IV. HẠCH TOÁN XÁC ĐỊNH KẾT QUẢ TIÊU THỤ TẠI CÔNG TY DỆT 19-5 HÀ NỘ
2. Những tồn tại.
* Về cách tính giá thành phẩm:
Về nguyên tắc, thành phẩm phải được theo dõi phản ánh một cách thường xuyên sự biến động cả về số lượng và giá trị. Tại công ty Dệt 19 -5 Hà Nội, thành phẩm nhập kho được tính theo giá thành công xưởng thực tế, thành phẩm xuất kho được đánh giá theo giá đơn vị bình quân gia quyền. Song giá thành công xưởng thực tế và giá đơn vị bình quân chỉ được xác định vào cuối tháng trong khi đó các nghiệp vụ nhập, xuất, tồn diễn ra hằng ngày đòi hỏi kế toán phải ghi chép theo dõi thường xuyên. Vì vậy sau mỗi nghiệp vụ nhập, xuất thành phẩm chỉ theo dõi được về mặt lượng còn không phản ánh được trị giá thành phẩm nhập kho, xuất kho và tồn kho.
* Về hạch toán chi tiết thành phẩm:
Công ty Dệt 19-5 Hà Nội sử dụng phương pháp ghi thẻ song song để hạch toán chi tiết thành phẩm. Vì vậy nó có sự trùng lặp giữa kho và phòng kế toán theo chỉ tiêu số lượng làm tăng khối lượng ghi chép của kế toán.
* Về việc xác định doanh thu bán hàng:
Do đơn vị sử dụng giá bán động nên trong thực tế có những trường hợp Công ty thay đổi giá bán vào thời điểm cuối tháng, ghi theo giá tạm tính nhưng khách hàng chưa chấp nhận và không phản hồi ngay trong tháng nên Công ty đã hạch toán vào doanh thu và kê khai thuế GTGT đầu ra trong tháng. Việc giải quyết phần chênh lệch giá là rất khó khăn không thể huỷ hoá đơn bán hàng vì đã kê khai thuế, đồng thời cũng không hạch toán vào khoản giảm giá được vì không phải do chất lượng. Thường Công ty hạch toán vào hàng bán bị trả lại. Do vậy TK 531- hàng bán bị trả lại sử dụng ở Công ty không phản ánh đúng thực chất nội dung của nó.
* Về việc hạch toán tổng hợp tiêu thụ thành phẩm:
Để hạch toán tổng hợp thành phẩm cuối tháng kế toán lập bảng tổng hợp nhập - xuất - tồn kho thành phẩm (bảng kê số 8). Phần xuất thành phẩm, ngoài việc xuất để bán, kế toán hạch toán một số trường hợp xuất khác (xuất giới thiệu sản phẩm, xuất phục vụ cho hội nghị tiếp khách).
-Khi xuất kho thành phẩm đi giới thiệu sản phẩm kế toán ghi Nợ TK 641
Có TK 155
-Và khi xuất thành phẩm trực tiếp từ phân xưởng phục vụ hội nghị tiếp khách kế toán ghi:
Nợ TK 6428 Có TK 154
Theo cách hạch toán này chứng tỏ công ty không xác định đây là trường hợp xuất có doanh thu và không tính thuế GTGT. Việc hạch toán như vậy là không chính xác.
* Về việc sử dụng tài khoản kế toán:
Do ở Công ty không sử dụng TK 157 nên trong thực tế khi Công ty xuất hàng vận chuyển đến địa điểm yêu cầu của khách hàng thì Công ty đã xác định ngay là tiêu thụ và ghi nhận giá vốn theo định khoản:
Nợ TK 632 Có TK 155
Theo em hạch toán như vậy là không thoả đáng vì trong những trường hợp giao hàng tại địa điểm rất xa hàng không thể giao được ngay cho khách hàng trong những trường hợp như vậy Công ty nên hạch toán vào TK 157. Hơn nữa Công ty chỉ mở chi tiết TK 5112 cho từng loại thành phẩm và TK131 cho từng loại khách hàng còn TK 155 và TK 632 không được chi tiết cho từng loại thành phẩm vải mành, vải bạt, sản phẩm may. Vì vậy rất khó cho việc đối chiếu chi tiết và tổng hợp.
* Về việc trích lập dự phòng:
Tại Công ty Dệt 19-5 Hà Nội có một khoản "Phải thu khách hàng" rất lớn. Trong tháng 11 số nợ phải thu khách hàng của Công ty là 23.353.089.257 đồng trong đó có đến 4.759.903.297 đồng khách hàng nợ quá hạn. Theo chế độ quy định, để dự báo những rủi ro, tổn thất có thể xảy ra trong tương lai các doanh nghiệp được phép lập dự phòng. Trong thực tế Công ty không trích lập dự phòng, do vậy khi xảy ra trường hợp khách hàng bị phá sản không có khả năng thanh toán thì Công ty không có khoản dự phòng để bù đắp những rủi ro.
* Về phương pháp hạch toán .
Công ty Dệt 19-5 Hà Nội sử dụng phương pháp kê khai thường xuyên để hạch toán hàng tồn kho nhưng khi áp dụng Công ty vẫn chưa cập nhật được số
liệu trong ngày. Một số TK chỉ được ghi vào cuối kỳ như TK 155, TK 632...sau khi đã tính ra được đơn giá bình quân gia quyền.
∗ Về việc phân bổ chi phí quản lý doanh nghiệp :
Chi phí quản lý của doanh nghiệp thường phát sinh nhiều do đó trong kỳ hạch toán, kế toán kết chuyển một phần chi phí quản lý doanh nghiệp vào TK 1422- chi phí chờ kết chuyển, phần còn lại được phân bổ cho lượng hàng tiêu thụ trong kỳ. Việc phân bổ chi phí quản lý doanh nghiệp vào TK 1422 tuỳ thuộc vào kinh nghiệm của kế toán, còn việc phân bổ chi phí cho hàng tiêu thụ trong kỳ không theo một tiêu thức đồng nhất. Vì vậy nó sẽ không phản ánh đúng kết quả kinh doanh trong kỳ.
* Về công tác tăng cường tiêu thụ sản phẩm
Mặc dù Công ty có sử dụng TK 811, 532 nhưng thực tế Công ty ít có biện pháp khuyến khích việc mua hàng với số lượng lớn và mua hàng thanh toán tiền hàng trước thời hạn quy định. Vì vậy không tạo nên động cơ khuyến khích khách hàng, tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm.