CHƯƠNG III: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NHẬP KHẨU TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN
3.4 MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỚI NHÀ NƯỚC
Để gia nhập WTO, Nhà nước đã hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật liên quan đến thương mại cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều điều bất hợp lý, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà. Chính vì vậy trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục có những biện pháp nhằm tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ công bằng và thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ trong việc quản lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Nhà nước cũng cần đơn giản hoá các thủ tục hành chính, thực hiện chính sách một cửa một dấu, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý như việc quản lý, xử lý các đơn thư của doanh nghiệp thông qua Internet. Những thủ tục này nếu được giảm đi sẽ giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Gia nhập WTO, Nhà nước không thể có những chính sách bảo hộ các doanh nghiệp trong nước vì sẽ vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO. Tuy nhiên, Nhà nước hoàn toàn có thể hỗ trợ theo một cách khác. Đầu tiên là hỗ trợ về thông tin thị trường, Nhà nước có thể cung cấp công khai các thông tin trên các phương tiện thông tin như sách, báo,tạp chí, truyền hình, truyền thanh và đặc biệt là Internet các thông tin về thị trường, về doanh nghiệp mà đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, thị trường nước ngoài đồng thời cảnh báo trong trường hợp có biến động xấu trên thị trường trong nước và quốc tế, các cảnh báo về những rủi ro khi kinh doanh trên một thị trường nào đó.
Một cách khác, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu những người có trình độ, năng lực trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, do vậy ngay từ khâu đào tạo tại các trường đại học, các bài giảng cần đi sát hơn với yêu cầu thực tế. Nhà nước có thể mở ra các lớp nghiệp vụ do những người thực sự có năng lực, trình độ, kinh nghiệm hoặc có thể thuê cả các giảng viên nước ngoài để phục vụ nhu cầu đào tạo cán bộ xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
KẾT LUẬN
Từ khi thành lập đến nay đã gần 50 năm tồn tại và phát triển, cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước, Công ty cổ phần phát triển xây dựng và xuất nhập khẩu Sông Hồng đã có được những bước đi vững chắc, đạt được những thành công lớn trong việc phát triển hoạt động kinh doanh, nâng cao đời sống của cán bộ nhân viên trong Công ty. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Công ty vẫn còn rất nhiều những tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trong hoạt động nhập khẩu nói riêng. Trong bối cảnh hội nhập như ngày nay, vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động nhập khẩu với Công ty lại càng trở nên bức thiết. Nghiên cứu đề tài “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhập khẩu tại Công ty cổ phần phát triển xây dựng và xuất nhập khẩu Sông Hồng” đã giúp em hiểu được những
hoạt động nhập khẩu rất thực tế tại Công ty, bổ sung cho những kiến thức lý luận em đã được trang bị. Với vốn kiến thức còn ít ỏi của mình, trong bài viết
này, em xin đưa ra một số giải pháp để giải quyết những tồn tại trong hoạt động nhập khẩu nhằm giúp Công ty nâng cao được hiệu quả nhập khẩu để có thể ngày càng đứng vững, phát triển, khẳng định vị thế và uy tín của mình trên thương trường. Đồng thời trong chuyên đề này, em cũng đưa ra một số kiến nghị với cơ quan Nhà nước về chính sách vĩ mô nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Do giới hạn về thời gian và khả năng của bản thân, bài viết chắc chắn có nhiều sai xót, em rất mong nhận được những ý kiến nhận xét quý báu của thầy cô để em có thể hoàn thiện hơn nữa chuyên đề này.