Những khó khăn và nguyên nhân

Một phần của tài liệu dịch vụ thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh lạng sơn (Trang 66 - 72)

- Nhân hạt điều tấn 18.106,5 2.003 1.595 1.098,5

2.3.2. Những khó khăn và nguyên nhân

* Đối với dịch vụ thương mại:

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam và Trung Quốc trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng một điều dễ nhận thấy là mối quan hệ đó chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị và tiềm năng của mỗi nước. Cán cân thương mại giữa 2 nước còn bất lợi cho phía Việt Nam, do mức nhập siêu của Việt Nam có xu hướng tăng. Riêng địa bàn Lạng Sơn, kim ngạch nhập khẩu thường chiếm tỷ trọng từ 65 - 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.

Chất lượng sản phẩm hàng hoá trao đổi giữa 2 bên chưa phản ánh đúng thực lực kinh tế của mỗi nước. Trong buôn bán biên giới, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng chiếm tỷ trọng đáng kể, gây ảnh hưởng không tốt cho tiêu dùng.

Hàng hoá Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu dạng thô, chất lượng không đồng đều, mẫu mã và hình thức không đẹp, chủ yếu mang tính thời vụ, nhất là đối với hàng hoa quả. Vấn đề yếu nhất của ngành sản xuất rau quả của ta là thiếu sự liên kết từ khâu trồng trọt, bảo quản chế biến đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khâu tiêu thụ sản phẩm thì tự tìm kiếm khách hàng, mạnh ai nấy làm, thiếu sự thống nhất trong giao dịch buôn bán.

Trong những năm qua, phần lớn sản phẩm hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đưa sang thị trường Trung Quốc tiêu thụ đều được thực hiện dưới hình thức buôn bán hàng hoá mậu dịch biên giới. Các cam kết đàm phán không được thực hiện theo thông lệ quốc tế mà đều thực hiện trên cơ sở quen biết truyền thống, chữ tín và lòng tin giữa 2 bên làm cơ sở. Do vậy, việc thực hiện các yêu cầu về thủ tục xuất khẩu hàng hoá như hợp đồng kinh tế, hoá đơn thương mại... đã và đang thực hiện đều thiếu tính thực tế, các thủ tục này được

2 bên xuất khẩu và nhập khẩu lập ra để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của phía Việt Nam mà không có giá trị thực tế về cam kết và giải quyết tranh chấp.

Lạng Sơn chưa có chiến lược về mặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp địa phương chưa chủ động nắm bắt thị trường nên khi thị trường trong và ngoài nước biến động, thường là bị động, số lượng, chủng loại hàng hoá, kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của địa phương đạt thấp.

- Về cơ chế thanh toán tiền hàng xuất khẩu:

Thực tế hiện nay thanh toán biên mậu qua ngân hàng mới đủ điều kiện để được hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng việc thanh toán này gây không ít khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp bởi tỷ giá hối đoái của ngân hàng. Các ngân hàng không dự trữ đồng NDT để kinh doanh mà chỉ thực hiện thanh toán và hối đoái khi có nhu cầu của từng thương vụ phát sinh. Do vậy, việc ngân hàng áp đặt tỷ giá thanh toán đồng NDT cho tiền hàng xuất khẩu thường thấp hơn nhiều so với thị trường, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận vì đó là một trong những điều kiện để được hoàn thuế giá trị gia tăng và bởi đồng NDT không được phép lưu gửi tại tài khoản ngoại tệ doanh nghiệp.

Công tác xúc tiến thương mại: Hiện nay hầu hết các trung tâm xúc tiến thương mại ở địa phương mới được thành lập và hoạt động còn non trẻ. Các trung tâm xúc tiến thương mại vẫn chưa phát huy đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của mình, một phần do cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại còn yếu về trình độ chuyên môn, chưa nắm bắt kịp thời thông tin, kiến thức mới. Công tác quy hoạch, kế hoạch tiếp nhận thông tin về thị trường từ các ngành và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Vốn đầu tư cho phát triển dịch vụ thương mại của tỉnh còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh trong các doanh nghiệp cả về trình độ và năng lực chưa đáp ứng được những yêu cầu mới.

Trước hết chúng ta chưa nhạy bén trong việc dự báo trước sự phát triển và hội nhập của thị trường Trung Quốc. Đặc biệt là đối tác thường hay thay đổi về cơ chế, chính sách nhất là chính sách về biên mậu, dẫn đến việc xuất khẩu của ta gặp khó khăn vướng mắc, thua thiệt, thậm chí không xuất khẩu được, lúc đó ta mới có sự điều chỉnh, bổ sung để thích nghi. Đây là việc làm hoàn toàn bị động trong chính sách điều hành vĩ mô. Cho đến nay chúng ta chưa đưa ra được các quy định thích hợp nhằm đơn giản hoá đối với các thủ tục đối với các loại hình xuất khẩu mậu dịch biên giới. Thực tế lượng hàng hoá xuất khẩu nông sản, rau quả (các mặt hàng chủ lực) qua các cửa khẩu phụ và các cặp chợ của Lạng Sơn là không nhỏ, nhưng việc hoàn thiện hồ sơ sau khi xuất khẩu để người xuất khẩu thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của pháp luật vẫn gặp không ít khó khăn.

