I. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH DOANH CỦA CÔNG TY AIRIMEX TRONG THỜI GIAN TỚA
1. Các yếu tố tác động đến chiến lược kinh doanh của Công ty
Công ty xuất nhập khẩu Hàng không là một mắt xích trong dây chuyền vận tải của ngành Hàng không, sự phát triển của Công ty quan hệ chặt chẽ với sự đầu tư và phát triển của các đơn vị trong Tổng Công ty, trong Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Bởi vậy để có chiến lược kinh doanh và phát triển phù hợp không những phải phân tích các yếu tố tác động trực tiếp đến Công ty mà cần phải xem xét kỹ càng trên nhiều khía cạnh những nhân tố tác động đến ngành Hàng không nói chung nhằm đánh giá đúng những lợi thế, cơ hội và thách thức đối với Công ty trong quá trình phát triển.
1.1.Các yếu tố chính trị-kinh tế-xã hội.
1.1.1.Chính trị
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, thế giới đã chuyển sang một giai đoạn hợp tác mới thay cho sự đối đầu kéo dài hàng mấy thập kỷ và nhất là sau khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được bình thường hoá tiếp theo là Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên thứ 9 của ASEAN, tổ chức AFTA, và mới đây là APEC. Như vậy, kinh tế đối ngoại của chúng ta có những bước phát triển mới. Nhiều trang thiết bị có hàm lượng kỹ thuật-công nghệ cao phục vụ cho ngành Hàng không ta có thể mua dễ dàng, nhiều Công ty lớn ở nước ngoài sẵn sàng bắt tay liên doanh với các đơn vị trong ngành và mong muốn đựơc đầu tư hoặc trợ vốn cho ngành Hàng không mua thiết bị hiện đại (kể cả máy bay). Đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho Công ty phát triển.
1.1.2. Dân số và thu nhập
Mức tăng dân số trung bình 1,8 đến 2%/năm và thu nhập bình quân đầu người tăng 6 đến 7%/năm, kết hợp với sự phát triển của ngành du lịch và với xu hướng tiết kiệm thời gian của xã hội hiện đại sẽ làm tăng sức mua hàng hoá và dịch vụ trong đó có dịch vụ vận tải đường hàng không. Vì vậy các đơn vị trong ngành Hàng không phải tăng đầu tư mua sắm thiết bị để phục vụ nhu cầu ngày một tăng, theo dự đoán nhu cầu này tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập.
1.1.3. Chính sách vĩ mô.
Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và VIII của Đảng, với đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước theo định hướng XHCN, hệ thống các văn bản và chính sách đang ngày càng được bổ sung hoàn thiện, trong đó đáng chú ý là các chủ trương sau:
+ Khu vực doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục nắm giữ và tăng cường hơn vai trò chỉ đạo trong nền kinh tế quốc dân ở những lĩnh vực then chốt. Nhà nước tiếp tục chấn chỉnh và xây dựng để các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả theo hướng xoá bỏ chế độ Bộ chủ quản của các cấp hành chính, tổ chức hãng kinh doanh lớn và cổ phần hoá một số doanh nghiệp.
+ Trong tương lai gần, nước ta sẽ hình thành đồng bộ các loại thị trường: Hàng hoá và dịch vụ, sức lao động, vốn, bất động sản...và đặc biệt thị trường chứng khoán sẽ ra đời. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty phát triển nếu biết nắm lấy thời cơ và chuẩn bị tốt các điều kiện tiền đề.
+ Hệ thống pháp luật và các quy định về Hàng không ngày nay càng được củng cố, hoàn thiện và hoà nhập với luật Hàng không dân dụng của các nước khác trên thế giới, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, phục vụ có hiệu quả chủ trương mở cửa làm bạn với tất cả các nước trên thế giới trong lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội.
1.1.4. Sự phát triển của công nghệ Hàng không thế giới.
Công nghệ và kỹ thuật hiện đại đang biến đổi về chất trong hoạt động của ngành Hàng không. Trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 này sẽ ra đời nhiều thế hệ máy bay mới có chỉ số kinh tế kỹ thuật tốt hơn, tiện nghi cho hành khách và người lái sử dụng, sản xuất bằng vật liệu mới, áp dụng công nghệ tin học và trí tuệ nhân tạo, có tiếng ồn thấp...Trong khi đó trên thế giới đang diễn ra quá trình trật tự hoá hoạt động không tải, mức cạnh tranh
giữa các hãng Hàng không ngày càng khốc liệt sẽ xuất hiện các siêu hãng Hàng không, liên minh các hãng Hàng không... Đây là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Hàng không Việt Nam kể cả mặt tích cực và tiêu cực và hiển nhiên là có tác động nhiều đến sự phát triển của Công ty trong những năm tới.
