Từ quy định của pháp luật về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, có thể thấy có hai nhóm thiệt hại cần bồi thường là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
Đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm thì chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất. Còn đối với ba trường hợp còn lại được quy định trong luật là thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bên cạnh việc bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất xảy ra, còn phải bồi thường thiệt hại về tinh thần.
2.3.3.1 Mức bồi thường thiệt hại về vật chất
Trong cả bốn trường hợp về xác định thiệt hại: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; pháp luật đều quy định rất rõ cách tính các thiệt hại đã thực tế xảy ra. Các thiệt hại này là cơ sở để bồi thường thiệt hại. Do thiệt hại vật chất có thể trực tiếp tính được chi tiết cho nên thông thường thiệt hại bao nhiêu sẽ bồi thường bấy nhiêu.
2.3.3.2 Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần
Trong bốn trường hợp về xác định thiệt hại, thì có duy nhất trường hợp thiệt hại do tài sản bị xâm hại, pháp luật chỉ quy định các thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất mà không có quy định thiệt hại về tinh thần. Do vậy căn cứ theo quy định của pháp luật thì đối với trường hợp gây thiệt hại cho tài sản, người bị thiệt hại chỉ có thể yêu cầu và người có trách nhiệm bồi thường chỉ phải bồi thường những thiệt hại vật chất đã xảy ra. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, khi điều kiện sống ngày càng phát triển, có những tài sản mặc dù giá trị vật chất rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa về mặt tinh thần vô cùng lớn lao đối với chủ sở hữu tài sản đó. Tài sản đó có thể là vật kỷ niệm, cũng có thể là kỷ vật của người quá cố để lại… Khi thiệt hại đối với tài sản xảy ra, những tổn thất vật chất có thể nhỏ nhưng những tổn thất về tinh thần lại vô cùng lớn lao. Khi đó người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại về tinh thần và Nhà nước cũng tôn trọng sự tự thỏa thuận của hai bên chỉ cần thỏa thuận đó không trái pháp luật, không vi phạm điều cấm và không vi phạm đạo đức xã hội.
Đối với trường hợp xác định thiệt hại còn lại là thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị
xâm phạm; bên cạnh quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, pháp luật còn quy định trách nhiệm bồi thường những tổn thất về tinh thần.
Đối với cả ba trường hợp nêu trên, pháp luật đều quy định mức độ bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở sự tôn trọng của các bên đối với pháp luật và đạo đức xã hội. Sở dĩ pháp luật trước tiên quy định cho các bên tự thỏa thuận bởi khác với các thiệt hại vật chất có thể tính toán cụ thể để làm căn cứ xác định mức bồi thường, những thiệt hại, tổn thất về tinh thần rất khó xác định được chính xác và không có một đơn vị đo hay phương pháp đo nào có thể được áp dụng để xác định mức độ tổn thất. Mặt khác, mọi người cũng đều cho rằng tinh thần của con người vô cùng quý giá và không thể quy đổi hay xác định bằng tiền, khi tổn thất tinh thần xảy ra, không có mức giá nào có thể bù đắp được hoàn toàn những tổn thất đấy. Những trị giá cụ thể dùng để bồi thường chỉ là bù đắp phần nào tổn thất và nhằm mục đích chính là an ủi người bị thiệt hại. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp các bên đều có thể thỏa thuận được bởi trong quan hệ bồi thường thiệt hại luôn luôn tồn tại sự xung đột lợi ích giữa bên chịu trách nhiệm bồi thường và bên được bồi thường. Nhưng nếu các bên không thể thỏa thuận thì tranh chấp sẽ đi vào bế tắc. Chính vì vậy để giải quyết được tranh chấp, pháp luật đã quy định nếu trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì pháp luật đưa ra một mức giới hạn làm căn cứ giải quyết cho các bên. Đối với trường hợp thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, mức tối đa bồi thường tổn thất về tinh thần không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, mức tối đa bồi thường tổn thất về tinh thần không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại, mức tối đa bồi thường tổn thất về tinh thần không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Thực tế áp dụng quy định của pháp luật trong thời gian qua đã cho thấy một thực tại đau lòng: Các tài xế vô lương tâm sau khi gây tai nạn xét thấy bên cạnh bồi thường những chi phí điều trị, bồi thường tổn thất về tinh thần đối với trường hợp sức khỏe bị xâm phạm còn có thể phải trợ cấp cho người bị tai nạn cả đời. Chính vì vậy, tài xế chẳng may gây tai nạn đã táng tận lương tâm đâm chết người bị hại, bởi chi phí bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa chỉ là sáu mươi tháng lương tối thiểu. Trong cách xử sự của những tài xế này, tính mạng con người đáng quý như vậy lại trở nên quá rẻ mạt. Vì vậy mà pháp luật cần có những xử phạt thật nghiêm minh đối với những tài xế đã lựa chọn cách xử sự tàn nhẫn như vậy.