Về hoạt động xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin: Công tác này thời gian qua làm chưa hiệu quả, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu các thông tin về thị trường, nhất là các cơ chế chính sách và điều kiện của thị trường Trung Quốc.

Một số hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng chưa được triển khai thực hiện như Hiệp định đảm bảo chất lượng hàng hoá quá cảnh, Hiệp định về hỗ trợ tư pháp.

Công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý biên mậu chưa thực sự có hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh trong các doanh nghiệp cả về trình độ và năng lực chưa đáp ứng được những yêu cầu mới đang đặt ra, song lại chưa được quan tâm đào tạo và đào tạo lại cả ở trong nước cũng như nước ngoài.

* Đối với dịch vụ du lịch:

Về nhận thức: Các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác phát triển du lịch đã cơ bản hoàn chỉnh, nhưng công tác tuyên truyền chưa

được sâu rộng và thường xuyên, do đó chưa tạo ra được sự chuyển biến sâu sắc nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, nhất là trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ đặc biệt là dịch vụ thương mại và du lịch.

Về công tác quy hoạch và đầu tư còn nhiều hạn chế, chất lượng các dự án về du lịch chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, tiến độ thực hiện các dự án quy hoạch phát triển du lịch và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch, điểm tham quan du lịch, cải tạo nâng cấp các khu danh lam thắng cảnh, di tích còn chậm và chất lượng chưa cao, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho du lịch vừa ít, vừa dàn trải nên đến nay Lạng Sơn vẫn chưa có khu du lịch trọng điểm được đầu tư xây dựng một cách hoàn chỉnh.

Về chất lượng dịch vụ du lịch còn thấp, chưa tạo ra nét đặc sắc cho du lịch Lạng Sơn, chưa có khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Hiệu quả khai thác các tour du lịch chưa cao, các tour du lịch nội tỉnh hình thành chưa rõ nét. Số lượng hướng dẫn viên du lịch đạt tiêu chuẩn còn quá thấp. Chất lượng phục vụ ăn, nghỉ, đi lại của du khách mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, chưa tạo được tính hấp dẫn cho du khách.

Về hoạt động xúc tiến du lịch còn nhiều yếu kém, vai trò tư vấn của trung tâm xúc tiến thương mại và du lịch đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch chưa được phát huy. Công tác tuyên truyền quảng bá cho du lịch chưa được sâu rộng, số lượng và chất lượng của các ấn phẩm phục vụ quảng bá du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Lễ hội du lịch tổ chức hàng năm bước đầu đã có tác dụng tốt nhưng quy mô còn nhỏ và chưa

nêu bật được nét truyền thống của vùng có bản sắc dân tộc phong phú, nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến với Lạng Sơn.

Về nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ du lịch: Đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước và kinh doanh du lịch vừa thiếu lại vừa yếu về trình độ năng lực. Công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch tại các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chưa được chú trọng. Chưa có chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích và thu hút cán bộ đã được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp lên Lạng Sơn. Các doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược về nguồn lực cho phát triển bền vững.

- Nguyên nhân:

Một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của dịch vụ du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh tuy được kiện toàn về mặt tổ chức, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Do đó, chưa đánh giá hết nguồn lực để khai thác khả năng đầu tư.

Phương thức quản lý của ngành còn nặng về bao cấp, vì thế công tác bố trí vốn đầu tư dàn trải, khai thác và phát huy hiệu quả chậm.

Hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước về du lịch còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là chính sách về phát triển kinh tế cửa khẩu có liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Chưa tạo ra sự phối hợp đồng bộ và thống nhất giữa các ngành chức năng trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết 18 về phát triển du lịch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Hệ thống cơ sở và hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch của Lạng Sơn chưa đủ sức thu hút khách lưu trú lại lâu hơn, đặc biệt là khách quốc tế. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch và hỗ trợ xúc tiến du lịch còn ít, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của ngành.

Việc tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng cục Du lịch và các bộ, ngành trung ương trong thực hiện chương trình quốc tế về phát triển hạ tầng du lịch còn hạn chế.

Kết luận chương 2

Thực trạng phát triển dịch vụ thương mại và du lịch trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể, song cũng đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết như chất lượng dịch vụ du lịch thấp, công tác đầu tư quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa có chiến lược về mặt hàng xuất khẩu... Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp khả thi để phát triển dịch vụ thương mại và du lịch đang đặt ra một vấn đề bức thiết. Nó đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ các cấp các ngành và các địa phương trong tỉnh. Phải đề ra được một quy hoạch phát triển tổng thể với với hệ thống giải pháp toàn diện từ cơ chế chính sách đến việc chỉ đạo kinh doanh; từ việc bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực đến nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật để đưa dịch vụ thương mại và du lịch Lạng Sơn từng bước phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương 3

Một phần của tài liệu dịch vụ thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh lạng sơn (Trang 66 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w