa thành niên có được đảm bảo hay không; mặc khác khoản 3 Điều 69 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “C ác giao dịch dân sự giữa người giám hộ với n gười được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ t rường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng
ý của người giám sát việc giám hộ”. Một tình huống khác, theo quy định của pháp luật, nếu người chưa thành niên không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thiệt hại thì người giám hộ phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Như vậy thì lại thật phi lý khi mà một người bị thiệt hại nhưng lại phải lấy tài sản của chính mình để bồi thường cho mình bởi hành vi gây thiệt hại của một chủ thể khác. Từ những quy định của pháp luật và những trường hợp vừa nêu ra, phải chăng nếu xảy ra trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại cho chính người giám hộ thì coi như “hòa cả làng” người chưa thành niên không cần phải bồi thường thiệt hại, nếu vậy thì quyền lợi của người giám hộ không được đảm bảo, nguyên tắc bồi thường thiệt hại đã bị phá vỡ. Nếu chọn giải pháp người giám hộ vẫn được bồi thường thì pháp luật cần có quy định như thế nào và thực hiện ra sao cho hợp tình hợp lý, quyền và lợi ích của cả hai bên đều được đảm bảo?