1.2. Xu hướng phát triển của các phương tiện giao thông công cộng.
Cơ cấu hạ tầng xã hội ngày càng phát triển sẽ là tiền đề và cơ sở thúc đẩy cho các phương tiện giao thông công cộng phát triển trong tương lai. Một đối thủ cạnh tranh rất đáng quan tâm của ngành Hàng không trên các tuyến bay nội địa chính là các loại phương tiện giao thông: đường sắt, đường bộ và đường thuỷ.
1.3. Các yếu tố có liên quan.
+ Luật thương mại đã được ban hành, bộ luật này ra đời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành kinh tế đối ngoại, Công ty sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước. Nhưng Bộ luật thương mại cũng sẽ đặt Công ty xuất nhập khẩu Hàng không và những thử thách mới đó là tính cạnh tranh.
+ Trong Tổng Công ty Hàng không hiện có đến 4 doanh nghiệp được phép xuất nhập khẩu trực tiếp. Trong khi đó quy chế xuất nhập khẩu của Tổng Công ty ban hành nhưng hoàn toàn chưa phù hợp với thực tế khách quan gây nên sự lãng phí không đáng có trên mọi phương diện của toàn Tổng Công ty.
2. Dự báo thị trường.
Thị trường các lĩnh vực của Công ty đều có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Các nhân tố tác động chính như: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế xã hội đất nước, tốc độ tăng dân số, tốc độ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sự phát triển các ngành kinh tế, các đơn vị trong ngành Hàng không tích cực trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại... đều có xu hướng tác động đến cầu của thị trường.
Với dự báo của Nhà nước trong những năm tới tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng từ 8-10%/năm (trong đó: giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 4,3- 4,5%/năm, công nghiệp tăng 14-15%/năm, các ngành dịch vụ tăng 13- 14%/năm), hơn nữa nước ta đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển vì vậy ngành vận tải nói chung và ngành vân tải Hàng không nói riêng trong những năm tới sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của thu nhập.
2.1. Thị trường trong ngành.
Trong những năm tới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hãng Hàng không sẽ đầu tư nhiều vào việc thuê và có khả năng mua các loại máy bay hiện đại, kéo theo đó là nhà ga, sân bay, quản lý không lưu...cũng phải nhanh chóng thay đổi công nghệ để đảm nhiệm những chức năng của mình phù hợp với sự phát triển của ngành. Hoạt động của Công ty có thể xảy ra theo hai hướng.
+ Nếu Tổng Công ty vẫn để nguyên mọi hình thái hoạt động như bây giờ (nghĩa là vẫn để 4 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp và các đơn vị tự do tìm đối tác xuất nhập khẩu uỷ thác) thì mức tăng trưởng của Công ty bình quân hàng năm là 5-6%/năm.
+ Nếu Cục Hàng không và Tổng Công ty Hàng không có những quy định cụ thể về công tác xuất nhập khẩu theo hướng thống nhất thì sản lượng của Công ty tăng hàng năm sẽ là từ 10-12%/năm.
2.2. Thị trường ngoài ngành.
Với mức tăng trưởng của nền kinh tế như dự báo ở trên, trong những năm tới Công ty sẽ tích cực đầu tư nhân lực, tài chính để mở rộng kinh doanh ngoài ngành kể cả xuất khẩu. Đây là thị trường Công ty chưa có nhiều kinh nghiệm nên cũng chỉ cố gắng mức tăng trưởng hàng năm từ 4-5%/năm.
B.ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY AIRIMEX TRONG THỜI GIAN TỚI.
Để có mục tiêu phù hợp và làm cơ sở để xây dựng các chiến lược kinh doanh và phát triển cần phải có quan điểm đúng đắn trong môi trường các yếu tố tác động, Công ty xuất nhập khẩu Hàng không xác định quan điểm phát triển Công ty đến năm 2010 như sau:
+ Là một đơn vị thành viên hạch toán độc lập trong Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu, với vai trò là đơn vị chủ chốt trong công tác nhập khẩu các trang thiết bị phục vụ cho ngành Hàng không là một trong những ngành kinh tế huyết mạch của quốc gia.
+ Lấy mục tiêu phục vụ nền kinh tế quốc dân nói chung, về hiệu quả chung cho toàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng là mục tiêu cơ bản trong suốt quá trình phát triển của Công ty.
+ Lấy nội lực của bản thân là cơ bản và sự hỗ trợ của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam làm chỗ dựa trong việc phát triển cơ sở vật chất hạ tầng của Công ty, bên cạnh đó tranh thủ vận dụng tối
đa các cơ hội huy động nguồn lực từ bên ngoài để nhanh chóng đưa Công ty trở thành một đơn vị mạnh trong Tổng Công ty.
Trước quan điểm rõ ràng, đúng đắn phù hợp với hoàn cảnh nền kinh tế trong nước, phù hợp với bối cảnh của ngành Hàng không Việt Nam và thực trạng Công ty hiện nay, AIRIMEX đã đưa ra những mục tiêu, chính sách, phương hướng trong giai đoạn 2000-2010 như sau:
1. Mục tiêu phát triển.
Mục tiêu phát triển của Công ty xuất nhập khẩu Hàng không giai đoạn 2000-2010 là: Xây dựng Công ty trở thành một doanh nghiệp Nhà nước có quy mô phù hợp với sự phát triển của ngành Hàng không; có cơ cấu kinh doanh hợp lý; có đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên đủ trình độ chuyên môn để quản lý, điều hành Công ty trở thành một doanh nghiệp có tên tuổi và vị trí xứng đáng trên thị trường.
Nội dung chính của mục tiêu
* Xây dựng Công ty trở thành một doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu với mặt hàng phục vụ cho ngành Hàng không là chủ yếu có quy mô phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và nhiệm vụ được giao, cụ thể là:
- Xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng mà trước tiên là xây dựng trụ sở làm việc của Công ty tại khu vực 100 Nguyễn Văn Cừ trong giai đoạn 2000-2005 với tổng diện tích làm việc khoảng 4000m2, sau đó tuỳ theo hoàn cảnh xây dựng trụ sở cho chi nhánh phía Nam đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và chi nhánh miền Trung đặt tại Đà Nẵng.
- Hệ thống trang thiết bị hiện đại bao gồm các đội xe con, xe tải nhẹ để vận chuyển hàng, hệ thống máy tính nối mạng địa phương (local netware), các phòng ban trong Công ty với các phần mềm quản lý, kế toán hiện đại sẵn sàng hoà mạng của toàn Tổng Công ty nếu có.
- Hệ thống máy photocopy, máy fax, thông tin liên lạc hiện đại đáp ứng lượng thông tin nhanh, kịp thời và đảm bảo nhiều cuộc đàm thoại cùng một lúc.
* Phát triển Công ty với cơ cấu kinh doanh hợp lý trong đó lấy xuất nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho ngành Hàng không làm hoạt động trọng tâm, chủ yếu xuyên suốt quá trình phát triển, đồng thời mở rộng và phát triển các hoạt động kinh doanh các mặt hàng ngoài ngành.
- Đáp ứng mọi nhu cầu trong ngành với phương châm phục vụ cho sự nghiệp phát triển của ngành là chính, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để chiếm lĩnh thị trường trong nghành với dự kiến kim ngạch nhập khẩu máy
bay, thiết bị khoảng 80 triệu USD/năm vào năm 2000 và khoảng 120 triệu USD vào năm 2010.
- Tích cực tìm kiếm thị trường ngoài ngành để kinh doanh các mặt hàng khác như ô tô, xe máy, máy bơm, kinh doanh vận tải hàng hoá, liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để có thể mở xưởng lắp rắp hoặc sản xuất các mặt hàng dân dụng. Phải chuẩn bị mọi điều kiện để có thể bắt đầu từ năm 2000, có thể kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng may mặc, lương thực, thuỷ sản, đồ mỹ nghệ...kể cả xuất tiểu ngạch. Đảm bảo đến năm 2000-2005 kim ngạch xuất khẩu chiếm 10-13% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Công ty và tăng lên 20% trong giai đoạn 2005-2010.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên giúp việc và công nhân viên có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, ngoại ngữ tiếp thu được khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, phẩm chất chính trị tốt, biết thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình trong sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đặc biệt là cán bộ quản lý điều hành và các chuyên viên giúp việc.